![]() |
Hệ thống xử lý nước thải của Công ty TNHH Eclat Fabrics. |
Dự án Nhà máy dệt kim của Công ty TNHH Eclat Fabrics (Đài Loan) có vốn đầu tư 40 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 (huyện Tân Thành) đã hoàn thành hơn 95% khối lượng công trình. Dự án này có khả năng sẽ phải ngưng hoạt động chỉ vì sự “thiếu sót” trong công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh.
Thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại văn bản số 5035/VPCP-KG ngày 11-9-2006 yêu cầu không cấp phép cho những dự án thuộc 5 loại hình công nghiệp (nhuộm, thuộc da, chế biến tinh bột, mủ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản) trên lưu vực sông Thị Vải. Thế nhưng, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng nhà máy dệt kim công suất 6.000 tấn/năm tại KCN Mỹ Xuân A2 (huyện Tân Thành). Theo kết quả phê duyệt này, ngày 27-11-2007, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam cho phép đầu tư dự án dệt vải có công suất 6.000 tấn/năm, trong đó tỷ lệ nhuộm tối đa cho phép là 10% sản phẩm của dự án (tương đương 600 tấn/năm).
Trung tuần tháng 10-2008, Đoàn Thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường đã phát hiện những sai sót của Sở Tài nguyên – Môi trường, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiểm điểm những cá nhân, tổ chức vi phạm. Sau đó, Sở Tài nguyên – Môi trường đã họp rút kinh nghiệm về thiếu sót trong công tác thẩm định báo cáo ĐTM của dự án này. Ngày 10-12-2008, Sở Tài nguyên – Môi trường có công văn gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các KCN xem xét, điều chỉnh nội dung giấy phép mà ban này đã cấp cho Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam, tức là loại bỏ 10% sản phẩm nhuộm của dự án này. Việc này đã gây sự bức xúc cho doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam, ông Richard Wang nói: “Công ty tuyệt đối không làm những việc trái pháp luật, vi phạm đạo đức. Lý do khiến chúng tôi chọn Việt Nam làm điểm đầu tư, chính là từ thành ý thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam. Thế nhưng, khi nghe thông tin sẽ loại bỏ 10% nhuộm trong dây chuyền sản xuất, công ty chúng tôi rất hoang mang, lo lắng. Chúng tôi không biết mình đã có những sai phạm gì để cơ quan chức năng nghiêm cấm như vậy”.
Nếu bị rút giấy phép, Công ty Eclat Fabrics sẽ bị thiệt hại từ nhiều phía, ông Richard Wang nói thêm: Thứ nhất là thiệt hại về uy tín, các khách hàng của chúng tôi sẽ mất niềm tin đối với tập đoàn Eclat vì hiện tại họ đều biết chúng tôi đã đầu tư tại Việt Nam. Về kinh tế, thiệt hại là khoảng 40 triệu USD”.
Hiện nay, công trình nhà máy của Công ty Eclat Fabrics đã hoàn thiện 95%, hệ thống xử lý nước thải được công ty đầu tư với tổng số vốn là 1,5 triệu USD cũng đang đợi chạy thử. Công ty Eclat Fabrics dự kiến sẽ đưa nhà máy vào hoạt động vào đầu tháng 4 tới.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp giải quyết ổn thỏa, nhằm tránh thiệt hại cho nhà đầu tư, cũng tránh ô nhiễm môi trường.
( Theo báo điện tử Bà Rịa Vũng Tàu)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com