Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phân tích - Dự báo: Nguy cơ từ nợ công quá cao

Tình trạng nợ công quá cao đang đẩy một số nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế phát triển, đối mặt với nguy cơ vỡ nợ quốc gia.

Ảnh chỉ có tính minh họa

Theo mạng tin phân tích và dự báo kinh tế EIU (thuộc Tạp chí Economist của Anh), nguy cơ vỡ nợ quốc gia đang gia tăng ở nhiều nước do sự xuất hiện đồng thời của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.

Hai yếu tố này dẫn đến hiện tượng các chính phủ đồng loạt vay nợ nhiều chưa từng có trên quy mô toàn cầu và không dừng lại ngay cả khi suy thoái đã chấm dứt, khiến hệ thống tài chính toàn cầu phải chịu nhiều sức ép.

Trong số các nền kinh tế phát triển, Khu vực đồng Euro (Eurozone) với tiềm lực tài chính bị suy yếu nghiêm trọng do suy thoái và gánh nặng nợ nần, có nguy cơ vỡ nợ cao nhất và đây chính là tiêu điểm lo lắng của thị trường.

Tại các nền kinh tế này, vay nợ của khu vực tư nhân cũng tăng mạnh trong thời kỳ tiền khủng hoảng và rất nhiều khoản vay đã trở thành nợ xấu sau khi khủng hoảng xảy ra. Các cuộc cứu trợ quy mô lớn càng làm nặng thêm gánh nợ của khu vực nhà nước. Trong đó, khó khăn của Hy Lạp là nghiêm trọng nhất; tình hình ở Bồ Đào Nha và Ireland đang xấu đi; Tây Ban Nha và Italia cũng nằm trong diện cần theo dõi.

Bị bó buộc bởi chính sách tiền tệ và tỷ giá chung của khu vực, các nước này không có lựa chọn nào để xả bớt gánh nặng nợ công thông qua lạm phát.

Để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ, hồi tháng 5/2010 các nước Eurozone và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhất trí cứu nguy cho Hy Lạp với gói cứu trợ lên đến 110 tỷ Euro cùng với một quỹ dự phòng khẩn cấp cho các thành viên trị giá 750 tỷ Euro.

Đến tháng 7/2010 các thị trường trái phiếu Eurozone mới lặng sóng, nhờ vào những tín hiệu kinh tế cải thiện của các thành viên và tiến triển nhanh hơn mong đợi trong nỗ lực ổn định tài khóa ở Hy Lạp.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu ở Bồ Đào Nha và Ireland lại đối mặt với những sóng gió mới. Thị trường lo ngại về tiến trình cải cách tài khóa ở Bồ Đào Nha và chi phí gia tăng của ngân sách công ở Ireland sau các đợt cứu trợ ngành Ngân hàng. Đây là một lời cảnh báo lòng tin của thị trường vẫn còn chưa chắc chắn.

Ngoài ra, ngay cả khi đã giải tỏa được những lo ngại về khả năng thanh khoản ngắn hạn và nguy cơ lan nhiễm khủng hoảng, các biện pháp bình ổn vẫn không thể xóa tan nỗi lo về nguy cơ vỡ nợ ở một số thành viên Eurozone.

Mỹ và Anh cũng đang đối mặt với thâm hụt tài khóa tăng mạnh. Hai nước này có thể giảm bớt gánh nặng nợ thông qua lạm phát và phá giá tiền tệ, nhưng các biện pháp này sẽ hủy hoại thị trường trái phiếu. Lãi suất trái phiếu tăng lên sẽ ép các chính phủ nhanh chóng siết chặt chính sách tài khóa và hậu quả sẽ giáng vào quá trình hồi phục của nền kinh tế.

Mặc dù nguy cơ lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu nằm ở khó khăn tài khóa của các nước phát triển, nguy cơ vỡ nợ quốc gia cũng xuất hiện ở một số nền kinh tế đang nổi, chủ yếu ở các nước có chính sách không phù hợp, khó khăn trong tiếp cận thị trường vốn quốc tế…

Tuy nhiên, kể cả các nước dễ đi vay cũng có thể bị vỡ nợ, bởi số tiền vay được có thể không đủ, hoặc họ không thể thực hiện các điều kiện “thắt lưng buộc bụng” đi kèm do bị phản đối về chính trị và chương trình cho vay sẽ bị đình lại. Các nước nằm trong nhóm này chủ yếu là ở Đông Âu.

Vỡ nợ quốc gia ở các nền kinh tế đang nổi sẽ gây tác động rộng hơn. Tuy nhiên, do trái phiếu của các nền kinh tế phát triển vẫn được coi là an toàn, nên vỡ nợ quốc gia ở các nền kinh tế đang nổi sẽ tác động đặc biệt xấu tới tâm lý các nhà đầu tư. Các ngân hàng sẽ phải giảm vốn các khoản cho vay đối với chính phủ bị vỡ nợ và theo đó, sự bảo lãnh cho vay của các chính phủ bị vỡ nợ sẽ trở thành vô giá trị.

Khi đó, hệ thống tài chính của các nước sẽ đối mặt với những sức ép mới và tăng trưởng kinh tế sẽ gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng./.

(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!