Trao đổi với Báo Đầu tư bên lề Hội nghị Xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Thừa Thiên Huế, được tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, Thừa Thiên Huế hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư tìm đến vùng đất Cố đô.
Thưa ông, vì lý do gì Thừa Thiên Huế lại tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư dành riêng cho doanh nghiệp Hàn Quốc?
Đây chính là sáng kiến của ngài Hong Jae Im, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam. Mong muốn của chúng tôi khi tổ chức hội nghị này là thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc đến Thừa Thiên Huế, cũng như đến miền Trung Việt Nam.
Doanh nghiệp Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, song dường như họ đến Thừa Thiên Huế hơi muộn?
Đúng là nhà đầu tư Hàn Quốc là những người đến sau so với các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Đan Mạch, Singapore, Hồng Kông…, song chỉ trong mấy tháng gần đây, chúng tôi đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 doanh nghiệp Hàn Quốc, với vốn đầu tư hơn 700 triệu USD. Nếu so với tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Thừa Thiên Huế thu hút được từ trước tới nay là 2,5 tỷ USD (của 68 dự án), hay số vốn mà tỉnh thu hút được từ đầu năm đến nay (1,5 tỷ USD), thì con số này không phải là nhỏ. Doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ du lịch và may mặc.
Đâu là thế mạnh của Thừa Thiên Huế để thu hút đầu tư, thưa ông?
Thế mạnh của Thừa Thiên Huế là dịch vụ, trong đó dịch vụ du lịch là trọng tâm, sau đó là dịch vụ giáo dục, y tế. Đương nhiên, chúng tôi cũng sẽ tập trung thu hút đầu tư vào một số ngành công nghiệp khác, như công nghệ cao, công nghiệp nhẹ, những ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường…
Ông vừa nhắc đến chuyện ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề gây bức xúc dư luận lâu nay. Thừa Thiên Huế sẽ làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa đầu tư và vấn đề ô nhiễm, thưa ông?
Ở Thừa Thiên Huế, trọng tâm phát triển của chúng tôi là dịch vụ du lịch, nên vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường được đặc biệt quan tâm. Ngay từ khi nhà đầu tư bày tỏ nguyện vọng đầu tư, chúng tôi đã phải xem xét kỹ vấn đề này. Việc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật cũng rất chặt chẽ. Hơn thế, ở Huế, chúng tôi không chỉ quan tâm vấn đề môi trường, mà còn phải xem dự án đó có ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên không.
Vậy nhà đầu tư đến Thừa Thiên Huế sẽ nhận được các chính sách ưu đãi gì?
Trước hết là những chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước về miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất. Riêng ở Huế, chúng tôi rất quan tâm công tác giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư. Tất cả các vấn đề về thủ tục hành chính đều được giải quyết theo cơ chế một cửa, nhanh gọn, đơn giản.
Chân Mây - Lăng Cô là một khu kinh tế có tiềm năng thu hút đầu tư rất lớn. Huế đã làm gì để ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến nơi đây, thưa ông?
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là vùng kinh tế trọng điểm của Huế. Hiện nay, mặc dù vẫn đang trong quá trình đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhưng khu kinh tế này đã thu hút được 30 dự án, với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư đến đây chủ yếu đầu tư vào du lịch, dịch vụ, hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghiệp cảng… Đặc biệt, trong Khu kinh tế có TP. Chân Mây, mà chúng tôi đang quy hoạch xây dựng các khu đô thị ở đây.
Còn các nhà đầu tư trong nước thì sao? Các chính sách thu hút đầu tư của Thừa Thiên Huế có gì khác?
Quan điểm của chúng tôi là thu hút tất cả các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước. Hiện các nhà đầu tư trong nước cũng đến triển khai dự án ở Thừa Thiên Huế rất nhiều. Quy trình đầu tư của nhà đầu tư trong nước cũng giống như với nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi không phân biệt đối xử nhà đầu tư nội hay ngoại, miễn rằng đó là nhà đầu tư.
( theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com