Nhiều khả năng quyền chọn USD/VND sẽ trở lại, là một bước tiến của chính sách, mở cơ chế một cách kín kẽ hơn để tạo thêm lựa chọn cho thị trường hơn là cấm. |
Áo bông ấm cho ngày đông, ngày hè khiến nó lạc lõng. Số phận của quyền chọn USD/VND một lần nữa có thể được tái sinh trong bối cảnh như vậy.
Ba năm về trước, đúng vào kỳ tỷ giá USD/VND căng thẳng và nhiều biến động, Ngân hàng Nhà nước ra văn bản chấm dứt đời sống của một nghiệp vụ sinh động trong hoạt động của các ngân hàng thương mại: giao dịch quyền chọn giữa USD với VND.
Nguyên do, khi không quản lý được những phát sinh trên thực tế, nhà điều hành ra quyết định cắt bỏ.
Đó là thời điểm tháng 3/2009. Sau nhiều năm liền chỉ lình xình trong khoảng 1%, tỷ giá USD/VND đã thể hiện những biến động lớn và căng thẳng, gây xáo trộn trên thị trường và trong hoạt động của doanh nghiệp.
Theo quy định, các ngân hàng thương mại chỉ được phép bán USD đúng với giá niêm yết, theo biên độ cụ thể ở từng thời kỳ so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Những thời điểm ngột ngạt, “tỷ giá chợ đen” xuất hiện ngay trong lòng hệ thống, mà nghiệp vụ quyền chọn là một kẽ hở nhộn nhịp.
Quyền chọn USD/VND là giao dịch giữa bên mua quyền và bên bán quyền; trong đó bên mua quyền có quyền nhưng không có nghĩa vụ mua hoặc bán một lượng ngoại tệ xác định ở một mức tỷ giá xác định trong một khoảng thời gian thỏa thuận trước. Nếu bên mua quyền lựa chọn thực hiện quyền của mình, bên bán quyền có nghĩa vụ bán hoặc mua lượng ngoại tệ trong hợp đồng theo tỷ giá đã thỏa thuận.
Có hai kiểu quyền chọn: quyền chọn kiểu Mỹ (American Style Option) với cơ chế quyền chọn có thể được thực hiện bất cứ thời điểm nào trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng; quyền chọn kiểu châu Âu (European Style Option) với quyền chọn chỉ được thực hiện vào ngày đáo hạn của hợp đồng.
Tại những thời điểm căng thẳng trước đây, ngân hàng và doanh nghiệp chủ động chọn kiểu Mỹ, tức thực hiện giao dịch quyền chọn theo một tỷ giá thỏa thuận và có thể đáo hạn ngay. Cơ chế này “nhẹ nhàng” lách qua quy định giao dịch giao ngay phải đúng giá niêm yết.
Để trám lại lỗ hổng đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban luật cấm. Và đến nay cũng khó hiểu vì sao lại không có những điều chỉnh kỹ thuật cho nghiệp vụ này, như buộc phải theo kiểu châu Âu và ấn định một biên độ thời hạn nhất định. Có thể do tại những thời điểm khó khăn đó, chính nhà điều hành cũng chịu sự thụ động lớn, thậm chí là “bất lực” trước những biến động của tỷ giá USD/VND (?).
Còn nay, số phận của quyền chọn USD/VND đang đứng trước cơ hội tái sinh. Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng một văn bản với khả năng mở lại nghiệp vụ này, dĩ nhiên là đi kèm với những điều kiện cần thiết.
Theo Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), đầu mối thực hiện công tác này, việc mở lại như vậy là để tạo điều kiện phát triển thị trường giao dịch hối đoái phái sinh. Đúng là thị trường cần một hướng mở như vậy, để đầy đủ và chuyên nghiệp hơn; các thành viên tham gia có thêm lựa chọn để ứng xử với các biến động.
Và lần này, quyền chọn USD/VND nếu được mở lại sẽ đi kèm với những điều kiện để hạn chế nhất định những tác dụng ngoài mong muốn của nhà điều hành như từng xẩy ra trong quá khứ. Cụ thể, kiểu châu Âu được lựa chọn, tức giao dịch quyền chọn USD/VND chỉ được thực hiện ở thời điểm đáo hạn; thêm nữa, kỳ hạn của các giao dịch dự kiến được xác định tối thiểu là 30 ngày đến 365 ngày.
Bên cạnh đó, Vụ Quản lý Ngoại hối cũng dự tính sẽ trám một lỗ hổng tương tự ở giao dịch kỳ hạn. Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa quy định rõ thời hạn tối thiểu của giao dịch kỳ hạn là 3 ngày làm việc dẫn đến việc có tổ chức tín dụng lợi dụng điểm này để giao dịch với mức tỷ giá cao hơn tỷ giá giao ngay tại các thời điểm căng thẳng tỷ giá. Và trong văn bản đang xây dựng cũng quy định cụ thể thời hạn thanh toán tối thiểu đối với giao dịch kỳ hạn là 3 ngày làm việc sau ngày giao dịch.
Hiện chưa rõ khi nào văn bản trên sẽ hoàn thiện và được ban hành. Nhiều khả năng có thể sớm ra đời, là một bước tiến của chính sách, mở cơ chế một cách kín kẽ hơn để tạo thêm lựa chọn cho thị trường hơn là cấm.
Hơn nửa năm qua, thị trường ngoại hối ghi nhận sự ổn định của tỷ giá USD/VND, thậm chí gần như đứng yên suốt bốn tháng qua. Trạng thái đứng yên đó có thể tiếp tục, và trong trung hạn cũng khó có biến động mạnh hay sự căng thẳng khó trở lại. Ngân hàng Nhà nước đã định hướng như một cam kết, đến hết năm 2012 tỷ giá USD/VND chỉ có thể biến động trong khoảng 2 - 3%.
Trong bối cảnh đó, việc các ngân hàng thương mại được mở lại quyền chọn USD/VND nếu có ở lúc này có thể xem như là bán áo bông giữa ngày hè vậy. Nhưng, ít nhất thị trường sẽ có thêm một lựa chọn; và với một tương lai xa hơn, thực khó để có thể lường định những biến động của tỷ giá cùng những rủi ro của nó.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com