Trong ngắn hạn thị trường chứng khoán vẫn diễn biến khó lường khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng. Nhà đầu tư hoang mang không biết lựa chọn cổ phiếu nào để bảo toàn vốn: công ty có kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV/2008 hay cổ phiếu lĩnh vực tiềm năng…? đang là câu hỏi đặt nhà đầu tư trước sự lựa chọn khó khăn để tìm kiếm cơ hội đầu tư tăng trưởng.
Khi so sánh tương quan P/E các nước, nhóm phân tích CTCP Bảo Việt cho rằng, mức độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần trở lại đối với các nhà đầu tư giá trị khi tính đến thời điểm 5/12, P/E của Việt Nam đã giảm xuống khá thấp (đạt 8,01 lần so với mức 9,97 lần của các nước trong mẫu).
Xét tương quan chỉ số P/E theo nhóm ngành, nhóm phân tích BVSC cho rằng ngành công nghiệp, vật liệu cơ bản và dịch vụ công đang có mức P/E thấp tương đối hơn so với những ngành khác. Công nghiệp và vật liệu cơ bản là 2 ngành mà đầu ra chịu ảnh hưởng nhiều nhất của suy thoái kinh tế.
Ngành dịch vụ công vốn là ngành tăng trưởng ổn định, mặt bằng P/E thường thấp hơn những ngành khác. Trừ trường hợp cổ phiếu PPC, chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trong ngành (hơn 50%), sụt giảm mạnh kéo mặt bằng P/E của nhóm ngành này giảm theo, nhóm phân tích BVS vẫn cho rằng cố phiếu ngành dịch vụ công nói chung vẫn khá ổn định do đầu ra ít chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, đây được xem là các cổ phiếu phòng thủ tốt trong giai đoạn hiện nay.
Y tế là nhóm ngành hiện có mặt bằng P/E cao nhất trên thị trường (11,69 lần), cũng được xem là một nhóm cổ phiếu phòng thủ tốt bởi ít chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế do yếu tố đầu ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, giá cả được giữ tương đối ổn định. Đây cũng là nhóm ngành giữ giá tốt nhất trên thị trường trong giai đoạn sụt giảm vừa qua.
Ông Phan Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng bộ phận phân tích CTCK Vincom đánh giá: các ngành an toàn hiện nay là những ngành có sức cầu ổn định hoặc cung vẫn chưa đáp ứng được cầu, như ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng tiêu dùng giá trị thấp, dịch vụ tiêu dùng hoặc kinh doanh thiết yếu, ngành điện... Càng lý tưởng nếu các ngành hay doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa. Ngoài ra, một số ngành nằm trong diện sẽ được Chính phủ thúc đẩy đầu tư phát triển trong năm tới, như xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng đáng quan tâm.
Bà Hoàng Thị Hoa - Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt nhận định, các doanh nghiệp có nhiều khả năng đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận trong quý IV/2008 thuộc ngành ngành dược và hàng tiêu dùng. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này được coi là nhóm cổ phiếu phòng vệ, có khả năng chống chọi tốt với các khó khăn từ biến động của chu kỳ kinh tế, do các ngành này phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, nhất là hướng vào người tiêu dùng nội địa.
Cổ phiếu của một số doanh nghiệp ngành dược như DHG, DMC, IMP, ngành thực phẩm như VNM thời gian qua có mức giá giảm thấp hơn so với mức trung bình của thị trường và các nhóm còn lại. Điều này cho thấy phần nào tính chất ổn định và phòng vệ của các cổ phiếu trong hai ngành này. Bên cạnh đó, đây cũng là các doanh nghiệp tập trung vào mảng hoạt động chính, không đầu tư dàn trải, không đầu tư tài chính nhiều nên mức độ bị ảnh hưởng sẽ ít hơn.
Trưởng bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), ông Fiachra Mac Cana cho biết, một số cổ phiếu đáng xem xét là FPT với tiềm năng phát triển và sự "cởi mở" của ban lãnh đạo; CII với nhiều dự án hạ tầng tiềm năng sẽ đưa vào khai thác trong vài năm tới; trong năm nay, sau khi giải quyết dứt điểm các khoản đầu tư tài chính, GMD sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong năm 2009; SJS có các vấn đề quản trị công ty, nhưng vẫn là cổ phiếu bất động sản hấp dẫn nhờ có nhiều dự án.
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com