Khi phải thực thi quyết liệt Nghị quyết 11/NQ-CP để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì đây là thời điểm vô cùng khó khăn nhưng cũng là cơ hội để DN điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh cho hợp lý và hiệu quả.
PGS-TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh điều này trong phát biểu tại hội thảo “Tác động của các chính sách kinh tế và ứng phó của DN”, tại Hà Nội, do Hội các nhà quản trị DN VN và Cục phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.
PGS-TS Lê Xuân Bá nêu rõ, với việc thực hiện giải pháp chính sách tiền tệ thắt chặt đã được NHNN theo đúng Nghị quyết 11 của Chính phủ, 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng trên 5%, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,5%. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng này đã gây nhiều khó khăn cho DN, đặc biệt những DN có hoạt động SX-KD phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, với lãi suất quá cao (khoảng 17-19%/năm), DN khó tiếp cận nguồn vốn, không mạnh dạn đầu tư chiều sâu để phát triển trong dài hạn, thu hẹp sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng; như vậy sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động.
Cũng theo PGS-TS Lê Xuân Bá, việc điều chỉnh tỷ giá và lãi suất tiết kiệm USD cũng tác động tiêu cực đến DN mà ảnh hưởng rõ nhất là việc tăng chi phí đối với các DN phải sử dụng nhiều ngoại tệ nhập khẩu vật tư, nhiên liệu, thiết bị làm tăng giá thành, giá vốn bằng nhập khẩu và hàng sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, không chỉ những DN nhập khẩu mà cả DN xuất khẩu phải nhập nhiều nguyên liệu từ nước ngoài như dệt may, cơ khí, dược…Đối với DN nhập nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu, việc điều chỉnh tăng tỷ giá đòi hỏi các DN phải nhìn lại và điều chỉnh cơ cấu SX-KD hợp lý, tăng tỷ lệ nội địa hóa… Cũng theo ý kiến một số DN, việc quy định đối tượng được vay vốn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, dịch theo Thông tư 07/2011/NHNN còn quá chung chung có thể dẫn đến cơ chế xin – cho ngay trong ngân hàng, khiến DN nhập khẩu hàng tiêu dùng thiết yếu phải “cạnh tranh” với các đơn vị nhập hàng xa xỉ phẩm để có thể vay được ngoại tệ.
Mặt khác, việc cắt giảm đầu tư công là giải pháp cần thiết để giảm bội chi ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cắt giảm đầu tư công cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các DN, nhất là DN xây dựng, xây lắp, DN nhỏ và vừa. Ví như, theo Bộ GTVT, năm 2011 sẽ giảm 50% vốn của các dự án trái phiểu Chính phủ cho ngành giao thông từ 20.000 – 25.000 tỷ đồng xuống còn 11.000 tỷ đồng, chỉ ưu tiên vốn cho các dự án có thể hoàn thành trong năm 2011 có phát huy ngay tác dụng KT-XH. Riêng các dự án đang ở khâu chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư và khởi công dự án mới, có thể hoàn toàn đình hoãn lại. Việc cắt giảm các dự án đầu tư công, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã ảnh hưởng không nhỏ đến các DN xây dựng tại các địa phương. Các nhà thầu có dự án bị đình hoãn phải đối mặt với nguy cơ không còn nguồn thu, không trả nợ được ngân hàng.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đại Lai (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), trong tình hình khó khăn hiện nay, trước hết các DN phải tìm cách cứu mình trước khi cầu cứu tới Ngân hàng bằng phương châm: Việc tạo vốn cho sản xuất, kinh doanh không nhất thiết chỉ nhìn duy nhất vào các Ngân hàng thương mại (NHTM).
Vốn còn được hình thành từ nhiều kênh khác nhau. Lợi dụng sự lệch pha vốn và chống lại sự lãng phí các nguồn vốn thừa, thiếu cục bộ của chính các DN cũng như hữu dụng hoá các nguồn vốn tiềm tàng đang hiện hữu trong nền kinh tế ngoài kênh NHTM cũng khá đa dạng và rất cần được thể chế hoá, nhận diện để tư vấn cho DN về các kênh tạo vốn phi truyền thống hoặc không phổ biến ở nước ta.
Về các giải pháp tìm vốn ngoài NHTM có một số kênh sau đây:
Một là: các DN có quan hệ đầu vào, đầu ra ổn định và/hoặc có chung Hiệp hội hay Hội nghề nghiệp có đủ tín nhiệm với nhau, cần liên kết cam kết tiến hành các nghiệp vụ mua bán chịu bằng cách phát hành cho nhau các giấy nhận nợ hoặc quyền đòi nợ trong phạm vi thời hạn thoả thuận để hữu dụng hoá nguồn vốn “gối đầu” tạm thời nhàn rỗi của từng bên để duy trì sản xuất và tiêu thụ.
Phương pháp này đã có rất lâu đời trong dân gian, nhưng trên cơ sở hoàn toàn tự phát, nay đã có Luật thương phiếu, nên có thể phát động rộng rãi trong các làng nghề, các Hội ngành nghề để vận dụng pháp luật và phát huy vai trò tư vấn, uy tín… của chính các DN cũng như của các Hội, Hiệp hội để kênh này phát triển một cách rộng rãi hơn.
Hai là: hơn lúc nào hết, vai trò của các Hội nghề nghiệp phải được pháp luật cho bổ sung chức năng có các vai trò làm đầu mối để tổ chức hình thành các định chế quỹ đầu tư. Công ty tài chính liên danh các pháp nhân có vốn đóng góp của các DN thành viên (nhất là các DN nhỏ và vừa) có các ngành hàng gần gũi và/hoặc lệ thuộc nhau để tạo ra các pháp nhân đủ tư cách đăng ký và phát hành chứng chỉ quỹ hay trái phiếu Công ty tài chính liên danh.
Việc làm này nhằm hút vốn đầu tư khi có phương án khả thi trên TTCK, hoặc gọi vốn đầu tư vào chứng khoán của quỹ đầu tư/Công ty tài chính đối với các NHTM để tạo vốn trực tiếp cho cụm DN là thành viên của quỹ hay của Công ty tài chính theo quy chế.
Nghĩa là quỹ đầu tư/Công ty tài chính của từng nhóm các DN cũng sẽ tạo ra những hàng hóa cả sơ cấp để tạo vốn kinh doanh cho các DN thành viên, cả thứ cấp để “xã hội hóa” qua các cuộc chạy tiếp sức của các nhà kinh doanh chứng khoán trên TTCK mà nếu đơn độc, DN sẽ khó đủ uy tín để làm được.
Ba là: Chính phủ cần ban hành chính sách về cơ chế ràng buộc giữa các nhà máy chế biến với các bên sản xuất hay cung ứng thường xuyên, ổn định nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào cho nhà máy một cách thống nhất, minh bạch. Theo hướng: các nhà máy phải “đặt cọc” bằng một tỷ lệ vốn nhất để đảm bảo sự hoạt động thường xuyên, đủ công suất của nhà máy; đồng thời ràng buộc bên cung ứng phải có trách nhiệm giữ uy tín về giá, về số lượng hàng hoá cung ứng theo cam kết tương ứng với số vốn nhận đặt cọc…
Theo đó chuyển dần quan hệ vay vốn từ bên cung ứng nguyên nhiên vật liệu với ngân hàng sang quan hệ tìm vốn ngoài NHTM hay vay vốn của nhà máy với ngân hàng. Nguyên tắc này cũng nên áp dụng cả đối với những tập đoàn công nghiệp, theo hướng công ty mẹ sẽ là người lo vốn chính trên thị trường tài chính cho các công ty con…
Về các giải pháp trong quan hệ tín dụng giữa DN và ngân hàng: ngoài các nỗ lực giảm lãi suất của NHTM khi điều kiện khách quan cho phép, các NHTM rất nên tạo dựng uy tín chia sẻ khó khăn với các DN bằng các cách sau đây:
Một là: Ngân hàng có thể tư vấn cho DN miễn phí về các lĩnh vực đầu tư sản xuất có hiệu quả, đồng thời liên doanh với DN để tham gia tài trợ, đồng tài trợ cho DN thực hiện các dự án sản xuất, dịch vụ khả thi.
Hai là: Các NHTM nên có chính sách ưu đãi lãi suất với các khách hàng thường xuyên có tiền gửi thanh toán và tiền gửi có kỳ hạn với số lượng tương đối lớn tại ngân hàng của mình, theo hướng tổng chênh lệch lãi suất ròng của NHTM với khách hàng đích danh đó không lớn hơn một tỷ lệ % nào đó so với tổng tiền gửi bình quân của doanh nghiệp đó tại ngân hàng. Giải pháp này vừa cứu được doanh nghiệp, vừa hút được khách hàng đối với NHTM.
Ba là: Chính phủ cần sớm có qui định thống nhất một đầu mối quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước tại NHNN và cho phép mở “sàn”, hoặc thị trường ngoại hối do NHNN tổ chức, tham gia và điều tiết các thành viên tham gia. Việc làm này vừa tạo kênh chống “đô la hoá”, vừa tạo kênh chuyển dịch các nguồn vốn ngoại thành nguồn vốn nội để cung ứng cho thị trường vốn dưới nhiều hình thức đa dạng và cũng là mô hình để phân biệt rạch ròi giữa quan hệ mua đứt, bán đoạn với quan hệ tín dụng ngoại tệ trên thị trường, để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mỹ Loan
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com