Cần xác định rõ ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính của các công ty nhà nước (CTNN). Sẽ có biến động rất lớn trong các khoản mục đầu tư của các CTNN trong vòng hai năm tới, kể từ ngày 25/3/2009.
Đây là thời hạn mà Thủ tướng Chính phủ mở ra tại Quy chế Quản lý tài chính của CTNN và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, ban hành kèm theo Nghị định 09/2009/NĐ-CP, ngày 5/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo CTNN tuân thủ nghiêm nguyên tắc mức đầu tư ra ngoài ngành không vượt qua 30% tổng nguồn vốn đầu tư. Tổng mức đầu tư ra ngoài (bao gồm cả đầu tư ngắn hạn và dài hạn) cũng không được vượt qua mức vốn điều lệ của CTNN.
Riêng với lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, mỗi CTNN chỉ được đầu tư vào một doanh nghiệp trong mỗi lĩnh vực, với tỷ lệ khống chế là 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Đặc biệt, Quy chế cũng giới hạn mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tổng công ty, tập đoàn vào lĩnh vực này không vượt quá 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp.
Ngoài ra, Quy chế không cho phép các CTNN đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán. Tất cả những khoản đầu tư này sẽ phải được thu hồi trước thời điểm trên.
Rõ ràng, quy định trên động chạm tới hầu hết các CTNN đang hoạt động, đặc biệt là những CTNN quy mô lớn, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước. Theo báo cáo của 70 tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước, thì có tới 28 đơn vị hoạt động đầu tư chứng khoán, thành lập công ty chứng khoán, đầu tư vào công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm…
Bên cạnh đó, việc Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy đầu tư vào rượu bia, công nghiệp thực phẩm; Tổng công ty Xây dựng công nghiệp đầu tư vào thủy điện, nhiệt điện… không phải là những trường hợp cá biệt.
Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm vào thời điểm này là việc xác định ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính của các CTNN, nhất là với các tập đoàn kinh tế. Cho tới nay, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, thì tiêu chí xác định ngành nghề kinh doanh chính của các tập đoàn kinh tế chưa rõ ràng, chưa có những nguyên tắc cụ thể.
Hơn thế, nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về mô hình tập đoàn kinh tế cũng cho thấy chưa có cơ sở đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của tập đoàn theo tiêu chí là ngành, lĩnh vực kinh doanh chính bởi không có sự phân giao cụ thể về kết quả và hiệu quả của ngành, lĩnh vực chính. Điều này chắc chắn sẽ cản trở hoạt động điều chỉnh lại danh mục đầu tư của các CTNN theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Trên thực tế, phần lớn các CTNN, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước được hình thành trên nguyên tắc tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề sản xuất chủ yếu như dệt may, kinh doanh xăng đầu, đóng tàu… và được quy định trong điều lệ hoạt động của CTNN. Với những trường hợp này, việc xác định ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính khá thuận lợi.
Tuy nhiên, trong trường hợp công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty, CTNN được xác định chức năng góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết thì việc xác định ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp không đơn giản. "Nếu căn cứ chức năng của công ty mẹ thì là đầu tư tài chính. Nếu căn cứ vào lĩnh vực của công ty con thì phải xác định được đâu là công ty con có tính chủ đạo trong doanh nghiệp nhà nước, hoạt động nào được coi là lĩnh vực chủ đạo, tiêu chí xác định là gì, doanh thu, lợi nhuận, thương hiệu sản phẩm dịch vụ…", ông Tuấn Anh (Văn phòng Chính phủ) phân tích.
Hơn thế, ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban Nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, quy mô của các tập đoàn kinh tế nhà nước có thể đòi hỏi những đặc thù nhất định. Lý do là với các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay, việc kiểm soát đầu tư ra ngoài ngành đang được đề nghị thực hiện theo nguyên tắc có sự kiểm soát chặt chẽ của chủ sở hữu nhưng không cứng nhắc, mà linh hoạt theo tình hình thị trường cũng như sức khỏe của các tập đoàn kinh tế nhà nước.
"Cùng là một tỷ lệ 20-30%, nhưng ở các tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn thì khoản đầu tư này rất lớn. Chính vì vậy, việc kiểm soát giới hạn đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước có lẽ phải được xem như trường hợp đặc thù và được kiểm soát bằng một cơ chế giám sát riêng", ông Cương nói.
Thực tế cho thấy, không phải tất cả các CTNN đồng thuận với cơ chế kiểm soát ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính. Cuộc khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, có tới 38% ý kiến được hỏi cho rằng, tập đoàn kinh tế nhà nước phải được trao quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề đăng ký kinh doanh ghi trong điều lệ sau khi đã được chủ sở hữu phê duyệt; trên 52% ý kiến cho rằng, tập đoàn kinh tế nhà nước có quyền đầu tư mở rộng ra ngoài ngành kinh doanh chính khi đã hoàn thành nhiệm vụ với ngành nghề kinh doanh chính.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Nghị định về hình thành, tổ chức, hoạt động và giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước. Cơ chế giám sát đầu tư ra ngoài ngành của tập đoàn kinh tế nhà nước cũng sẽ được nhắc tới tại văn bản pháp luật này.
(Theo Đầu Tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com