Dự báo mức độ tác động, đề xuất giải pháp hạn chế ảnh hưởng xấu của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới là nội dung chính Hội thảo “Kinh tế Viêt Nam trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu” do Báo Đầu tư phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức tại TP.HCM ngày 18/11.
Theo tham luận của các đại biểu tham dự Hội thảo, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ Mỹ, đã lan nhanh và tác động tiêu cực tới nhiều nền kinh tế thế giới. Việt Nam cũng đang chịu tác động ngày càng rõ nét và trực tiếp hơn từ cuộc khủng hoảng này. Những tác động được dự báo là không chỉ dừng lại ở lĩnh vực xuất khẩu, mà cả với đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán, du lịch và nhiều ngành kinh tế khác.
Hiệu trưởng Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, TS Jonathan Pincus dự báo, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ sẽ kéo dài trong năm 2009 do "chúng ta không biết mức độ tồi tệ trên thực tế của các khoản vay bất động sản được chứng khoán hóa như thế nào". Theo ông, nếu gói giải pháp cứu thị trường bất động sản của Chính phủ Mỹ lên đến 1.000 tỷ USD thì cũng không thấm tháp để có thể vực dậy thị trường bất động sản và chứng khoán trong một năm. "Thị trường tài chính Mỹ vẫn đang ở trong thời kỳ bão táp và nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, kể cả các nước đang phát triển ở Đông Nam Á", ông Jonathan Pincus cảnh báo.
GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) nhấn mạnh, không nên và không được phép đưa ra những nhận xét thiếu tính khoa học chỉ nhằm trấn an dư luận khi cho rằng, nước ta chỉ chịu ảnh hưởng "không lớn lắm".
Trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, sự điều chỉnh chiến lược của các tập đoàn kinh tế toàn cầu do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới sẽ tác động đến cả những dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp phép và các dự án tiềm năng. Do kinh tế Mỹ suy thoái và kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nên các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới khi gặp khó khăn, chắc chắn sẽ phải tạm thời thu hẹp phạm vi và đình hoãn một số dự án đầu tư không có khả năng thu xếp tín dụng.
Vì vậy, nhiều dự án FDI đã được cấp phép có thể sẽ phải giãn tiến độ, thu hẹp quy mô hoặc không thực hiện. "Vấn đề đặt ra là các cơ quan nhà nước và chính quyền tỉnh, thành phố phải rà soát cẩn trọng những dự án đã được cấp phép, thông qua nhiều kênh thông tin và mối liên hệ để tìm hiểu ý đồ thực chất của từng nhà đầu tư trước bối cảnh kinh tế mới, phân các dự án FDI thành nhiều loại để hỗ trợ dự án có triển vọng. Phải kiên quyết thu hồi giấy phép dự án không có khả năng thực hiện", GS. TSKH Nguyễn Mại nói.
Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, Phó tổng giám đốc Vinacapital lo ngại về nguy cơ khủng hoảng ngân hàng liên quan đến các khoản vay bất động sản xấu. Với quan điểm dựa vào thị trường nội địa để giúp doanh nghiêp ổn định sản xuất, ông Chí đề nghị, trong trường hợp khủng hoảng thế giới xấu đi, cơ quan quản lý cần kích thích tiêu dùng trong nước thông qua chính sách tín dụng mềm dẻo hơn.
Về xuất khẩu, theo các chuyên gia, ảnh hưởng đối với thị trường xuất khẩu có thể không sâu sắc do hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam rẻ hơn. Tuy vậy, vẫn phải xem xét lại các chỉ tiêu dự đoán về xuất- nhập khẩu. Không chỉ có nguy cơ thu hẹp thị trường xuất khẩu, theo ông Chí, một nguy cơ lớn không kém đe dọa doanh nghiệp Việt Nam là khả năng hàng hóa các nước khác trên thế giới khi gặp khó khăn vào thị trường Mỹ, sẽ tràn sang Việt Nam. "Do đó, cơ hội chủ yếu của chúng ta là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tìm kiếm thị trường cũng như các nhà đầu tư mới từ Trung Đông", ông Chí gợi ý.
Trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước nhiều thách thức, TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) lo ngại về việc thiếu kiểm soát trong hoạt động kinh doanh của các tập đoàn lớn, khu vực doanh nghiệp nhà nước. "Cần nhanh chóng rút ra bài học từ vụ Enron hay Worldcom của Mỹ vào những năm 2000 khi họ lợi dụng chủ trương thả nổi hay thiếu kiểm toán đúng mức để lũng đoạn. Chừng nào các tập đoàn nhà nước Việt Nam chưa được kiểm toán công khai thì chừng đó, những hậu quả khó lường có thể xảy ra nếu các đơn vị này chạm phải cho dù một cơn bão nhẹ từ khủng hoảng hay cú sốc bên ngoài", ông Thơ cảnh báo.
Có lẽ bài học bao quát nhất đối với Việt Nam từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ là cần kết hợp hài hòa giữa sức mạnh tự điều chỉnh của thị trường với năng lực của Chính phủ trong điều tiết nền kinh tế. Đây cũng là vấn đề khó nhất trong việc hoạch định chính sách kinh tế của Nhà nước, đòi hỏi phải có kinh nghiệm quốc tế và căn cứ vào thực tế phát triển của Việt Nam để đưa ra các quyết sách đúng đắn, vừa tận dụng được lợi thế, vừa chủ động đối phó và vượt qua thách thức trong xu hướng toàn cầu hóa.
( theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com