Năm 2011 được nhận định là năm có nhiều cạnh tranh về giá trên thị trường bất động sản (BĐS). Vì thế, thị trường này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Tăng thuế nhà đất, buộc phải thanh toán qua ngân hàng khi giao dịch về nhà ở… là những giải pháp được Bộ Xây dựng đề xuất để chống đầu cơ, làm giá.
Nhiều thách thức
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam nhận định, mặc dù cơ hội đầu tư vẫn rộng mở nhưng năm 2011 sẽ ngày càng khó khăn hơn, thách thức sẽ ngày càng tăng lên, thị trường sẽ có những biến động và trở nên nhạy cảm hơn…. Khi đó, tất nhiên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền của mỗi nhà đầu tư.
Ông Marc phân tích, những yếu tố bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô sẽ luôn là mối đe dọa đối với nền kinh tế, đương nhiên sẽ có tác động mạnh mẽ đối với thị trường BĐS. Chỉ số CPI năm 2010 tăng 11,75%, đây là mức tăng khá cao so với các nước trong khu vực, giá cả tăng sẽ gây bất ổn đối với nền kinh tế, khiến giá BĐS cũng biến động phức tạp hơn. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay cao, tỷ giá biến động mạnh… là những nhân tố rất quan trọng tác động đến hoạt động kinh doanh BĐS.
Cùng quan điểm trên, ông Troy Griffiths, Giám đốc quốc gia về nghiên cứu và định giá của Savills Việt Nam cũng nhận định, trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường BĐS Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thử thách và chỉ có thể kỳ vọng thị trường sẽ đạt kết quả tốt hơn vào thời điểm 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, theo ông Troy, thách thức với thị trường BĐS cũng không ít. Các vấn đề kinh tế như giá trị của VND và lãi suất cao đòi hỏi phải có những chính sách áp dụng nhất quán, rõ ràng. Nguồn vốn từ bên ngoài của nhiều dự án BĐS cùng với lãi suất cho vay cao sẽ tiếp tục hạn chế định mức cho vay. Các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội lựa chọn nơi đầu tư và do Việt Nam liên tục xếp ở vị trí thấp về tính minh bạch trong thị trường BĐS, nên có thể dễ dàng giải thích tại sao vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài lại chảy vào các nước lân cận với thị trường mở hơn.
Chống đầu cơ, làm giá bằng cách nào?
Theo đề nghị của Bộ Xây dựng, một giải pháp hữu hiệu để chống đầu cơ BĐS là cần phải điều chỉnh tăng thuế nhà đất nhằm khuyến khích sử dụng có hiệu quả BĐS và hạn chế đầu cơ. Cụ thể, có thể đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp sử dụng nhiều nhà ở, đất ở hoặc có sở hữu nhà ở với quy mô lớn. Đồng thời, quy định sử dụng một tỉ lệ nhất định thuế sử dụng đất (khoảng 50%) nhằm hỗ trợ những người bị thu hồi đất nông nghiệp trong một thời gian nhất định (từ 10 - 15 năm) để họ có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cũng cho rằng việc tăng thuế sẽ là giải pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang tràn lan tại các khu đô thị mới hiện nay.
Một giải pháp khác mà Bộ Xây dựng đề xuất đó là, ở các nước, việc mua bán nhà đất đều phải thanh toán qua ngân hàng, còn ở Việt Nam thường trả tiền trực tiếp. Điều này không an toàn cho cả hai bên, nhất là khi mua nhà theo hình thức góp vốn. Vì thế, khi mua bán nhà ở bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng vừa quản lý về thuế lại hạn chế rủi ro cho người dân. Bên cạnh đó, nên tạo cơ chế khuyến khích các giao dịch nhà ở của người dân thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản, chẳng hạn người giao dịch qua sàn sẽ được hưởng ưu đãi về thuế chuyển nhượng, lệ phí trước bạ, được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xác nhận sở hữu...
Tuy nhiên, cuộc kiểm tra mới nhất của liên ngành tại 61 sàn giao dịch BĐS ở Hà Nội mới đây đã phát hiện 25 đơn vị có vi phạm, chiếm tỉ lệ hơn 40%. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh sẽ có sự đôn đốc, giám sát cũng như thanh kiểm tra các sàn thường xuyên để các sàn hoạt động thực sự chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com