Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường mua bán nợ, bao giờ?

Minh họa: Khều.

Việt Nam không thể không phát triển thị trường mua bán nợ bởi đó là một tất yếu khách quan của nền kinh tế, một trong những giải pháp giúp lành mạnh hóa tài chính cho các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.

Trường hợp Sadico Cần Thơ

Tiền thân của Sadico Cần Thơ là Công ty Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Cần Thơ chuyên sản xuất và cung cấp vỏ bao xi măng cho miền Tây Nam bộ. Do mất cân đối tài chính trầm trọng, kinh doanh thua lỗ và gánh nặng nợ nần nên Sadico không đủ điều kiện cổ phần hóa. Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ngày 30-6-2006, Sadico có tổng tài sản là 168 tỉ đồng nhưng nợ phải trả tới 219 tỉ đồng, lỗ lũy kế 118 tỉ đồng, làm hụt vốn nhà nước 51 tỉ đồng.

Để tái cơ cấu Sadico, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) - trực thuộc Bộ Tài chính - đã mua khoản nợ 180 tỉ đồng từ ngân hàng, xóa số nợ tương ứng lỗ lũy kế để cân bằng tài chính trên sổ sách, mời nhà đầu tư góp vốn và phát hành cổ phần ra bên ngoài, hình thành vốn điều lệ 50 tỉ đồng.

Từ thời điểm hoàn tất tái cơ cấu 1-7-2007 đến nay, Sadico liên tục kinh doanh có hiệu quả với suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân trên 20% và trả cổ tức 15%/năm. Sáu tháng đầu năm 2009, công ty đạt doanh thu 85,3 tỉ đồng và thu về lợi nhuận sau thuế 11,8 tỉ đồng. Cổ tức năm 2009 dự kiến đạt 15% và đang tạo việc làm cho trên 330 lao động địa phương

Ngoài Sadico, nhiều doanh nghiệp đã phục hồi bằng cách này như Công ty cổ phần Procimex Việt Nam tại Đà Nẵng, Công ty cổ phần Hữu Nghị Đà Nẵng, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty cổ phần Đường Kon Tum...

Ở Việt Nam, một số ngân hàng thương mại cũng đã thành lập công ty quản lý và khai thác tài sản nhưng cũng chỉ hoạt động giới hạn trong việc mua, bán đối với các khoản nợ mà tổ chức tín dụng cho khách hàng vay, chứ chưa được phép mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực mua, bán nợ của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong xã hội.

Vì vậy, có thể nói DATC là đơn vị duy nhất có chức năng chuyên về xử lý nợ xấu hiện nay, song mới chỉ hoạt động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Công ty có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng do ngân sách nhà nước cấp, hoạt động từ ngày 1-1-2004. Tính đến 30-6-2009, DATC đã mua 6.170 tỉ đồng nợ và tài sản tồn đọng (theo giá trị sổ sách). Trong đó có 336 tỉ đồng mua theo chỉ định của Chính phủ, số còn lại mua theo cơ chế tự thỏa thuận giữa công ty với các chủ nợ theo giá thị trường. Trên 90% số nợ tồn đọng nêu trên được mua từ các ngân hàng thương mại nhà nước.

Trong tổng số 6.170 tỉ đồng nợ tồn đọng đã mua nêu trên, có 5.160 tỉ đồng được công ty mua để xử lý thông qua việc tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu 59 doanh nghiệp khách nợ. Trong đó, có 35 công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện cổ phần hóa, 23 doanh nghiệp là công ty cổ phần trước đây được chuyển đổi từ công ty nhà nước nhưng hoạt động kém hiệu quả do những tồn tại tài chính trước cổ phần hóa không được xử lý triệt để, chỉ một doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

Đến 30-6-2009 có 14 doanh nghiệp đã được công ty giúp hoàn tất các hoạt động tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu. Tất cả đều có tình hình tài chính lành mạnh, kinh doanh hiệu quả và có triển vọng tốt. Bảy doanh nghiệp trong đó liên tục có lãi từ sau khi được tái cơ cấu.

Trì trệ do cơ chế

Song, hoạt động của DATC đang bị vướng do cơ chế quản lý. Hàng loạt phương án xử lý nợ và tái cấu trúc chuyển đổi doanh nghiệp được các cơ quan quản lý yêu cầu phải tạm dừng kể từ ngày 11-7-2008. Đặc biệt, một số biện pháp kỹ thuật của nghiệp vụ hỗ trợ doanh nghiệp mà DATC đã thực hiện bị vô hiệu hóa như cơ chế giảm trừ trách nhiệm trả nợ, cho vay hoặc bảo lãnh vay nợ đối với khách nợ. Chính vì vậy, một loạt tài sản và tình hình tài chính của doanh nghiệp đang được DATC can thiệp tiếp tục xuống cấp và khó khăn trầm trọng hơn như các trường hợp của Nhà máy Gạch granite Long Hầu hay Công ty Kiveco... bởi do thiếu vốn để duy trì và phục hồi hoạt động.

Ngay cả khi Chính phủ đã có chủ trương ưu đãi về lãi suất vay vốn từ các ngân hàng thương mại nhằm kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong sáu tháng đầu năm 2009, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do DATC xử lý tái cơ cấu cũng không tiếp cận được các nguồn tín dụng này để hồi phục lại sản xuất. Bởi do họ chưa cải thiện được tình hình tài chính theo các tiêu chí xếp hạng của hệ thống ngân hàng thương mại vì DATC đang tái cơ cấu và hỗ trợ dở dang.

Trong khi đó, hàng ngàn tỉ đồng vốn do DATC đang sở hữu vẫn hàng ngày sinh lãi trong các ngân hàng thương mại nhưng lại không được giải ngân để giúp doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Với vài chục doanh nghiệp khó khăn đang nằm chờ, chỉ cần một phần nhỏ trong số lãi phát sinh của 2.000 tỉ đồng vốn điều lệ do DATC quản lý được tung ra hỗ trợ là có đủ khả năng phục hồi lại nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Nguyên nhân cơ bản do vướng mắc khi xác định giá trị doanh nghiệp thua lỗ, văn bản pháp quy không có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thỏa thuận của DATC với các chủ sở hữu theo quy định tại điều 54 Nghị định 109/2007. Mặc dù Nghị định số 109/2007 đã cho phép chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước bị âm vốn thông qua hoạt động mua bán nợ, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, nên cả công ty và các bộ, địa phương đang vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong hầu hết các văn bản pháp lý quy định về hoạt động của DATC trong suốt hơn năm năm hoạt động vẫn duy trì cơ chế “tạm thời” với mô hình này.

“Những vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa kịp thời được tháo gỡ vẫn là khó khăn, chủ yếu ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty, nhất là hoạt động mua bán nợ, tái cơ cấu lại doanh nghiệp khách nợ. Công ty vẫn đang chờ Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung điều lệ và một số cơ chế xử lý nợ đặc thù (xóa nợ, cho vay, bảo lãnh...), không có nhiều hoạt động nghiệp vụ”, Phó chánh văn phòng của DATC, ông Hoàng Nguyên Vũ, chia sẻ với TBKTSG.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ, các vấn đề đặc thù trong quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua hoạt động mua bán nợ, như miễn giảm một phần nghĩa vụ trả nợ để xử lý tồn tại tài chính, hỗ trợ tài chính thông qua việc chuyển nợ thành vốn góp, bảo lãnh vay vốn ngân hàng hoặc cho vay bổ sung để doanh nghiệp có vốn hoạt động chưa được quy định cụ thể cũng là một trong những khó khăn lớn trong hoạt động hiện nay của công ty. Ngoài ra, vướng mắc trong việc xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý trong tính toán, xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi sở hữu cũng là một trong những nguyên nhân làm các phương án tái cơ cấu doanh nghiệp khách nợ của DATC chậm được phê duyệt hoặc phải trì hoãn để chờ tháo gỡ.

Thị trường mua bán nợ, tại sao không?

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước cuối năm 2008, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam ở dưới 4% tổng dư nợ tín dụng, song theo ông Alexander Nguyễn, một chuyên gia ngân hàng, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng ở nước ngoài về vấn đề này - thì con số thực có thể lớn hơn và thị trường nợ tồn đọng đang rất tiềm năng và việc xử lý nợ tồn đọng là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế.

Nhưng hiện nay, thông tin chung về nợ tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước chưa được thu thập, theo dõi, cập nhật một cách thường xuyên và có hệ thống, chưa có đủ chế tài cho chủ nợ và khách nợ theo dõi và báo cáo tình hình nợ tồn đọng một cách thường xuyên. Ngay cả trong các văn bản chính thức, chúng ta còn chưa phân biệt được các khái niệm như nợ tồn đọng, nợ xấu, nợ khó đòi, nợ quá hạn, nợ dưới chuẩn...

Hiện nay, bên cạnh số rất ít những doanh nghiệp đã chủ động trong việc xử lý nợ tồn đọng, thì còn rất nhiều doanh nghiệp có nợ tồn đọng nhưng chưa xử lý. Tâm lý “treo” nợ (trong sổ sách), giấu nợ xấu, sợ trách nhiệm, sợ đụng chạm và mất quyền lợi của các doanh nghiệp nhà nước chưa thể xóa bỏ.

Nguyên nhân chủ yếu do các quy định về xử lý nợ còn phức tạp, chưa rõ ràng với nhiều yêu cầu cụ thể phải có đủ tài liệu chứng minh mà thực tế nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng do nhiều lý do khác nhau như thay đổi tổ chức, nhân sự liên quan đến việc theo dõi thanh toán nợ. Có những khoản nợ không xác định được, song lại phải “có xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp” nên cứ nằm chờ. Cơ chế hiện hành quy định cụ thể chế tài khi người có trách nhiệm không thực hiện xử lý nợ thậm chí còn để phát sinh nợ tồn đọng mới...

Mua bán và xử lý nợ bao gồm rất nhiều nghiệp vụ khác như khảo sát, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, định giá và đàm phán mua nợ từ ngân hàng chủ nợ, lựa chọn đối tác chiến lược tham gia phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, xác định giá góp vốn, cơ cấu lại bộ máy quản trị... Song, DATC với một số nghiệp vụ ban đầu chưa đủ lực để giải quyết hết những vấn đề đặt ra của thị trường với vai trò một doanh nghiệp kinh doanh rủi ro về nợ và tài sản tồn đọng.

Về môi trường pháp lý, ông Nguyễn cho rằng Nhà nước cần đưa ra các cơ chế chính sách rõ ràng, cải tiến và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí xử lý nợ giữa ngân hàng và các doanh nghiệp. “Nhà nước cần tạo điều kiện mở rộng các giao dịch thương phiếu và các công cụ thanh toán quốc tế khác để mở rộng phạm vi áp dụng và hiệu quả của các giao dịch mua bán nợ”, ông nói thêm.

Theo các chuyên gia, chúng ta vẫn yêu cầu việc xử lý nợ tồn đọng vừa phải lành mạnh hóa được tài chính, cổ phần hóa được doanh nghiệp, vừa phải bảo toàn vốn nên đã làm trì trệ quá trình xử lý nợ. Trong khi các quốc gia đã triển khai thành công mô hình này không đặt vấn đề bảo toàn vốn và có lợi nhuận đối với tổ chức xử lý nợ mà chỉ đòi hỏi phải tối đa hóa giá trị nợ thu về. Các bước đi cần thiết trước mắt là phải rà soát lại và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán nợ, về quan hệ giữa công ty xử lý nợ với các tổ chức tín dụng và các khách nợ. Thậm chí, Nhà nước cũng nên sớm có những quy chế cho phép các công ty thu hồi nợ hoạt động.

Cũng có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên sớm chỉnh sửa Quyết định 493 về phân loại nợ theo hướng gần với thông lệ quốc tế hơn.

 

(Theo Hồng Phúc // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!