Bằng việc tăng tỉ giá bình quân liên NH 9,3% - từ 18.932đ lên 20.693đ/USD - NHNN đã bắt đầu thực hiện chính sách điều hành tỉ giá mới theo hướng thị trường.
Sự khởi đầu này sẽ nhiều gian nan khi phải đối mặt với việc xóa bỏ tâm lý đồng VN luôn mất giá, vốn đã ăn sâu trong người dân, DN, nhưng đó là con đường đúng và cần thiết mà thị trường tài chính phải đi qua. Quan trọng bây giờ là cùng với sự điều chỉnh tỉ giá, các giải pháp đồng bộ đi kèm về tiền tệ phải được gấp rút áp dụng.
Tỉ giá liên ngân hàng vẫn vượt trần
Ngay sáng 11.2 sau một vài giờ nghe ngóng phản ứng của thị trường, tỉ giá liên NH được chào mua và bán ở mức 20.930 - 20.940đ/USD (tỉ giá trên sổ sách kịch trần là 20.900đ/USD. Việc hạch toán chênh lệch được tính vào các giao dịch khác như tiền đồng, ngoại tệ khác). Giá này cao hơn hẳn so với mức giao dịch trước tết khoảng 20.800đ/USD.
Người mua chủ yếu là một số NH quốc doanh, người bán phần lớn là các NH nước ngoài. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, cầu ngoại tệ trên thị trường liên NH càng cao và cuối ngày, giao dịch được chốt ở mức 21.050đ/USD, tăng 150đ/USD so với giá trần. Có lẽ mức cầu cao là một trong những lý do khiến NHNN công bố tỉ giá bình quân liên NH ngày 12.2 thêm 20đ/USD, lên 20.713đ/USD.
Nguyên nhân chính khiến một số NH quốc doanh tăng mua ngoại tệ có thể là do ngay trước tết họ đã bán một lượng USD tương đối để lấy tiền đồng, đáp ứng nhu cầu tiền đồng tăng mạnh lúc đó. Nay sau tết họ phải cân đối lại trạng thái ngoại hối. Trong bối cảnh đó, NHNN đã bán ra ngoại tệ can thiệp thị trường. Nhiều NH cho biết đơn xin mua ngoại tệ của họ nhằm cung ứng cho các DN NK những mặt hàng thiết yếu được NHNN đáp ứng từ 20% đến 50% tùy đơn vị. Một NH nhận xét khả năng NHNN tiếp tục can thiệp là rất lớn vì dự trữ ngoại hối cuối năm ngoái đã tăng so với đầu năm.
Kiểm soát thị trường liên NH bằng tỉ giá công bố
Mấu chốt của sợi dây tỉ giá hiện nay chính là giao dịch trên thị trường liên NH. Tuy nhiên, tỉ giá giao dịch tăng tới 150đ/USD so với giá trần có thể do yếu tố tâm lý. Không loại trừ có yếu tố đầu cơ tạo sóng nhằm kiếm lời của một số thành viên tham gia thị trường. Cội nguồn của yếu tố đầu cơ, nếu có, vẫn là sự chênh lệch còn ở mức 500 - 600đ/USD giữa tỉ giá niêm yết của NH và tỉ giá chợ đen.
Có một sự quan hệ mật thiết giữa ba điểm: Thị trường liên NH; giao dịch tại các NH và thị trường tự do trong biến động tỉ giá. Trước một cơ chế điều hành tỉ giá mới mà điểm nhấn là sự linh hoạt của tỉ giá liên NH được NHNN công bố hàng ngày, các chủ thể tham gia thị trường đều ở thế thủ. Do chưa đoán định được sự linh hoạt của tỉ giá công bố hàng ngày ở mức độ nào, phản ứng hợp lý ban đầu là quan sát.
Có khả năng sự thay đổi của tỉ giá do NHNN công bố hàng ngày thời gian đầu sau điều chỉnh chỉ lên xuống vài chục đồng/USD để thị trường quen dần. Với mức dao động này một số NH và đối tượng đầu cơ có thể hoạt động được. Để chống đầu cơ và chủ động điều tiết cung cầu thị trường, sự biến động của tỉ giá hàng ngày phải lớn hơn, có thể tới vài trăm đồng/USD. Trước mắt mức biến động lớn có tác dụng giải tỏa sự găm giữ ngoại tệ của các nhà XK. Các Cty XK sẽ bán ngoại tệ cho NH nếu không chắc chắn ngày hôm sau tỉ giá còn tăng, mà coi chừng họ có thể mất 200-300đ/USD nếu đồng nội tệ lên giá.
Mặt khác, sự linh hoạt của tỉ giá công bố hằng ngày còn tạo điều kiện để NHNN “hút” ngoại tệ về hoặc “bơm” ra, kiểm soát dự trữ ngoại hối. Giả sử hôm nay tỉ giá công bố tăng cao hơn hẳn hôm qua, DN bán nhiều cho NH, NH mang giao dịch trên thị trường liên NH hoặc bán cho NHNN. Động thái trên có thể ngược lại khi tỉ giá công bố sụt giảm. Với công cụ này cộng với vai trò là người mua - bán cuối cùng, NHNN hoàn toàn có thể chủ động điều hành thị trường, chứ không phải chạy theo thị trường bằng những động thái giật cục như từ trước đến nay.
Các giải pháp đồng bộ đi kèm
VN trong tình trạng nhập siêu và chúng ta phải chấp nhận tình trạng này nhiều năm nữa. Nhưng về tổng thể luồng ngoại tệ vào VN không thấp, nếu không muốn nói là cao hơn ra. Thâm hụt thương mại có thể được bù đắp bằng nhiều nguồn nếu có chính sách ngoại hối thích hợp. Cơ chế điều hành tỉ giá mới không thể phát huy hết tác dụng một khi không có hàng loạt giải pháp đồng bộ đi kèm.
Một trong những việc có thể làm ngay là sửa đổi Thông tư 25 về đối tượng cho vay ngoại tệ theo hướng không cho phép vay ngoại tệ với các đối tượng không có nguồn thu ngoại tệ, trừ DN NK những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, phân bón, thuốc men, thuốc trừ sâu... Đối tượng áp dụng của thông tư 26 về việc tập đoàn, TCty nhà nước bán ngoại tệ cho NH cần được mở rộng sang một số DN khác của nền kinh tế.
Vừa qua , thông tư 26 hầu như không hiệu quả bởi DN có thể mở tài khoản ở cả chục NH khác nhau và họ bán ngoại tệ cho NH theo giá thương lượng, không theo giá niêm yết (dù trên giấy tờ là giá niêm yết). Nếu NH A không đồng ý giá thương lượng, họ chuyển ngoại tệ bán cho NH B hoặc C, tạo sự cạnh tranh giữa các NH trong việc giữ chân khách hàng. NH không mua được ngoại tệ giá chính thức, làm sao bán ra giá chính thức được? Bên cạnh đó, NHNN phải tham gia trực tiếp mua bán trên thị trường như đã nói ở trên, đồng thời xây dựng và xác định lại lộ trình phát triển thị trường phái sinh phòng ngừa rủi ro ngoại hối. Việc cho phép thực hiện lại hợp đồng quyền chọn giữa ngoại tệ và VND là cần thiết. Trước đây chúng ta đã thí điểm quyền chọn mua bán ngoại tệ giữa NH và dân cư, nhưng sau lại đột ngột chấm dứt.
Trên hết cơ chế tỉ giá phải đi đôi với cơ chế lãi suất. Việc tạm hoãn thi hành Thông tư 13 và 19 sẽ ngay lập tức giảm giá thành huy động vốn, kéo lãi suất tiền gửi VND xuống trước, sau đến lãi suất huy động ngoại tệ. Nếu lãi suất tiết kiệm tiền đồng 10%/năm, mà ngoại tệ chỉ có 1% - 2%/năm, người ta sẽ giữ tiền đồng. Điều hành tỉ giá vì thế, không đơn thuần chỉ là điều chỉnh một lần rồi thôi, dù đây là lần điều chỉnh mạnh nhất trong lịch sử xét về mức độ.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com