Ngày 16/5, Báo ĐTCK nhận được thư của một số nhà đầu tư đồng thời là cán bộ - công nhân viên CTCP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 (Trico), phản ánh một số sai phạm trong công tác chuẩn bị đấu giá bán 900.000 cổ phần của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco-1) tại Trico, giảm tỷ lệ sở hữu từ 18,93% xuống hơn 5% tại Trico.
Trico có vốn điều lệ thực góp 69 tỷ đồng/vốn điều lệ cam kết 80 tỷ đồng. Do phần vốn được bán là dưới 10 tỷ đồng (theo mệnh giá) nên Cienco-1 thực hiện qua đơn vị tư vấn là CTCK An Phát (APSI), chứ không thông qua Sở GDCK Hà Nội. Việc bán vốn này được thực hiện theo Công văn số 1608 ngày 23/3/2011 của Bộ Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh tăng vốn điều lệ, cơ cấu lại tài chính của Cienco-1.
Theo phản ánh của cổ đông Trico, sau khi phát hiện ra những thông tin sai sót về tình hình hoạt động của Trico tại bản công bố thông tin như nhầm lẫn về lợi nhuận sau thuế năm 2009, nợ dài hạn năm 2009, số lượng cổ phiếu lưu hành, họ đã có liên lạc với Ban lãnh đạo Trico thì được biết, Ban lãnh đạo không biết gì về bản công bố thông tin này.
Lãnh đạo Trico cho biết, họ không phải là người phát hành và cũng không phải là người cung cấp số liệu. Nhóm cổ đông Trico cho rằng, việc phối hợp bán bớt phần vốn dù được tiến hành trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa Cienco-1 và APSI, nhưng cũng không thể hoàn toàn loại bỏ Trico ra khỏi hoạt động này.
“Bản công bố thông tin cần được lập trên cơ sở các thông tin và số liệu cung cấp từ Trico. Nếu không, ai sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NĐT. Và như vậy, có khác nào bán chui gần 20 tỷ đồng vốn nhà nước", một cổ đông của Trico nói.
Hơn thế, theo cổ đông này, tiền đặt cọc 15% tham gia đấu giá mua cổ phần là hơi cao so với quy định 10% tại Điểm 1.4, Mục B Thông tư số 146/2007/TT-BTC (nộp tiền đặt cọc bằng 10% giá trị khối lượng mua tính theo giá khởi điểm) đã gây thêm khó khăn cho các nhà đầu tư khi không thể chuẩn bị kịp tiền đặt cọc để tham gia đấu giá, nhất là trong điều kiện thời gian quá ngắn.
Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc APSI cho biết, nội dung tại bản công bố thông tin đấu giá bán cổ phần được lập dựa trên nguồn thông tin mà Cienco-1 cung cấp. Còn đại diện Cienco-1 giải thích, bản công bố thông tin được lập dựa trên nội dung lấy từ website của Trico (trang web này, theo Trico, đã lâu không được cập nhật).
Một điểm bất hợp lý khác được chỉ ra ở đây là nội dung thông báo (đăng báo Nhân dân trên 3 số liên tiếp ngày 7, 8 và 9/5/2011, trong đó ngày 8/5 là Chủ nhật), đăng ký, đặt cọc, đấu giá, nộp tiền quá chóng vánh: thời gian bắt đầu nộp phiếu tham dự đấu giá từ ngày 9/5 đến hết ngày 11/5 và thời điểm đấu giá là ngày 12/5. Ngày 9/5, Trico đã gửi đơn lên Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị về việc bán phần vốn chóng vánh này, nhưng sau đó việc bán vốn cũng chỉ được lùi lại vài ngày so với dự kiến (hạn nộp phiếu đấu giá là ngày 13/5, đấu giá ngày 16/5).
Thật bất thường khi thời gian bán vốn tại Trico quá ngắn. "Sao không phải tối thiểu 7 ngày, thậm chí 30 ngày như các DN khác thường làm. Lý do gì khiến việc bán gần 20 tỷ đồng phần vốn nhà nước (tình trên giá khởi điểm) lại phải tiến hành gấp gáp thế? Liệu có gì ẩn khuất đằng sau không?", một nhà đầu tư đặt câu hỏi.
Theo luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật BASICO), Cienco-1 không vi phạm pháp luật trong việc "vội vàng" chào bán cổ phiếu và không thông báo việc đó cho Trico. Việc chuyển nhượng cổ phiếu thuộc sở hữu của mình thế nào là do cổ đông tự quyết định. Trong trường hợp này, Cienco-1 có thể chủ động lựa chọn phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận trực tiếp để chuyển nhượng trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn và không thấp hơn giá thị trường theo quy định tại Nghị định số 09/2009/NĐ-CP và Thông tư số 242/2009/TT-BTC. Tuy nhiên, nếu muốn bán giá tốt nhất, thì rất cần phối hợp chặt chẽ với công ty phát hành và ấn định thời gian đủ dài để thu hút NĐT.
Còn theo luật sư Ngô Thị Thu Hà, doanh nghiệp không nên tiến hành một cuộc bán vốn nhà nước chóng vánh như thế, bởi nó đi ngược với mục tiêu chính của bán bớt vốn là nhằm giảm vốn nhà nước, thu hút thêm nhiều NĐT bên ngoài.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện chưa có quy định về thời hạn đối với việc bán bớt phần vốn nhà nước tại CTCP, nhưng đối với việc bán bớt phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hay bán vốn để chuyển DNNN thành CTCP thì luật quy định thời hạn này tối thiểu là 20 ngày. Do đó, khi việc bán vốn diễn ra quá chóng vánh, mà thông tin công bố thì sơ sài, dư luận có quyền đặt câu hỏi về động cơ phía sau cuộc bán vốn bất thường này. Câu trả lời đang chờ Cienco-1 lên tiếng.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com