Giải quyết nhu cầu khan vốn của doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình ưu đãi cho những đối tượng khách hàng chuyên biệt từng ngành nghề nhằm hỗ trợ tối đa nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều khoản tín dụng có giá vốn rẻ cũng được các ngân hàng tiếp cận để đảm bảo vốn phục vụ doanh nghiệp.
Theo Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), ngân hàng đã xây dựng đề án phát hành trái phiếu quốc tế với khối lượng phát hành khoảng 0,5-1tỷ USD trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2011 vào ngày 4/4 tới. Phát hành trái phiếu quốc tế (TPQT) là kênh huy động vốn nhiều tiềm năng, cho phép tổ chức phát hành có thể huy động vốn trung dài hạn với quy mô lớn và lãi suất hợp lý trên thị trường quốc tế. Lãnh đạo ngân hàng khẳng định: hoạt động này không chỉ đa dạng hóa kênh huy động vốn, giúp quảng bá thương hiệu, hội nhập với thị trường quốc tế mà còn tạo tiền đề cho các đợt huy động vốn sau này của VietinBank nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Được biết, tổng khối lượng phát hành khoảng 0,5-1tỷ USD sẽ là nguồn vốn trung dài hạn bổ sung để VietinBank đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh, tài trợ các dự án đầu tư phát triển, thúc đẩy sản suất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Công ty Cho thuê Tài chính Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBL) vừa ký kết thỏa ước tín dụng trị giá 5 triệu USD với Quỹ Norfund- Quỹ đầu tư cho các nước đang phát triển của Chính phủ Na Uy nhằm hỗ trợ vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước mắt, Norfund sẽ cung cấp khoản vay trị giá 5 triệu USD cho Sacombank-SBL với thời hạn 5 năm. Khoản vay này sẽ giúp Sacombank-SBL nâng cao năng lực tài chính của mình, đồng thời tăng cường khả năng đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ Sacombank mà nhiều ngân hàng khác cũng luôn đẩy mạnh tìm nguồn tín dụng từ các quỹ đầu tư, tổ chức từ chính của nước ngoài để đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, việc triển khai các gói sản phẩm dành riêng cho những đối tượng khách hàng doanh nghiệp cụ thể cũng là một mục tiêu mà nhiều ngân hàng hướng tới như tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ…
Tùy từng đối tượng khách hàng cụ thể mà các ngân hàng đã đưa ra gói sản phẩm với hạn mức tín dụng, lãi suất, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn… khác nhau, Đơn cử như VIB dành 2.000 tỷ đồng vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp dạo và thủy sản. Tại Techcombank, ngân hàng này đã liên tục đưa ra các giải pháp tài chính chuyên biệt cho từng ngành nghề kinh doanh. Nằm trong số những sản phẩm chiến lược đó, sản phẩm cấp tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Gạo, Điều đảm bảo thỏa mãn nhu cầu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại. Theo lãnh đạo Techcombaank, đây là gói sản phẩm toàn diện hỗ trợ doanh nghiệp từ quá trình thu mua, dự trữ, sản xuất đến phân phối cũng như hoạt động xuất nhập khẩu với rất nhiều ưu đãi đặc biệt như: không giới hạn thời gian giải ngân, tỷ lệ cho vay, tỷ lệ chiết khấu cao, tài sản đảm bảo linh hoạt…
Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lâm sản, chế biến xuất khẩu đồ gỗ được hưởng nhiều dịch vụ và hỗ trợ vốn. Hiện nay, trong hệ thống BIDV đang có nhiều Chi nhánh cho vay đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gỗ như: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Tài, Bình Dương, Nam Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Sài Gòn. BIDV đã xác định ngành gỗ là mặt hàng thế mạnh, chủ lực đem lại kim ngạch xuất khẩu (XK) lớn cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Vì vậy, ngân hàng này đã đẩy mạnh tài trợ vốn cho XK các mặt hàng ngành gỗ, sẵng sàng hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Đơn cử như tại Bình Định, ngân hàng đã đề xuất Hiệp hội sản xuất - XNK gỗ và lâm sản Bình Định về điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các hợp đồng tín dụng mua nguyên liệu phục vụ sản xuất và sản phẩm còn tồn kho chưa xuất khẩu được có mức lãi suất cao trước đây xuống còn 6,5%/năm cho 23 doanh nghiệp với tổng dư nợ vay được hỗ trợ lãi suất là: 391 tỷ đồng. Ngoài việc tài trợ vốn cho các DN ngành gỗ, BIDV còn triển khai rất nhiều ưu đãi như lãi suất cho vay thấp; tài sản đảm bảo linh hoạt; được phát hành L/C với tỷ lệ ký quỹ linh hoạt; được ưu đãi tài trợ xuất khẩu trước và sau khi giao hàng với các sản phẩm đa dạng, tỷ lệ cao có thể đến 95% theo hình thức L/C…
(Báo Công thương điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com