Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tăng mạnh trong tháng 2-2011. CPI tại Hà Nội đã tăng 1,98%, so với con số 1,68% của tháng 1. Tại TP Hồ Chí Minh, mức tăng CPI là 1,61%, trong khi tháng 1 là 1,01%. CPI tháng 2 tăng mạnh là do thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, với sức mua trên thị trường tăng mạnh nhất trong năm. Diễn biến tăng giá của các nhóm hàng hóa dịch vụ chính tại hai TP lớn cho thấy, sức mua cao đã gây áp lực đáng kể đến tốc độ tăng CPI trong tháng 2. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 2 tại Hà Nội đã tăng 4,17%, TP Hồ Chí Minh 2,48%. Hàng loạt yếu tố tác động tới mặt bằng giá nói chung cũng đang gây áp lực tới mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trên thực tế, đợt điều chỉnh tỷ giá USD/VND thêm 9,3% vừa qua sẽ khiến giá hàng nhập khẩu tăng, bởi hiện tỷ lệ nhập siêu của nước ta khá lớn. Thêm vào đó, việc điều chỉnh tăng giá điện, giá xăng sẽ diễn ra khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp (DN) tăng cao, gây áp lực tăng giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Đợt điều chỉnh tăng lương cơ bản dự kiến thực hiện vào tháng 5 tới đây cũng sẽ tạo ra áp lực tâm lý, gây tăng giá hàng hóa dịch vụ. Bởi trên thực tế, sau mỗi đợt điều chỉnh tăng lương cơ bản thường xảy ra tình trạng tăng giá "té nước theo mưa". Một mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập.
Nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát đang là mối lo chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Nền
kinh tế Việt Nam đang phải chịu tình trạng "lạm phát kép" bởi sức ép tăng giá trên thị trường thế giới, yếu tố tâm lý sau đợt điều chỉnh mạnh tỷ giá vừa qua. Để kiểm soát lạm phát, cần thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như: kiểm soát dư nợ tín dụng dưới 20%, bội chi ngân sách giảm dưới 5% GDP, cắt giảm chi thường xuyên 10%. Khi thắt chặt tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách làm giảm tổng cầu, giảm nhập siêu… kinh tế vĩ mô sẽ phát triển ổn định, từ đó giảm lạm phát.
Việc xử lý mạnh tay với tình trạng tùy tiện tăng giá, găm hàng đang diễn biến phức tạp cũng được nhấn mạnh. Trên thực tế, trong tháng 2, nhiều hãng sữa bột đã tăng giá bán với lý do tỷ giá điều chỉnh, không thực hiện nghiêm quy định đăng ký giá của Bộ Tài chính. Một số cây xăng tự ý tăng giá bán lẻ hoặc đóng cửa với nhiều lý do bất hợp lý để găm hàng... Những hành vi này cần được xử lý bằng cả biện pháp hành chính và hình sự mới đủ sức răn đe.
TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc kéo lãi suất cho vay xuống cần thực hiện ngay để giảm bớt áp lực cho DN, qua đó hạn chế tăng giá và chống lạm phát. Theo ông, với mức lãi suất cho vay đang ở mức xấp xỉ 20%, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN khó có cơ hội phát triển, sẽ ảnh hưởng tới việc làm và xuất khẩu. Bên cạnh việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, cần giảm chi phí hành chính, bội chi ngân sách và giảm nhập siêu.
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong dài hạn, muốn kiềm chế lạm phát và giúp kinh tế tăng trưởng ổn định, Nhà nước nên đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân với những chính sách ưu đãi cụ thể và hiệu quả. Hiện nay, khu vực tư nhân, nơi có đóng góp khá lớn vào tốc độ tăng GDP và tạo nhiều việc làm cho xã hội lại gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay và mặt bằng sản xuất kinh doanh. Vì vậy, thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách cần có những điều chỉnh phù hợp giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp vào sự phát triển ổn định của nền kinh tế.