Nếu thắt chặt tiền tệ hơn nữa, lãi suất cao sẽ đẩy chi phí doanh nghiệp lên và như vậy, lạm phát sẽ cao hơn.
Sau gần 3 tháng triển khai chính sách tiền tệ thận trọng, thắt chặt, nhiều chuyên gia kinh tế hiện bắt đầu lo ngại và đề xuất không nên thắt chặt tiền tệ thêm để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Ảnh hưởng ngày càng nặng
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết do phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát nên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bị ảnh hưởng. GDP quý I/2011 ước đạt 5,43%, thấp hơn tốc độ tăng của quý I/2010. Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2011 cũng được điều chỉnh từ mức tăng trưởng theo kế hoạch từ đầu năm là 7% - 7,5% xuống mức 6,5% để bảo đảm phát triển bền vững...
Còn theo Bộ Công Thương, việc thực hiện chính sách chặt chẽ, thận trọng trong lĩnh vực tiền tệ và cắt giảm đầu tư công; giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng; chi phí phục vụ sản xuất tăng đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và tiêu thụ của một số ngành. Tháng 4, tăng trưởng sản xuất nhiều sản phẩm chủ yếu chậm hơn so với tháng 3 và cả cùng kỳ năm trước...
Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết tính chung 4 tháng đầu năm 2011, tín dụng tăng trưởng trên 5%, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,5%. Độ trễ của chính sách tiền tệ thường là 4-5 tháng nên sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn từ cuối quý II do chính sách tiền tệ thắt chặt.
TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết so với thời điểm năm 2008, tình hình của các DN đang khó khăn hơn nhiều. Vì tốc độ tăng trưởng tín dụng đang từ 50%/năm và 38%/năm của những năm trước nay giảm xuống chỉ còn 18% khiến nguồn vốn ít hơn, lãi suất cao hơn, gây khó khăn cho cả khả năng tiếp cận và sử dụng vốn của DN. Rất nhiều DN phải thu hẹp sản xuất và hoạt động cầm chừng chờ đợi qua giai đoạn khó khăn...
Không thể thắt chặt hơn
Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về động thái của DN trong quý I/2011, có 33% DN cho rằng không thể chịu nổi lãi suất NH ở mức 12% - 13%/năm. Còn tại thời điểm này, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết mặt bằng lãi suất cho vay đối với sản xuất đang đứng quanh mức bình quân 18% - 20%/năm, lãi suất cho vay tiêu dùng đã vọt lên 24% - 25%/năm. Với mức này, người vay sợ không làm ra đủ lợi nhuận để trả lãi, NH cũng ngại cho vay vì nguy cơ nợ xấu cao. Việc cho vay khó khăn đến mức một số NH đang lo ngại không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm dưới 20% như mục tiêu của NH Nhà nước.
TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng không nên thắt chặt thêm tiền tệ vì lãi suất đã quá cao. Trong suốt thời kỳ tăng trưởng GDP trên 7%/năm, chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán dưới 16%. Nếu thắt chặt tiền tệ hơn nữa, lãi suất cao sẽ đẩy chi phí DN lên và như vậy, lạm phát sẽ cao hơn.
“Chính sách tiền tệ đã hết dư địa, cần tăng cường các giải pháp đồng bộ khác. Giảm đầu tư công chưa được bao nhiêu, bội chi ngân sách vẫn lớn, nhập siêu chưa giảm, đặc biệt là hàng xa xỉ vẫn nhập nhiều, công tác QLTT về giá cả chưa có nhiều chuyển biến. Nếu các giải pháp này không được triển khai tốt, gây sức ép thắt chặt tiền tệ quá giới hạn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất”- TS Cao Sỹ Kiêm cảnh báo.
(Báo Người Lao động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com