Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản lý và thu hút vốn FDI: Nhìn người, ngẫm ta

Tiêu chí nhận biết hoạt động đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc và Đài Loan khác biệt rất rõ với Việt Nam.

“Nếu học tập kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài thì có lẽ chúng tôi phải là những người sang Việt Nam học hỏi”, một quan chức Bộ Kinh tế Hàn Quốc đã khiêm tốn phát biểu như vậy, khi đoàn công tác của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) có chuyến công tác tới quốc gia này để khảo sát, tìm hiểu về kinh nghiệm đối với lĩnh vực trên trong tháng 10 vừa qua.

Tuy nhiên, từ kết quả khảo sát của đoàn công tác này, tại hội nghị “Đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tư nhân: Kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Đài Loan” do CIEM tổ chức ngày 2/11, ông Phan Đức Hiếu, Phó ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM đã nhìn nhận, nếu muốn thành công và đạt hiệu quả cao, thì dường như Việt Nam phải thay đổi căn bản từ cơ chế chính sách, thủ tục, trình tự đến mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Khác biệt đáng lưu ý

Theo ông Hiếu, chỉ vẻn vẹn hai tuần ở nước bạn, đoàn công tác của CIEM đã thu nạp được nhiều kinh nghiệm, mà theo họ là khá hữu ích cho cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc hoạch định chính sách liên quan đến FDI, cũng như quản lý các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này.

Điểm khác biệt đầu tiên giữa Hàn Quốc hay Đài Loan so với Việt Nam là họ không có khái niệm “dự án đầu tư nước ngoài”. Cả Hàn Quốc, Đài Loan đều có chung cách tiếp cận FDI dưới hình thức “doanh nghiệp”, nghĩa là họ xem đầu tư nước ngoài là sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty nội địa, hoặc là các khoản vay nước ngoài hay đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức phi lợi nhuận.

Do đó, Hàn Quốc, Đài Loan chỉ chấp nhận nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu theo tỷ lệ phần trăm trong doanh nghiệp trong nước, hoàn toàn không có khái niệm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuần túy.

Ngoài ra, họ cũng không phân biệt đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, mà chỉ căn cứ vào tỷ lệ góp vốn hay mua cổ phần...

Tiêu chí nhận biết hoạt động đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc và Đài Loan cũng khác biệt rất rõ với Việt Nam. Trong khi chúng ta không đưa ra tiêu chí về quy mô của hoạt động đầu tư nước ngoài, thì tại Hàn Quốc và Đài Loan bắt buộc phải có quy mô nhất định.

Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia góp vốn thì tối thiểu phải có từ 50 triệu Won trở lên hoặc phải sở hữu trên 10% vốn điều lệ, cổ phần thì mới được xem là hoạt động đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, trong khi ở Việt Nam đến nay vẫn chưa phân định rõ khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” và “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, thì ở Hàn Quốc và Đài Loan, hai khái niệm này là độc lập.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng CIEM, điểm khác biệt lớn nhất và cũng là điểm mà Việt Nam cần đặc biệt lưu ý, đó là trình tự và điều kiện để được chính thức cấp phép, công nhận một doanh nghiệp là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, tại Hàn Quốc, để chấp thuận cho một doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động, ngay sau khi có thông báo thì bắt buộc doanh nghiệp đó phải chuyển vốn vào Hàn Quốc, khi đó mới được đăng ký thành lập công ty hoặc doanh nghiệp tư nhân (nội địa).

Và chỉ sau khi doanh nghiệp nước ngoài chuyển tiền vào công ty trên hoặc thanh toán đầy đủ tiền mua cổ phần, góp vốn thì mới được cơ quan thẩm quyền cho phép đăng ký công ty có vốn nước ngoài. Quan điểm của Hàn Quốc là tiền chưa vào trong nước, thì chưa coi là đầu tư nước ngoài.

Điều này cũng đồng nghĩa, chỉ khi doanh nghiệp nước ngoài chính thức chuyển tiền vào trong nước thì khi đó mới hoàn thành thủ tục đầu tư.

Trong khi đó, ở Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần hoàn tất một số thủ tục bắt buộc theo pháp luật Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là số vốn đăng ký vào các dự án, là coi như đã trở thành một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực sự.

Do đó, ở Việt Nam mới hình thành nên những khái niệm là vốn đăng ký, vốn thực hiện và thậm chí là vốn điều lệ...

Theo ông Hiếu, điều đáng nói ở đây là chúng ta lại luôn mang con số vốn đăng ký (hơn 70 tỷ USD năm 2008) báo cáo với quốc tế, trong khi vốn thực hiện lại ít hơn rất nhiều. Và rồi, việc giải ngân được bao nhiêu, nguồn vốn giải ngân từ đâu ra thì không cơ quan nào theo sát được.

“Ở Hàn Quốc, việc thu hút được 30 - 40 tỷ USD vốn FDI đã là quá lớn. Một dự án có vốn FDI khoảng 500 triệu USD đã được xếp vào hàng đại dự án. Trong khi ở Việt Nam, chuyện dự án FDI có vốn... 5 - 7 tỷ USD, thậm chí trên 10 tỷ USD cũng không phải quá xa lạ với nhiều cơ quan quản lý, thậm chí là người dân”, ông Cung nói.

Quan trọng là ở tư duy

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Hàn Quốc và Đài Loan cũng tách biệt rõ hai bộ phận hoạch định chính sách đầu tư nước ngoài và bộ phận quản lý đầu tư nước ngoài, khác với tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như ở Việt Nam.

Do đó, cơ quan chịu trách nhiệm về thu hút đầu tư nước ngoài của họ chỉ chuyên đi thu hút, không tham gia vào làm chính sách thu hút. Cơ quan này tham gia trực tiếp với các hoạt động của doanh nghiệp, và họ hiểu rõ doanh nghiệp cần gì.

Ngoài ra, mục tiêu thu hút đầu tư FDI của Hàn Quốc thể hiện rõ là phát triển công nghệ cao và tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế, do đó họ chỉ có ưu đãi ngành, chứ không có ưu đãi vùng đối với hoạt động đầu tư nước ngoài. Đối tượng ưu đãi cũng rất hẹp, không tràn lan như ở Việt Nam. Họ cũng không cho phép phân quyền cấp phép như Việt Nam.

Thậm chí, ở Hàn Quốc và Đài Loan, cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài đưa ra điều kiện là sau 3 năm, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng đạt trên 30% với những sản phẩm có giá trị. Hay các khu công nghệ cao thì chỉ dành cho doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp có vốn nước ngoài tuyệt đối không được tham gia khu công nghệ cao (mục tiêu là cho doanh nghiệp nội tạo thế chủ động về công nghệ và sản phẩm làm ra phải phục vụ người dân bản địa)...

Tuy nhiên, phản biện với những vấn đề được cho là “kinh nghiệm” tốt cho Việt Nam trong thu hút FDI do CIEM đưa ra sau chuyến khảo sát tại Hàn Quốc và Đài Loan, một số đại biểu cũng cho rằng, đặc thù của Việt Nam khác với Hàn Quốc và Đài Loan, nên không phải cái gì họ thực hiện cũng phù hợp và tốt cho Việt Nam.

Chẳng hạn như chúng ta chủ trương phát triển toàn diện, bền vững, đồng đều giữa các vùng miền, ngành nghề thì không thể không ưu đãi mở rộng và cho nhiều lĩnh vực hay phải chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa...

Thế nhưng, theo TS. Nguyễn Đình Cung, quá trình chuyển đổi kinh tế của các nước Đông Á về cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau về thời gian, nhanh hay chậm.

“Do đó, nếu muốn thay đổi thì nhất thiết phải thay đổi từ tư duy, đó là điều mang tính cốt lõi và quyết định. Chúng ta không nên ngồi chờ người khác mang đến cho mình một sự thay đổi hoàn hảo”, ông Cung khuyến nghị.

(Theo Vneconomy)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Euro sẽ rớt giá kỉ lục?
  • Hạn chế giờ giao dịch máy ATM?
  • BĐS Tây Hà Nội : Giật mình với giá đất "làng"
  • Tầm nhìn nào cho VND?
  • Ổn định lạm phát và tỷ giá: cái nhìn ngắn hạn và dài hạn
  • Nguồn cung ngoại tệ sẽ được cải thiện mạnh mẽ
  • Trung Quốc đánh tụt hạng tín nhiệm nợ Mỹ
  • Bài học trong xây dựng cơ bản ở Cần Thơ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!