Không chỉ sản xuất đơn thuần, nhiều tập đoàn lớn đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới Ảnh: Hà Thanh |
“Họ thuê 18 ha đất và 15.000 m2 nhà xưởng ở Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Với vốn đầu tư đăng ký giai đoạn I là 250 triệu USD, nhà máy của Wintek sẽ là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam sản xuất màn hình cảm ứng, chuyên dùng cho các sản phẩm iPad”, ông Tâm nói và cho biết, nhờ dự án này, Bắc Giang đã vươn lên như là một trong những địa phương thu hút đầu tư lớn trong những tháng đầu năm nay, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc cũng có công lớn trong việc đưa nhà đầu tư Emerson của Mỹ về Việt Nam (Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng). Vốn đầu tư chỉ 20 triệu USD, nhưng nhà đầu tư này sẽ sản xuất các loại linh phụ kiện cho điện thoại di động.
Gần Hà Nội hơn, tại Bắc Ninh, theo kế hoạch, sang năm, nhà máy sản xuất điện thoại di động 300 triệu USD của Nokia sẽ khánh thành, “sánh vai” với nhà máy của Samsung, vốn đang được lên kế hoạch xây dựng thành một tổ hợp công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.
Ở phía Nam, First Solar, nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời, vốn đầu tư 300 triệu USD, luôn được nhắc tới gần đây. Cùng với đó, mới đây, Công ty GES Việt Nam cũng đã thông báo chính thức về việc sản xuất và nâng cấp thành công hai máy phủ lớp phim trên bề mặt wafer (tạo ra tấm silicon, một phần trong các con chip), do đối tác Tokyo Electron PS Ltd., (Nhật Bản) đặt hàng. Sự kiện này được ông Jin Sakamoto, Chủ tịch HĐQT của Tokyo Electron đánh giá cao.
Không chỉ đầu tư vào công nghệ cao, một xu hướng mới, đang được kỳ vọng sẽ giúp thay chất dòng vốn FDI vào Việt Nam, đó chính là các dự án R&D.
Mở phát hiệu đầu tiên có lẽ là Dự án Trung tâm Nghiên cứu R&D của Tập đoàn HP tại Công viên Phần mềm Quang Trung. Với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, dự án này có quy mô sử dụng nhân lực hơn 1.000 người.
Mới đây, Nokia cũng đã tuyên bố sẽ dành một tỷ lệ nhất định trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam cho mục đích R&D. “Ngoài việc phát triển các hoạt động sản xuất tại Việt Nam, Nokia sẽ đưa vào và phát triển các bí quyết sản xuất công nghệ cao và hệ thống sản xuất thân thiện với môi trường tại thị trường Việt Nam”, ông Juha Putkiranta, Phó chủ tịch cấp cao của Nokia phát biểu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, đây là một hiện tượng rất mới và rất đáng mừng, và rằng, đây chính là những điều mà Chính phủ Việt Nam đã chờ đợi hàng chục năm qua.
“Điều này chứng tỏ các tập đoàn lớn đã nhìn nhận Việt Nam như là một thị trường ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Họ đã không chỉ sản xuất đơn thuần, mà đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới. Hơn nữa, cũng đã chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá trình độ công nhân có tay nghề cao của Việt Nam rất cao”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Quả thực, khi chia sẻ về kế hoạch mở Trung tâm R&D tại Việt Nam, ông Francesco Serafini, Phó chủ tịch phụ trách các thị trường mới nổi của HP cũng nói rằng, HP chọn Việt Nam dựa trên 3 yếu tố rất quan trọng. Đó là tiềm năng thị trường, sự ủng hộ của chính quyền địa phương và Trung ương, và khả năng đáp ứng về nguồn lao động chất lượng cao.
Thực tế cho thấy, chuyện đầu tư vào R&D đã từng xảy ra ở Trung Quốc và Ấn Độ. Theo thông tin từ GS-TSKH Nguyễn Mại, thường thì các nhà đầu tư sẽ có 3 giai đoạn đầu tư: đầu tiên là thuê các công ty tại Trung Quốc gia công sản phẩm, sau đó là đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất và cách đây khoảng 10 năm, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bắt đầu xây dựng các trung tâm R&D tại Trung Quốc. Và giờ thì đã có dấu hiệu cho thấy, Việt Nam bắt đầu tiến vào giai đoạn thu hút các trung tâm R&D. Cơ hội thay chất dòng vốn FDI rõ ràng là đã bắt đầu.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com