Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thâu tóm, sáp nhập công ty chứng khoán: Bao giờ mới thành hiện thực?

Mặc dù được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) bật đèn xanh, nhưng dường như các công ty chứng khoán vẫn đứng ngoài cuộc chơi thâu tóm và sáp nhập.

Hiện có rất nhiều công ty chứng khoán nhỏ đang hoạt động trên thị trường chứng khoán
 
Trước sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng và quy mô của các công ty chứng khoán, bước sang năm 2010, để nâng cao chất lượng hoạt động, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khuyến khích các công ty chứng khoán tái cơ cấu, thâu tóm, sáp nhập… Những văn bản pháp lý liên quan tuy đã được hoàn thiện, nhưng rõ ràng, chỉ thế thôi chưa đủ.

Thời điểm chín muồi

Còn nhớ, thời điểm năm 2008 được coi là khó khăn nhất đối với các công ty chứng khoán. Nhiều dự báo lúc đó cho rằng, thị trường buộc phải chứng kiến nhiều công ty chứng khoán phải sáp nhập, giải thể… Nhưng rút cục, tình hình không bi đát như dự báo. Điểm đáng nói là ở thời điểm đen tối khi ấy, bản thân UBCKNN cũng chưa khuyến khích các công ty chứng khoán tái cơ cấu, thâu tóm, sáp nhập… Sang năm 2009, hoạt động của các công ty chứng khoán đã diễn ra khá suôn sẻ, không có trường hợp nào bị giải thể, phá sản. Thậm chí, tính đến hết năm 2009, 80 công ty báo cáo lãi, tổng vốn điều lệ đạt 24,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2008. Thế nhưng, ngay từ đầu năm 2010, UBCKNN lại lên tiếng khuyến khích các công ty chứng khoán tái cơ cấu.

Giải thích cho câu chuyện trên, ông Nguyễn Tiến Trung - Công ty cổ phần chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, năm 2008 được coi là thời điểm khó khăn nhất của các công ty chứng khoán, đã có nhiều manh nha cho các hoạt động sáp nhập, thâu tóm. Tuy nhiên, điều kiện thị trường lúc đó lại không thuận cho các hoạt động sáp nhập do chỉ số chứng khoán rớt thảm hại. Dòng tiền của các công ty trở nên khó khăn do giá trị của hàng loạt khoản đầu tư tài chính bỗng bị bốc hơi, rớt giá một cách khủng khiếp. Giá các cổ phiếu chứng khoán cũng rớt giá mạnh, các kế hoạch mua bán sáp nhập trở nên khó thực hiện hơn bao giờ hết. Do vậy UBCKNN có khuyến khích các công ty chứng khoán tái cơ cấu thâu tóm, sáp nhập cũng không được. Ông Trung cho rằng, đến năm 2010, các công ty đã nhìn thấy sự phát triển của thị trường, khả năng mở rộng, phát triển để đón cơ hội thị trường tăng tốc, mở rộng chi nhánh, phát triển khách hàng thông qua nhiều kênh khác nhau. Việc sáp nhập ở thời điểm này là thích hợp.

Thực tế, việc các công ty chứng khoán sáp nhập sẽ gia tăng cơ hội cho khách hàng của các công ty chứng khoán nhỏ được sử dụng các sản phẩm phụ trội, nguồn vốn margin và phần mềm, tiện ích của các công ty lớn cũng như khả năng về vốn mà các công ty nhỏ không có. Ngược lại, các công ty lớn có thêm được lượng khách hàng từ các công ty nhỏ, thêm cơ sở vật chất, không phải mở thêm chi nhánh... Về cơ bản, việc sát nhập sẽ có ích hơn cho nhà đầu tư từ các công ty nhỏ và các cơ quan quản lý cũng giảm được rủi ro về mặt quản lý... Đồng tình với quan điểm này, TS Phạm Thái Hưng thuộc Công ty nghiên cứu và tư vấn Đông Dương (IRC) khẳng định, đây là chủ trương phù hợp với tình hình thị trường. Bởi theo quan điểm của ông, ngoài một số công ty chứng khoán lớn thành lập lúc đầu thì vào thời điểm “nở rộ” việc thành lập công ty chứng khoán đã có rất nhiều công ty chứng khoán quy mô nhỏ ra đời. Triển vọng kinh tế sẽ ổn định (tất nhiên việc trở lại ổn định như những năm 2004 - 2006 có lẽ phải mất một thời gian dài), nên thị trường cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp và quy mô.

Thị trường M&A liệu sẽ nhộn nhịp?

Mặc dù có nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ việc khuyến khích mua bán, sáp nhập (M&A), thâu tóm các công ty chứng khoán, nhưng cũng chính họ lại cho rằng thị trường M&A của các công ty chứng khoán sẽ khó nhộn nhịp như kỳ vọng. Lãnh đạo của một công ty chứng khoán nhận định, các công ty nhỏ phải khẩn trương chuẩn bị tăng vốn hoặc tìm đối tác nước ngoài nếu không muốn bị sáp nhập hoặc phá sản khi bị mất khách hàng và nhân viên chuyển sang làm việc tại các công ty lớn. Trong khi đó các công ty lớn sẽ tiếp tục mở thêm chi nhánh và tăng vốn nhằm đáp ứng sự phát triển...

Tuy nhiên về phần mình các công ty lớn (trừ các công ty chứng khoán nước ngoài) dường như lại không thích mua lại các công ty chứng khoán nhỏ. Chẳng hạn như đối với Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI), ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ của công ty này cho biết: “Hiện SSI chưa có ý định sáp nhập hay mua lại bất kỳ công ty chứng khoán nhỏ nào, bởi những công ty có giá trị để mua (hệ thống công nghệ, khách hàng, quản trị, vốn…) thì họ không có ý định bán hoặc được định giá với giá rất cao. Còn những công ty có ý định bán thì họ chỉ có mỗi cái giấy phép!”. Ông Hưng cho rằng, những thương vụ M&A trong lĩnh vực này năm nay khó xảy ra, nếu có đi nữa thì cũng rất ít.

Sáp nhập hay thâu tóm là bài toán khó đối với lãnh đạo cũng như các cổ đông của công ty chứng khoán.

Ở một góc nhìn khác, TS Lê Hồ Khôi - Giám đốc Công ty chứng khoán Tràng An bình luận: “Đặc thù của các công ty chứng khoán là nghiệp vụ kinh doanh giống nhau với lợi thế cạnh tranh khác nhau và ưu thế phát triển khác nhau. Hai công ty sáp nhập có thể mang lại sức cạnh tranh và phát triển tốt hơn hay không (ví dụ bổ sung về nghiệp vụ, khách hàng, lợi thế cạnh tranh của mỗi bên...) hay chỉ là phép cộng số học đơn giản? Đây là bài toán khó đối với lãnh đạo các công ty chứng khoán cũng như các cổ đông".

Bên cạnh đó, nhìn ở góc độ quản lý nhà nước, TS Khôi nhận xét, UBCKNN khuyến khích các công ty chứng khoán sáp nhập trong khi khung pháp lý và các yêu cầu quản lý về cơ bản không có sự thay đổi. Thêm nữa, cơ chế để khuyến khích M&A các công ty chứng khoán chưa có gì, ví dụ như chính sách thuế - một công cụ chính sách quan trọng - cũng chưa có gì thay đổi. Vì vậy, có thể nhìn thấy trước là sẽ có rất ít vụ sáp nhập trong ngành chứng khoán xảy ra. Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng, có thể có việc chuyển nhượng sở hữu của một số công ty chứng khoán cho các tổ chức có tiềm lực về vốn và có mong muốn kinh doanh chứng khoán lâu dài ở thị trường Việt Nam.

Năm 2010, chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ đạt mức 600 điểm. Do mới phát triển ở trình độ thấp, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, và do vậy tiềm năng phát triển của các công ty chứng khoán về dài hạn là rất lớn. Trong quá trình phát triển này, thị trường sẽ sàng lọc và chỉ chấp nhận những công ty chứng khoán thật sự chuyên nghiệp, có quy mô xứng tầm với sự phát triển của thị trường. Thế nhưng, Nhà nước chỉ có thể khuyến khích việc sáp nhập, thâu tóm các doanh nghiệp trong ngành này chứ không thể can thiệp thô bạo bằng các biện pháp hành chính. Mà khuyến khích không đi kèm với những cơ chế, chính sách có lợi cho doanh nghiệp thì khó có thể trở thành hiện thực.

(Theo Hải Nam // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Quyết định của FED tạo tâm lý tích cực cho thị trường tiền tệ
  • Liệu giá vàng thế giới có tăng lên?
  • 4 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • S&P: Đồng USD sẽ vẫn là đồng tiền dự trữ chính
  • Mỹ cần có thái độ cứng rắn hơn trong vấn đề NDT
  • Tiếp cận vốn ODA: “Mở đường” cho doanh nghiệp tư nhân
  • Tăng lãi suất cơ bản hay ưu tiên mục tiêu tăng trưởng?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!