Khi thặng dư kinh doanh và rủi ro kinh doanh được phân bổ công bằng hơn giữa người cho vay và người vay sẽ giúp kiến tạo một thế thăng bằng hơn trên thương trường, tránh tình trạng các nhà băng năm nào cũng lãi lớn trong khi DN liêu xiêu!
LTS: Gần đến cuối năm, các ngân hàng đua nhau công bố lợi nhuận, với con số lãi lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế đang làm nhiều DN rơi vào tình trạng khó khăn.
Vậy có gì là bất bình đẳng trong kinh doanh giữa ngân hàng và doanh nghiệp nói chung? Phải chăng, các ngân hàng đang có nhiều lợi thế trong hoạt động?
Ý kiến dưới đây là một thắc mắc của một doanh nhân, có thể coi là địa diện cho các doanh nghiệp, VEF trân trọng giới thiệu để bạn đọc cùng đóng góp ý kiến và tham gia tranh luận.
Trước năm 2007, khi mầm mống khủng hoảng kinh tế thế giới nảy sinh và thực sự ảnh hưởng đến Việt Nam từ đầu 2008 đến nay, hệ quả của nó đã gây ảnh hưởng đến đời sống của mỗi người dân và doanh nghiệp.
Quan sát thực tế cho thấy, bất chấp cuộc khủng hoảng, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn có lãi lớn, đặc biệt là các ngân hàng có nguồn gốc nhà nước đã và đang cổ phần hóa như bốn ngân hàng có vốn lớn nhất là Ngân hàng Ngoại thương - Vietcombank (VCB), Ngân hàng Công thương - Vietinbank, Ngân hàng NN&PTNT (Agribank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cổ phần như Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB), Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu - Eximbank (EIB)...v..v. cũng có lãi lớn dù chưa thể bằng bốn ngân hàng nhà nước cổ phần hóa.
Vấn đề đặt ra là, tại sao các ngân hàng này liên tục có lãi lớn bất chấp khủng hoảng kinh tế, gây phá sản hàng loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ và rất nhiều doanh nghiệp khác lâm vào cảnh khốn cùng từ năm 2008 đến nay?
Do hệ thống quản lý của ngân hàng chặt chẽ hơn các doanh nghiệp nói chung? Do các ngân hàng được quản lý và điều hành giỏi? Do đội ngũ nhân viên tài năng...?
Nếu tạm bỏ qua các nguyên nhân dẫn đến thành công của hệ thống ngân hàng nhờ có con người giỏi và hệ thống theo dõi, giám sát chặt chẽ, chúng ta có chút suy nghĩ nào về "lợi thế cạnh tranh" mà hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có, so với các loại hình doanh nghiệp khác?
Nếu bạn là người dân hay doanh nghiệp phải đi vay tiền ngân hàng bạn sẽ thấy rõ phần nào các ngân hàng Việt Nam nói chung đang có nhiều lợi thế như:
1. Luôn có mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay lớn, người ta hay nói tới mức khoảng hơn 3% (?) và đây là lợi thế lớn khiến ngân hàng luôn có lãi?!
Doanh nghiệp hay cá nhân đi vay đều phải có tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo có giá trị cao hơn nhiều so với giá trị tiền được vay - điều này khiến rủi ro của ngân hàng là rất thấp trong tình hình rủi ro chung của các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.
2. Các chính sách kích cầu được phân bổ qua hệ thống ngân hàng (lãi suất hỗ trợ 4% cho doanh nghiệp trong Chương trình kích cầu của Chính phủ đợt khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009), các chính sách lãi suất cơ bản, lãi suất cho vay liên ngân hàng, lãi suất tái chiết khấu, cho vay qua đêm...v.v.. được phổ biến trước, thông tin và ưu thế đến trước, được xử lý trước đối với các ngân hàng khi cổ phần hóa, dẫn đến ưu thế về phân bổ dòng tiền vốn từ Ngân hàng Nhà nước từ trên xuống và mang lại lợi nhuận tức thời cho các ngân hàng có "thông tin", có "lãi suất ưu đãi" và có "dòng tiền tới trước" này.
Thông tin tốt có thể giúp các ngân hàng kinh doanh tiền, vàng, ngoại tệ tốt hơn cũng là lợi thế; hay kịp thời hơn trong việc ban hành các chủ trương chính sách có lợi nhất cho mình.
3. Các nguồn vay ngoại tệ lãi suất thấp được ưu tiên cho vay đối với hệ thống ngân hàng nhà nước (?), các thanh toán xuất nhập khẩu được thực hiện qua các ngân hàng này do lịch sử lâu đời và tên tuổi quốc tế đã được xác lập nhờ độc quyền trước đây, các giải ngân vốn vay ngoại tệ và nội tệ nhà nước và tổng công ty nhà nước lớn được thông qua hệ thống ngân nhà nước.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang hưởng chênh lệch về tỷ giá. Chẳng hạn, tỷ giá niêm yết của ngân hàng hiện tại là 1USD = 19.500VND. Nhưng khi doanh nghiệp cần chuyển tiền USD thanh toán tiền hàng cho bên bán (công ty nước ngoài) thì phải mua USD của ngân hàng với giá 1USD = 19.500VND nhưng buộc phải trả thêm phí và phụ phí (mà ngân hàng đặt ra) nhằm bù đắp chênh lệch tỷ giá giữa bên trong ngân hàng (19.500VND) và bên ngoài thị trường (hơn 21.000VND). Do vậy, doanh nghiệp luôn phải gánh chịu chi phí do chênh lệch tỷ giá (chứ không phải ngân hàng)
Ngược trở lại, đối với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thu được ngoại tệ (ví dụ USD) thì ngân hàng chỉ mua với giá niêm yết (19.500VND).
Do vậy, có thể xem là ngân hàng hoàn toàn nắm quyền chủ động trong việc quyết định tỷ giá đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc ngân hàng thu lãi lớn từ chênh lệch tỷ giá này thì cần phải xem xét bảng báo cáo tài chính các khoản lợi nhuận từ đâu.
Có thể ngân hàng sẽ hưởng lợi khi thu mua USD (hoặc vay vốn USD, giải ngân USD) với giá niêm yết và bán USD cho doanh nghiệp với giá (niêm yết + phụ phí) hay tương đương giá thị trường (đang cao hơn giá niêm yết vài phần trăm) và cần xem bút toán này vào tài khoản thu nhập lợi nhuận nào của ngân hàng.
4. Các doanh nghiệp nhà nước lớn có tỷ trọng doanh số và lợi nhuận cao trong nền kinh tế quốc gia như Dầu khí, Bưu chính Viễn thông, Điện lực, Than Khoáng sản, Đóng tàu, May mặc, Da giày... đều đang có tài khoản vay vốn và thanh toán truyền thống thông qua các ngân hàng nhà nước cổ phần hóa này.
5. Các khoản tiền thu chi ngân sách nhà nước, thanh toán tiền hàng, tiền lương của các doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần hóa làm tăng lợi nhuận và khả năng thanh khoản tại các đơn vị này.
6. Các ngân hàng kinh doanh tài chính và đầu tư tài chính, bất động sản, mua bán doanh nghiệp...v.v. nhờ lợi thế thông tin.
Tóm lại, nhờ một số lợi thế so sánh trên mà các ngân hàng tại Việt Nam luôn có lợi nhuận cao trong suốt quá trình từ năm 2008 tới nay.
Dù khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác, làm suy giảm giá cổ phiếu của rất nhiều DN trên sàn chứng khoán (nhiều cổ phiếu còn thấp hơn giá trị sổ sách DN), việc các ngân hàng công bố có lãi tạo nên suy nghĩ về sự bất bình đẳng trong kinh doanh giữa người cho vay và người vay.
Đặc biệt là khi ngân hàng luôn bắt người vay phải chịu thêm các khoản phí, phụ phí, các cam kết chấp nhận mức lãi suất gia tăng thêm nếu thị trường có biến động nhằm bảo đảm lợi nhuận và phòng tránh rủi ro cho ngân hàng!
Trong khi ngươi đi vay sau khi ký cam kết phải chịu hết các rủi ro do biến động trong môi trường kinh doanh.
Nên chăng, Nhà nước cần có chế tài đối với hoạt động cho vay của ngân hàng, cụ thể hóa bằng một hợp đồng vay vốn bình đẳng hơn giữa người cho vay và người vay?
Điều này tạo thêm sự công bằng trong kinh doanh vì xét cho cùng thì doanh nghiệp hay người dân đi vay phải có khả năng làm ra lợi nhuận, phải "sống được" thì mới có khả năng trả lãi hay tiếp tục "nuôi" được ngân hàng, nền kinh tế mới phát triển tích cực và lành mạnh.
Khi thặng dư kinh doanh và rủi ro kinh doanh được phân bổ công bằng hơn giữa người cho vay và người vay sẽ giúp kiến tạo một thế thăng bằng hơn trên thương trường, tránh được tình trạng như hiện nay là ngân hàng năm nào cũng lãi lớn trong khi doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung đang bước liêu xiêu!
Nhiều ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2010. Mặc dù hoạt động huy động vốn trong năm 2010 khó khăn hơn, nguồn thu từ kinh doanh vàng, ngoại tệ... giảm hoặc không còn, nhưng Vietcombank vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 3.134 tỷ đồng, Vietinbank trên 3.500 tỷ đồng (kế hoạch cả năm 4.000 tỷ đồng), Sacombank gần 1.505 tỷ đồng, ACB xấp xỉ 1.488 tỷ đồng, Eximbank 1.232 tỷ đồng. Về lãi trước thuế, ABBank đạt 546,2 tỷ đồng, OceanBank 530 tỷ đồng, PGBank 223 tỷ đồng, Đông Á Bank - 513 tỷ đồng... Xét theo bảng công bố, chiếm phần lớn trong cơ cấu lợi nhuận vẫn là lãi thuần, sau đó đến thu từ dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối (STB lãi 234 tỷ đồng; ACB lãi 320 tỷ đồng), hoạt động đầu tư. Một số ngân hàng thua lỗ từ chứng khoán (STB lỗ 19,8 tỷ đồng, ACB lỗ 27,8 tỷ). Về mục tiêu lợi nhuận năm 2010, VCB và Vietinbank chắc chắn về đích, ACB mới đạt hơn 55,5% kế hoạch, STB - 57%, Đông Á Bank - 46,8%. (Theo Tiền Phong) |
Tác giả: CẢNH THÁI //VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com