Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng vốn điều lệ các NHTM - Cuộc đua vượt “cửa tử”

Cách đây hơn 1 năm (3-2009), trên mục Chủ điểm - Sự kiện, ĐTTC đã có bài “Tăng vốn điều lệ các NHTM - “Cửa sinh, cửa tử”, đặt vấn đề theo lộ trình đến cuối năm nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải đạt mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, nếu không sẽ bị "xóa sổ". đến nay, Thời gian không còn nhiều và khả năng tăng vốn thành công rất cam go đối với các ngân hàng nhỏ. Điều này cho thấy cuộc đua vượt “cửa tử” không hề dễ dàng đối với nhiều NHTM.

Theo yêu cầu của NHNN, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM không được vượt quá 25%. Ảnh: LÃ ANH

Mòn mỏi chạy đường dài

Trong số 37 ngân hàng cổ phần đang hoạt động có khoảng 20 ngân hàng chưa đạt mức vốn yêu cầu. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm tới nay chỉ mới có 6 hồ sơ xin tăng vốn được duyệt, trong đó có 3 hồ sơ của ngân hàng có vốn trên 3.000 tỷ đồng. Như vậy, còn 17 ngân hàng đang trên đường đua về đích. Phần đông ngân hàng chọn con đường tăng vốn thông qua cổ đông hiện hữu, CBCNV, số khác tìm đối tác chiến lược trong và ngoài nước hoặc tính chuyện niêm yết.

Vốn điều lệ hiện nay của Ngân hàng Gia Định (GiaDinhBank) là 1.000 tỷ đồng, dự kiến tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng sẽ hoàn tất vào tháng 8 và đợt cuối sẽ hoàn tất vào tháng 11. Đợt đầu, GiaDinhBank sẽ phát hành 3,6 triệu cổ phiếu thưởng và phát hành 94,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Trong đợt tăng vốn lần hai lên 3.000 tỷ đồng, ngân hàng sẽ chào bán 100 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Ngân hàng Nam Á (NamABank) có kế hoạch tăng từ 1.200 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong quý II và 6 tháng cuối năm lên 3.000 tỷ đồng. Ngân hàng Đại Á (DaiABank) cũng chuẩn bị kế hoạch tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.

Niêm yết là giải pháp kỹ thuật để cổ phiếu ngân hàng tăng tính thanh khoản. Hy vọng thị trường chứng khoán ấm lên, cơ hội tăng vốn của các NHTM sẽ thuận lợi hơn. Nhưng năm nay quá nhiều doanh nghiệp có ý định lên sàn, chưa kể nhiều ngân hàng lớn cũng có kế hoạch niêm yết. Vì vậy các ngân hàng nhỏ với mức độ đại chúng hóa thấp dù có niêm yết cũng khó thu hút nhà đầu tư quan tâm.

Ông Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính 

Tuy tăng vốn điều lệ nhưng cổ phiếu ngân hàng nhỏ giao dịch dưới mệnh giá, tính thanh khoản kém khiến cho đại hội cổ đông ở những ngân hàng này trở nên căng thẳng. Tại đại hội cổ đông tổ chức cuối tuần qua, Navibank lấy ý kiến cổ đông phát hành 200 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu và CBCNV để tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.

Nhiều CBCNV ngân hàng này cho rằng giá cổ phiếu ngân hàng đã thấp nhưng lại hạn chế chuyển nhượng đến 2 năm nên không hấp dẫn. Có ý kiến đề nghị Navibank tính đến phương án ưu đãi bán dưới mệnh giá để khuyến khích CBCNV mua, phần bù dưới mệnh giá sẽ trích từ quỹ phúc lợi của ngân hàng. Nhưng theo ông Đặng Thành Tâm, thành viên HĐQT Navibank, theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không được bán dưới mệnh giá. Nếu cổ đông, CBCNV không mua thì ủy quyền cho HĐQT chào bán cho đối tác khác.

Hẹp cửa cổ đông chiến lược

Đại hội cổ đông của Ngân hàng Phương Đông (OCB) cuối tuần qua cũng đã thông qua phương án tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng. OCB sẽ tăng vốn thông qua việc phát hành từ thặng dư vốn, phát hành mới cho cổ đông hiện hữu, bán thêm cho đối tác chiến lược nước ngoài và bán chọn lọc cho đối tác trong nước. Tuy nhiên, theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, OCB nên cân nhắc kế hoạch tăng vốn lên 20% cho đối tác nước ngoài là PNB Paripas, vì đến thời điểm này Chính phủ chỉ cho phép ngân hàng nước ngoài sở hữu vốn của một ngân hàng trong nước không quá 15%.

Nhiều cổ đông cũng đặt vấn đề nếu trong năm nay Chính phủ chưa mở room với nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng, OCB sẽ phải tính phương án tăng vốn từ đối tác khác. Mới đây, cuộc họp tại UBND TPHCM, OCB cũng đề xuất Thống đốc NHNN bỏ quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu, thay vào đó đưa ra nhiều mức vốn và tùy thuộc vào từng mức vốn điều lệ để có quy định về quy mô hoạt động phù hợp.

Trong thời điểm hiện nay, cổ phiếu ngân hàng không còn nằm trong danh mục ưu tiên của nhà đầu tư trên thị trường. Vì thế, để hoàn thành việc tăng vốn, nhất thiết các ngân hàng nên tính đến việc tìm cổ đông ngoại, bởi nếu chỉ trông chờ vào cổ đông trong nước, khả năng  rất khó đạt mục tiêu.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Thực tế hiện nay nhiều ngân hàng đang dự trù sẵn khả năng xử lý số cổ phần không chào bán hết hoặc bằng cách tiếp tục chào bán cho các nhà đầu tư trong nước có nhu cầu với mức giá và điều kiện phù hợp (không thấp hơn giá chào bán cho cổ đông hiện hữu và xin phép UBCKNN gia hạn thời gian chào bán nếu vẫn chưa bán hết).

Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), cho rằng tăng vốn trong bối cảnh hiện nay không đơn giản, ngân hàng phải tích cực vận động cổ đông lớn đồng cảm, chia sẻ khó khăn. Để tạo niềm tin cho cổ đông, ngân hàng đang nỗ lực niêm yết cổ phiếu trong năm nay. “Hiện nay dù TrustBank đã chọn được cổ đông chiến lược nước ngoài nhưng chưa đồng ý cho họ tham gia góp vốn vì thị giá của cổ phiếu ngân hàng hiện không cao. Không thể bán giá thấp gây thất vọng cho cổ đông hiện hữu” - ông Toàn nói.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) mới đây đã công bố bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Commonwealth of Autralia (CBA). Đây là ngân hàng bán cổ phần cho đối tác ngoại đầu tiên trong năm nay. Hiện nay, có khá nhiều ngân hàng vẫn đang ráo riết đàm phán với các đối tác ngoại, song thực tế vấn đề mấu chốt mà các ngân hàng tính đến vẫn là giá cả.

Chật vật bài toán tỷ suất sinh lời

Trong bối cảnh các ngân hàng lớn như  ACB, Sacombank, Techcombank… có kế hoạch tăng năng lực tài chính, việc thực hiện mục tiêu 3.000 tỷ đồng của các ngân hàng nhỏ càng khó khăn. So với chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng cũng như mức thực hiện được của năm trước, kế hoạch lợi nhuận được các ngân hàng nhỏ đưa ra cho năm nay gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ, tỷ suất sinh lời trên vốn 3.000 tỷ đồng vẫn khiêm tốn. OceanBank đưa ra chỉ tiêu 420 tỷ đồng so với năm trước 300 tỷ đồng; HDBank dự kiến thu về 300 tỷ lợi nhuận trước thuế năm 2010 so với năm trước 255 tỷ đồng; GiaDinhBank đưa ra mức lợi nhuận 200 tỷ đồng so với 72 tỷ đồng năm trước; NamABank có kế hoạch tăng đến 294,37% so với năm trước nhưng cũng chỉ ở mức 280 tỷ đồng; TrustBank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2010 là 290 tỷ đồng so 74 tỷ đồng năm ngoái…

Nhiều ngân hàng nhỏ cho biết kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng trong thời điểm hiện nay phải tổng hòa cả yêu cầu của NHNN, Chính phủ, ngành, cổ đông. Những năm trước tín dụng các ngân hàng nhỏ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực ngân hàng, nhưng năm nay theo yêu cầu của NHNN tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM không được vượt quá 25%. Điều này đang là bài toán nan giải cho các ngân hàng vì hầu như các hoạt động phi tín dụng của các ngân hàng nhỏ vẫn còn khiêm tốn, 70-80% lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ vẫn chủ yếu từ hoạt động tín dụng.

Ông Đỗ Công Chính, Chủ tịch HĐQT VietABank, thừa nhận mạng lưới hoạt động khiêm tốn, thiếu nhân lực giỏi, trình độ công nghệ và uy tín với tổ chức quốc tế hạn chế nên các ngân hàng nhỏ vẫn khó có thể cạnh tranh mảng dịch vụ thanh toán và kinh doanh ngoại tệ trong và ngoài nước với khách hàng. Vì vậy, năm nay các ngân hàng nhỏ sẽ vẫn phải trông chờ vào hoạt động tín dụng là chính.

Thực tế hiện nay, nguồn vốn huy động thị trường 2 (liên ngân hàng) ở các ngân hàng nhỏ chiếm khá cao trong tổng huy động vốn. Trong khi theo yêu cầu của NHNN các ngân hàng không được lấy vốn liên ngân hàng cho vay trên thị trường 1. Điều này sẽ ảnh hưởng không ít đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Muốn tăng trưởng tín dụng, phải tăng trưởng huy động. Do vậy ngân hàng nhỏ sẽ phải chấp nhận tăng lãi suất cao mới có thể hút vốn, vì thế chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra cũng khó mở rộng, dù đã được cho vay thỏa thuận lãi suất.

Để bù cho nguồn thu từ các hoạt động khác bị sụt giảm, hầu hết các ngân hàng nhỏ đều có kế hoạch sử dụng vốn điều lệ tăng lên trong năm nay vào hoạt động đầu tư tài chính và góp vốn liên doanh dài hạn với tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, các ngân hàng này đều thừa nhận những khoản đầu tư tài chính những năm trước chưa mang lại nhiều lợi nhuận, do các ngân hàng không dám “lướt sóng” mà chủ yếu đầu tư dài hạn. Phần lớn các doanh nghiệp ngân hàng góp vốn mua cổ phần là doanh nghiệp mới thành lập, đang ở trong giai đoạn đầu tư nên hiệu quả góp vốn chưa cao. Vì vậy, hoạt động đầu tư tài chính trước mắt chưa đóng góp lợi nhuận lớn cho ngân hàng.

(Theo Thanh Như // SGGP Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Ít doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay từ nguồn chính thức
  • Chuyên gia dự đoán dòng tiền đổ vào chứng khoán sẽ tăng
  • Khơi dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản: Cần cụ thể hóa các thế mạnh
  • Standard Chartered Bank: Dòng vốn đầu tư vào Việt Nam đang được cải thiện
  • Sớm tìm giải pháp hạ lãi suất
  • Biến động tỷ giá: “Người cười nụ, người khóc thầm”
  • Không còn mức “đỉnh” lãi suất huy động VND 11,99%/năm
  • Thị trường tài chính Việt Nam chủ yếu vẫn đi... một chân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!