Công cụ thanh toán trực tuyến đã phổ biến ở nhiều nước nhưng công cụ này xem ra vẫn còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Thói quen dùng tiền mặt vẫn còn nặng. Được rột rẹt những tờ giấy bạc trong tay không chỉ là niềm vui mà còn là cảm giác “an toàn”!
Ai muốn thì dùng
Các doanh nghiệp đang nỗ lực đưa dịch vụ thanh toán trực tuyến đến gần hơn với người tiêu dùng. Ảnh: TLTH |
Bà Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, giám đốc công ty Thế Giới Hoa Tươi (quận 3, TP.HCM) ước tính, tỷ lệ thanh toán trực tuyến và thanh toán tiền mặt của doanh nghiệp này hiện nay là 50 – 50. Trong đó, 50% lượng khách hàng thanh toán trực tuyến chủ yếu là ở Mỹ. Khách ở Mỹ, muốn thanh toán cho nhà bán lẻ, phải thông qua hai cổng thanh toán là “Paypal” và “2 Check Out”. Còn ở tại Việt Nam, khách có tài khoản ngân hàng nào, thanh toán qua website ngân hàng đó hoặc chuyển khoản cho nhà bán lẻ thông qua trạm ATM.
Dù đã mở website bán hàng trực tuyến cách đây vài năm nhưng theo ông Trần Nhật Linh, phụ trách bán hàng trực tuyến của Thế Giới Di Động, có đến 90% khách hàng thanh toán bằng tiền mặt. Phần còn lại là thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc gởi tiền qua bưu điện. Cách đây gần một tuần, Thế Giới Di Động đã liên kết với cổng thanh toán trực tuyến Mobivi nhưng cho đến nay, chỉ mới có hai trường hợp thanh toán qua “ví điện tử”. Tháng 12, nhà bán lẻ này sẽ kết nối thêm cổng thanh toán SmartLink để thanh toán qua thẻ ATM với mức phí ước chừng 5% giá trị thanh toán.
Ông Hùng, đại diện siêu thị WonderBuy cho biết, đã sẵn sàng các giải pháp hỗ trợ hình thức thanh toán trực tuyến nhưng vì khách hàng chưa thích cách thanh toán này nên siêu thị chỉ có ứng dụng đặt hàng qua mạng.
Ngổn ngang… “niềm tin”
Mỗi năm ông Quang (quận 1, TP.HCM) tốn gần 10.000 USD để mua hàng qua mạng nước ngoài, còn các website trong nước, chủ yếu ông xem là chính, sau đó, muốn mua hàng thì đặt hàng. Nếu hàng giao đúng với hàng đặt mới trả tiền bằng hình thức tiền mặt. “Với các website nước ngoài, tôi mua nhiều lần nhưng chưa bao giờ trục trặc gì cả. Còn ở trong nước thì chưa thử vì… chưa tin”, ông Quang chia sẻ.
Tâm lý khách hàng trong nước chưa tin vào hình thức thanh toán trực tuyến chỉ vì các nhà bán lẻ chưa tạo được niềm tin về chất lượng hàng hoá giao cho khách và yếu tố thời gian! “Vấn đề là tâm lý. Thông thường, sau khi trả tiền, khách phải được sở hữu mặt hàng đó ngay. Khi thanh toán trực tuyến, tiền đã giao nhưng chưa biết bao giờ có hàng, hàng có đúng với mẫu đã chọn hay không, chất lượng sản phẩm như thế nào… là những câu hỏi lởn vởn trong đầu khách hàng. Những yếu tố đó đã làm phương thức thanh toán chưa thể phát triển”, ông Linh phân tích.
Một trong những yếu tố làm hạn chế việc thanh toán trực tuyến chính là thủ tục đăng ký và hình thức thẻ thanh toán. Hiện nay, các website bán hàng chỉ là nơi để khách hàng tham khảo. Còn muốn thanh toán, tuỳ theo tài khoản của khách hàng ở ngân hàng nào phải vào website của ngân hàng đó thanh toán hoặc thông qua hình thức nhắn tin SMS Banking. Theo quy định của SmartLink, muốn thanh toán trực tuyến bằng thẻ ATM, khách hàng phải đăng ký e-banking. “Vì yếu tố bảo mật cho tài khoản khách hàng nên ngân hàng mới có quy định như vậy. Nhưng với nhiều chủ tài khoản, những quy định trên phức tạp, chưa kể chủ tài khoản phải chịu trừ phí thanh toán từ 3 – 5% giá trị thanh toán, đã làm cho khách hàng không muốn thanh toán trực tuyến”, chủ một website bán hàng trực tuyến nói. Còn theo ông Hùng, mua hàng rẻ hơn mua trực tiếp từ 5 – 10% nhưng khi thanh toán, khách trả cho cổng thanh toán 5%, coi như chẳng rẻ hơn nên họ không muốn thanh toán qua mạng mà trả bằng tiền mặt.
(Theo Trọng Hiền/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com