Trụ sở của Goldman Sachs - ngân hàng đầu tư thuộc loại lớn nhất thế giới - tại New York. Ảnh: Reuters. |
Hôm 16-4, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) khởi kiện dân sự Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs về tội lừa đảo nhà đầu tư bằng cách không cung cấp thông tin thiết yếu về một sản phẩm tài chính có liên quan tới nợ vay dưới chuẩn vào lúc thị trường nhà đất Mỹ bắt đầu chao đảo.
Ngay sau đó, giá cổ phiếu của Goldman giảm mạnh, kéo các thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Áp lực đối với Goldman càng tăng lên vào Chủ nhật khi hai thành viên Quốc hội Mỹ và Thủ tướng Anh Gordon Brown, lên tiếng kêu gọi điều tra về vai trò của ngân hàng này trong thị trường tín dụng bất động sản. Chính phủ Đức cũng đang xem xét có hành động pháp lý chống lại ngân hàng này. Xem ra, vụ kiện giữa SEC và Ngân hàng Goldman Sachs đang bắt đầu gây chấn động hệ thống ngân hàng phương Tây trong một hiện tượng mà báo Economist gọi là “đám mây bụi núi lửa trên thị trường tài chính”. Sản phẩm được nêu lên trong hồ sơ kiện của SEC, do Goldman xây dựng và tiếp thị, là một loại CDO (collateralized debt obligation) tổng hợp từ các cổ phiếu hình thành từ các món vay bất động sản thế chấp bằng chính bất động sản đó (xem box). Goldman đã nói với các nhà đầu tư, kể cả một số ngân hàng châu Âu, rằng các cổ phiếu hình thành nên CDO đã được ACA Managemet - một bên thứ ba và độc lập lựa chọn, mà không thông tin rằng trong thực tế có một công ty khác là Paulson & Co tham gia lựa chọn các cổ phiếu đưa vào CDO. Goldman gọi cáo buộc này là “hoàn toàn vô căn cứ” và cho biết sẽ kháng kiện đến cùng. Trong một thông báo chi tiết phát đi sau khi bị kiện, Goldman nói bản thân họ cũng bị thiệt hại nặng và cho rằng thông tin chi tiết về sản phẩm đã được cung cấp cho khách hàng - là những nhà đầu tư từng trải và ý thức rõ về rủi ro. Theo giới phân tích, vụ kiện làm bộc lộ những sự thật khủng khiếp trong thế giới tài chính ở Wall Street. Theo ông Christopher Whalen của Công ty Phân tích rủi ro định chế (Institutional Risk Analytics), vụ kiện “đánh dấu sự leo thang trong cuộc chiến nhằm phơi bày những mâu thuẫn lợi ích ở Wall Street” và phơi bày thứ “văn hóa vị kỷ, dã man” cho phép nhà hoạt động tài chính lừa dối khách hàng này để làm lợi cho khách hàng khác. Vụ kiện chắc chắn sẽ tác động mạnh đến việc cải cách điều hành hệ thống tài chính của Mỹ. Hiện nay các thượng nghị sĩ Mỹ đang lao vào một cuộc tranh luận nóng bỏng về một dự luật cải cách sâu rộng mà phần cốt lõi là điều chỉnh hoạt động kinh doanh các sản phẩm tài chính phái sinh, đặc biệt là các CDS (credit default swap), mà nhiều người xem là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng vừa qua. Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp rất có thế lực của Thượng viện Mỹ, nữ nghị sĩ Blanche Lincoln, thậm chí còn đề nghị, dự luật phải buộc các ngân hàng lớn phải “tách” các đơn vị kinh doanh sản phẩm phái sinh ra khỏi cơ cấu của mình. Do tác động của vụ kiện, việc tranh luận về dự luật cải cách tài chính sẽ được tiến hành sớm hơn dự định, vào thứ Tư hoặc thứ Năm tuần này. Đề cập tới vụ Goldman Sachs, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, nghị sĩ Chris Dodd, cho biết: “Theo quan điểm của tôi, dự luật của chúng tôi sẽ ngăn ngừa việc tái diễn những sự cố như vậy. Nếu không thông qua luật này, người dân Mỹ một lần nữa sẽ bị tổn thương bởi những mưu ma chước quỷ đã từng xảy ra trong các định chế tài chính lớn nhất nước”. Tuy SEC là cơ quan độc lập với chính quyền song theo các nhà bình luận quốc tế, vụ kiện Goldman là một “món quà của Chúa” dành cho chính phủ của Tổng thống Obama và đảng Dân chủ, giúp họ vượt qua sự cản trở của đảng Cộng hòa để luật hóa chương trình cải cách hệ thống tài chính - một điểm lớn trong chương trình đối nội của ông Obama. Vụ Goldman Sachs không chỉ làm rúng động thị trường tài chính Mỹ. Một số ngân hàng châu Âu bị thiệt hại do đầu tư vào các CDO của Goldman Sachs. Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS-Anh) và IKB Deutsche Industriebank (Đức) đã phải nhờ chính phủ cứu nguy 83 tỉ đô la Mỹ sau vụ thua lỗ này. Hôm Chủ nhật (18-4), Thủ tướng Anh Gordon Brown tố cáo Goldman “phá sản về đạo đức” và cho biết chính quyền Anh sẽ tiến hành điều tra; đến thứ Ba (20-4) Cục Dịch vụ Tài chính Anh thông báo đang kết hợp chặt chẽ với SEC trong vụ kiện này. Nếu bị thua kiện, Goldman có thể sẽ bị phạt hàng chục, hàng trăm triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, SEC còn tìm cách thu hồi phần lợi nhuận “bất hợp pháp”. Nhưng thiệt hại của Goldman có thể còn lớn hơn vì danh tiếng và uy tín của ngân hàng đầu tư hàng đầu này bị hoen ố. Thứ Sáu tuần trước, khi vụ kiện của SEC được công bố, giá cổ phiếu của Goldman có lúc đã giảm tới 15%. Các ngân hàng đối thủ của Goldman Sachs cũng đang lo lắng. Sau một thời gian mang nhiều tai tiếng vì không dự phòng và ngăn cản được những vụ bê bối lớn trong ngành ngân hàng và chứng khoán Mỹ, SEC đang nỗ lực tăng cường việc thực thi pháp luật. Một cơ quan giám sát và thi hành mới được thành lập trong SEC và vụ kiện Goldman Sachs là lần ra đòn đầu tiên của họ. Chắc chắn đây không phải là đòn cuối cùng và nhiều sản phẩm tài chính phái sinh khác, do các ngân hàng và định chế tài chính khác phát hành, cũng đang nằm trong tầm ngắm của SEC. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, khả năng thắng kiện của SEC chưa hẳn đã bảo đảm và Goldman Sachs đang huy động những luật sư giỏi nhất nước Mỹ đứng ra bảo vệ uy tín của mình. o0o CDO, CDS và những quả bom nổ chậm Khởi đầu các ngân hàng thương mại cho khách hàng vay tiền mua bất động sản thế chấp bằng chính các bất động sản đó. Nếu giá bất động sản giảm sút thì nguy cơ người vay không trả được nợ và ngân hàng không thu được tiền vốn sẽ tăng lên. Để tránh bớt rủi ro, ngân hàng thương mại bán các hợp đồng tín dụng này lại cho các ngân hàng đầu tư; ngân hàng đầu tư gộp chúng lại rồi chứng khoán hóa thành những loại cổ phiếu khác nhau, có tên gọi chung chung là RMBS (residential mortgage backed securities) và kinh doanh trên thị trường chứng khoán như những cổ phiếu thông thường. Nhà đầu tư mua RMBS được hưởng lãi từ nguồn thu của các khoản cho vay bất động sản nói trên. Lên thêm một nấc nữa, các RMBS được “gộp” với các loại chứng khoán tín dụng khác (vay mua xe, mua bất động sản thương mại, vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng…) để hình thành nên một loại cổ phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp, hay là ABS (asset backed securities). Lên một nấc nữa, các ABS được gộp chung vào nhau thành các danh mục (porfolio) và được gọi tên chung là CDO (collaterialised debt obligation). Nhà đầu tư mua CDO cũng được hưởng lãi từ nguồn thu các khoản vay có thế chấp nhưng thực sự không biết được CDO của mình được hình thành từ những khoản vay nào. Rủi ro là ở chỗ, nếu người vay không trả được nợ, bất động sản bị mất giá thì giá trị của các CDO cũng sẽ đổ theo. Lên thêm một nấc nữa, các ngân hàng đầu tư gộp chung nhiều CDO thành một sản phẩm CDO mới và cứ thế nâng dần lên, tạo thành cái gọi là “CDO tổng hợp” (synthetic CDO), dựa trên giá trị của các CDO nguyên gốc. Có người đã gọi những CDO tổng hợp này là “những quả bom hẹn giờ”, khi phát nổ sẽ phá tung hệ thống tài chính. Trong vụ kiện Goldman Sachs, sản phẩm được đề cập là một CDO tổng hợp có tên là Abacus 2007-AC1, là một trong 25 CDO mà Goldman Sachs bảo lãnh phát hành trong hai năm 2006-2007 với giá trị lên tới 10,9 tỉ đô la Mỹ. Nhiều nhà đầu tư, kể cả các ngân hàng lớn, đều lao vào mua các CDO mà không biết thành phần các chứng khoán cấu tạo nên chúng, và khi các chứng khoán này sụp đổ thì nhà đầu tư hoàn toàn gánh chịu mọi thất thoát; riêng trong vụ Abacus 2007-AC1, theo tài liệu của SEC, nhà đầu tư đã mất khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Hồ sơ kiện của SEC tố cáo Goldman đã không công bố đầy đủ việc lựa chọn chứng khoán “gộp” lại thành CDO Abacus 2007-AC1 và không tiết lộ vai trò của quỹ đầu cơ Paulson&Co trong việc lựa chọn này. Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở CDO. Để phòng rủi ro, nhà đầu tư thường phải mua “bảo hiểm” cho các CDO mà mình sở hữu; trong trường hợp CDO mất giá, công ty bảo hiểm sẽ đền bù thất thoát. Đến đây xuất hiện một sản phẩm tài chính khác gọi là CDS (credit default swap). Theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, “đặc điểm tuyệt vời của CDS là nó hoàn toàn không bị quản lý bởi bất kỳ cơ quan chức năng nào cho nên ai cũng có thể bán sản phẩm này, nghĩa là bảo hiểm cho một tài sản nào đó mà không cần phải tuân thủ theo những quy định ngặt nghèo của ngành bảo hiểm. Thêm vào đó, ai cũng có thể mua CDS mà không cần thiết phải sở hữu tài sản cần bảo hiểm. Điều này giúp cho các bên tham gia vào thị trường CDS có thể dùng đòn bẩy tài chính lên đến vô hạn”. Theo báo Financial Times, khi nổ ra khủng hoảng tài chính cuối năm 2007, giá trị CDS danh nghĩa ở Mỹ đã lên tới 62.000 tỉ đô la Mỹ, nhiều hơn tổng GDP toàn thế giới, nhưng số tiền này chỉ dùng để bảo hiểm cho một số CDO có giá trị khoảng 2.000 tỉ đô la Mỹ, điều đó cho thấy quy mô khủng khiếp của thị trường CDS. Nếu thị trường diễn biến bình thường thì giá mua/bán CDS rất rẻ nhưng khi rủi ro tín dụng tăng (do người vay không trả được nợ) thì giá của CDS sẽ đắt lên. Quỹ đầu tư Paulson&Co mua CDS cho các CDO của Goldman vào lúc chúng còn rẻ và chờ tăng giá vì tin rằng sớm muốn thị trường tín dụng bất động sản của Mỹ cũng sẽ sụp đổ. Theo tài liệu của SEC, Paulson & Co có vai trò quyết định trong việc lựa chọn các chứng khoán gộp lại thành CDO Abacus 2007-AC 1 của Goldman Sachs và ở đây có sự xung đột lợi ích. Nhà đầu tư kỳ vọng CDO này sẽ tăng giá để họ có được lợi nhuận trong khi Paulson&Co chỉ thu lợi khi giá CDS tăng, nghĩa là CDO phải mất giá, thậm chí sụp đổ. Chính vì thế SEC nghi ngờ Paulson&Co đã cố tình tạo ra một sản phẩm phái sinh “độc hại” (toxic) và Goldman Sachs tiếp thị cho nó như một sản phẩm an toàn, dựa vào uy tín của chính ngân hàng bảo lãnh phát hành và công ty bảo hiểm bán CDS cho nó là American Insurance Group (AIG). Tập đoàn bảo hiểm này đã chi ra 6 tỉ đô la Mỹ để thanh toán CDS cho sản phẩm CDO Abacus - 2007 AC1 của Goldman và chỉ thu về được 2 tỉ đô la Mỹ và theo báo Financial Times, chính AIG cũng đang xem xét khởi kiện Goldman Sachs. Khi thị trường tín dụng bất động sản Mỹ sụp đổ dẫn tới khủng hoảng tài chính trong năm 2007 Paulson & Co đã thu được 3,7 tỉ đô la Mỹ lợi nhuận, vượt xa kỷ lục mà nhà đầu cơ trứ danh George Soros lập ra trước đó: thu lợi 2,9 tỉ đô la Mỹ trong một năm.
(Theo Thái Bình // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com