Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sớm tìm giải pháp hạ lãi suất

Ngày 16-4, tại Hà Nội, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch để đóng góp ý kiến triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. Tới dự có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Giao dịch tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

Không thể mãi nhập siêu

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải “đặt hàng” Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam thường xuyên phối hợp với các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh thành và các tổ chức thành viên tổ chức làm tốt công tác tư tưởng thông qua việc tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức đúng, hiểu rõ, tham gia tích cực, thiết thực, tạo đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện nghị quyết.

Nhất là việc kiểm soát giá cả, tuân thủ các quy định về niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, chống buôn lậu, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực hành tiết kiệm chống lãng phí...

Ngoài ra, tăng cường tham gia giám sát để các cơ quan chức năng triển khai đúng và có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ. Phó Thủ tướng đơn cử, “MTTQ có thể vận động nhân dân trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Vì khâu này nếu làm tốt sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án, giúp tăng hiệu quả vốn đầu tư, giảm áp lực đối với nền kinh tế.

Thực tế, có những dự án liên quan đến 20.000 hộ dân, nhưng chỉ vì 1-2 hộ dân không chấp nhận phương án đền bù giải phóng mặt bằng mà tiến độ bị chậm vài năm”.
 
Những giải pháp Chính phủ đề ra tại nghị quyết này được các thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho là kịp thời, linh động và sát thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, các ý kiến vẫn tiếp tục bày tỏ những lo ngại đối với những bất ổn của nền kinh tế, nhất là vấn đề nhập siêu, chính sách tiền tệ và lãi suất.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, nhập siêu mãi là không ổn, phải tìm mọi giải pháp để giá thành sản phẩm trong nước thấp xuống. “Hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn khiến sản xuất bị đình trệ. Chính phủ phải sớm giải tỏa điều này”, ông Thắng đề nghị.

Vẫn theo ông Thắng, chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay để ngừa lạm phát là đúng, nhưng phải phân loại, không nên thắt chặt ở tất cả các lĩnh vực. Thay vào đó, nên tiếp tục đầu tư mạnh cho lĩnh vực giáo dục, nhất là đào tạo lao động trình độ cao, hạ tầng, sản xuất hàng hóa; ngược lại nên thắt chặt cho vay nhập khẩu để hạn chế nhập siêu.

Vấn đề lãi suất thỏa thuận quá cao hiện nay theo ông Thắng cũng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, khiến sản xuất cầm chừng. Ông Thắng và nhiều ý kiến khác đều kiến nghị Chính phủ phải sớm tìm giải pháp kéo lãi suất thấp xuống.

Vẫn về vấn đề nhập siêu, theo ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Đức, hiện nay hầu như chúng ta chưa kiểm soát được đầu vào nhập khẩu, thậm chí là thả lỏng, điều này vừa khiến mất cân đối cán cân xuất nhập khẩu, vừa tước đi cơ hội của hàng hóa trong nước.

“Nhập khẩu muối chẳng hạn, Chính phủ nói phải nhập khẩu muối công nghiệp. Vậy Việt Nam có sản xuất được muối công nghiệp không, chắc chắn là có, tại sao chưa đầu tư để hàng năm vẫn nhập khẩu muối, trong khi muối diêm dân trong nước làm ra bán không được”. Ông Thực cũng dẫn chứng, Việt Nam đã nuôi được cá hồi nhờ đầu tư kỹ thuật đúng thì hoàn toàn có thể sản xuất rất nhiều loại sản phẩm khác thay vì đi nhập khẩu như hiện nay.

Càng xuống dưới,chính sách càng rơi rụng

Một trong những đóng góp được các thành viên Đoàn Chủ tịch nhấn mạnh là công tác dự báo của Chính phủ hiện nay còn yếu kém, dẫn đến hậu quả xấu đối với nền kinh tế, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Thực dẫn chứng, hiện nay giá vật liệu xây dựng (xi măng, thép) tăng chóng mặt trong khi cách đây chỉ vài tháng, các mặt hàng này tiêu thụ rất chậm. Hay như vấn đề lãi suất, 1 năm trước Chính phủ thực hiện cung cấp vốn, ưu đãi lãi suất nhưng đến nay lãi suất tăng chóng mặt khiến các doanh nghiệp khó khăn.

“Tại sao các bộ ngành chức năng không dự đoán chính xác sự biến động này cho giai đoạn giữa suy giảm và phục hồi?”- ông Thực băn khoăn.

TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và  nhỏ cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay Chính phủ cần giải quyết là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó quan trọng nhất là vốn, lãi suất: “Chính phủ xác định tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 25% là đúng, nhưng phải đưa vốn vào thật trúng, thật hiệu quả”.

Theo ông Kiêm, các ngân hàng thương mại phải “co” lãi suất lại để cứu doanh nghiệp, còn Ngân hàng Nhà nước phải hỗ trợ những nơi thanh khoản kém.

Một cách tiếp cận khác, ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, các giải pháp, chỉ đạo mà Chính phủ đưa ra khá kịp thời, nhưng xuống các bộ ngành thì chỉ đạo rất chậm và xuống tới người dân bị “rơi rụng” nhiều.

“Như năm 2009, Chính phủ kích cầu cho doanh nghiệp vay vốn, nhưng hầu hết doanh nghiệp ở nông thôn không vay được. Chính phủ phải cử những người có phẩm chất, năng lực, đủ uy tín để kiểm tra việc thực hiện ở cơ sở” - ông Dần đề nghị


(Theo PHAN THẢO/SGGP)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Biến động tỷ giá: “Người cười nụ, người khóc thầm”
  • Không còn mức “đỉnh” lãi suất huy động VND 11,99%/năm
  • Thị trường tài chính Việt Nam chủ yếu vẫn đi... một chân
  • Nợ công tăng đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu
  • Standard Chartered: Cần cảnh giác với luồng vốn “chảy ngược”
  • Kiểm soát lãi suất khi bỏ trần
  • Tiếp tục xu hướng tự do hóa đầu tư nước ngoài
  • Điều hành chính sách tài chính, tiền tệ: Chủ động ngăn ngừa lạm phát
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!