Việc sử dụng tiền mặt khiến việc kiểm soát luồng tiền trở nên khó khăn hơn và đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến của tội phạm rửa tiền.
Chiều 11/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội (TVQH) đã dành phần lớn thời gian để bàn về Dự án Luật phòng, chống rửa tiền.
Theo thống kê, năm 2010, Cục Phòng chống rửa tiền đã tiếp nhận 326 báo cáo giao dịch đáng ngờ, trong đó chuyển sang cơ quan Công an 21 vụ việc liên quan đến 99 báo cáo, xử lý theo yêu cầu của các cơ quan khác 15 vụ việc. Riêng 7 tháng đầu năm 2011, Cục tiếp nhận 304 báo cáo, chuyển sang Công an 3 vụ việc liên quan đến 7 báo cáo, xử lý theo yêu cầu khác 16 vụ việc.
Việt Nam dễ trở thành điểm đến của tội phạm rửa tiền
Tổng kết 6 năm thi hành Nghị định 74 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền cho thấy, tình trạng trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng, sản xuất và buôn bán hàng giả, đầu cơ trên thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng ngày càng gia tăng.
Các đối tưởng hưởng lợi đã thông qua các hoạt động hợp pháp như gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng hoặc gửi sang các ngân hàng nước ngoại, nơi có luật bí mật ngân hàng.
Trước khi ban hành Nghị định 74, Việt Nam đã có Luật phòng, chống tham nhũng, các cán bộ, công chức buộc phải kê khai tài sản cá nhân. Do đó, nhu cầu “rửa tiền” ngày càng nhiều.
Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) nhận định, Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng.
Cơ quan này cảnh báo, nếu không có biện pháp nhanh và hiệu quả để đối phó với rửa tiền thì tội phạm và tham nhũng sẽ gia tăng, vận hành hợp pháp tài chính tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Thực tế cũng cho thấy, có một luồng tiền rất lớn đã đổ vào thị trường chứng khoán và bất động sản, vốn có tốc độ phát triển khó dự đoán, tuy nhiên, việc kiểm tra nguồn gốc tiền không được quan tâm đúng mức.
Nghị định 74 quy định mức giá trị giao dịch phải báo cáo theo quy định bao gồm: Một hoặc nhiều giao dịch trong một ngày do cá nhân hay tổ chức thực hiện bằng tiền mặt có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ, bằng vàng có giá trị tương đương, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với giao dịch tiền gửi tiết kiệm thì mức tổng giá trị của một hay nhiều giao dịch bằng tiền mặt trong một ngày do cá nhân, tổ chức thực hiện là 500 trăm triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ, bằng vàng có giá trị tương đương. |
Bên cạnh hệ thống pháp luật lỏng lẻo là tâm lý sợ mất khách hàng của các tổ chức tín dụng nên việc kiểm tra thông tin, nguồn gốc các khoản tiền giao dịch của khách hàng thường chỉ mang tính hình thức.
Thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã gây khó khăn cho việc quản lý nguồn tiền lưu thông trong nền kinh tế và tạo điều kiện cho tội phạm rửa tiền dễ dàng hơn.
Nguồn gốc chính của các khoản tiền bất hợp pháp tại Việt Nam là do lừa đảo, đánh bạc, buôn bán vũ khí, mại dâm, buôn lậu, ma túy… song do các chủ thể sử dụng tiền mặt trong thanh toán nên các luồng tiền bất hợp này khó kiểm soát.
Nhiều khái niệm và quy định xử phạt của Dự luật chưa rõ ràng
Tại Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật chủ yếu tập trung quy định về “phòng ngừa” rửa tiền. Nội dung “chống rửa tiền” chưa tương xứng, chưa đủ liều lượng.
Nhiều ý kiến của Ủy ban đề nghị cần bổ sung nội dung chống rửa tiền theo hướng quy định một số hình thức xử lý hành chính để hình thành chương về xử lý vi phạm. Việc xử lý bằng biện pháp hình sự đã được Bộ luật hình sự quy định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề, hiểu thế nào là tiền bẩn? Dự luật chưa làm rõ về khai niệm này. Ông Hùng dẫn câu nói của một cán bộ chữ thập đỏ, nói: “tiền từ đâu bẩn tôi không biết nhưng đến tôi tiền sạch vì tôi sử dụng vì mục tiêu tốt”. Vậy xử lý trường hợp này như thế nào?
Ngay cả chế tài tịch thu tài sản khủng bố thì khái niệm thế nào là khủng bố, thế nào là tài sản khủng bố cũng chưa được làm rõ và ai sẽ là cơ quan tịch thu cũng không được quy định rõ ràng. Dự luật chưa có chương xử lý vi phạm, khung xử lý như thế nào chưa được nêu ra.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đồng ý rằng, cần thiết phải ban hành luật, bởi nếu không có hệ thống luật pháp thì quốc gia sẽ bị xếp vào danh sách không an toàn trong giao dịch tài chính. Tệ nhất là danh sách đen, đặt hệ thống thanh khoản của quốc gia vào diện kiểm soát.
Song, Chủ tịch cũng lưu ý rằng, không được "chạy vội quá" mà làm ẩu về chất lượng luật.
Dự kiến, Dự án Luật phòng, chống rửa tiền sẽ được trình Quốc hội xin ý kiến lần đầu vào kỳ họp tới.
Bích Diệp
(Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com