Thực tế triển khai của các nguồn điện trong Tổng sơ đồ 6 cho thấy, nguy cơ thiếu điện vẫn hiển hiện.
![]() |
Tiến độ các dự án có trong TSĐ6 cũng chậm - Ảnh: H.N |
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao nhiệm vụ đầu tư 22.748 MW điện mới trong Tổng sơ đồ 6 (TSĐ6), nhưng tiến độ triển khai rất chậm. Theo báo cáo mới nhất của EVN vào cuối tháng 2/2009, giai đoạn 2006-2008, EVN đã hoàn thành và đưa vào vận hành 7 nguồn điện được xây dựng trong nước (tổng công suất 1.626 MW) và đang xây dựng 22 dự án (với công suất 8.869 MW).
Như vậy, nếu như tính cả 2.696 MW điện phải hoàn thành trong năm 2009 thì tới cuối năm 2009, nguồn điện mới mà EVN phát triển được mới là 4.322 MW, chỉ gần bằng 20% kế hoạch mà EVN cần đầu tư trong TSĐ6.
Tính xa hơn, tới kế hoạch năm 2012, nguồn điện mới mà EVN đầu tư và đưa vào vận hành dự kiến là 10.495 MW. Tuy vậy, con số này cũng chỉ xấp xỉ 45% so với kế hoạch đặt ra cho riêng EVN trong TSĐ6. 19 dự án với tổng công suất 12.253 MW còn lại, chiếm tỷ trọng gần 55% các dự án do EVN đảm trách trong TSĐ6, đã được EVN lên kế hoạch khởi công xây dựng trong năm 2009 là 4 dự án; năm 2010 là 4 dự án và số còn lại sẽ khởi công từ năm 2011 trở đi.
EVN chậm thì các nhà đầu tư bên ngoài chậm là dĩ nhiên. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2006-2015, các đơn vị ngoài EVN đầu tư 54 công trình với tổng công suất 36.715 MW, chiếm 61,7% tổng công suất nguồn điện mới cần xây dựng. Song, hiện nay mới có khoảng 2.059 MW được đưa vào vận hành, đạt 5,6% kế hoạch so với TSĐ6 cho các nhà đầu tư ngoài EVN.
Còn lại, các nhà đầu tư ngoài EVN đang xây dựng 23 dự án với tổng công suất 4.056 MW và đang chuẩn bị 16 dự án với tổng công suất 15.325 MW. Như vậy, vẫn còn tới 9 dự án, có tổng công suất 15.275 MW, chưa có chủ đầu tư.
Theo đánh giá của EVN, trong số các dự án do các nhà đầu tư ngoài EVN thực hiện, chỉ một số dự án có thể vận hành như đã định là Nhơn Trạch 2 (750 MW) và một số dự án thủy điện có tổng công suất 4.000 MW (gồm Nậm Chiến 1, Nho Quế 3, Serepok 4, Đắc Mi 4, Sekaman 3). Các dự án nhiệt điện than quy mô lớn mới khởi động được quá trình chuẩn bị đầu tư. Thời điểm hoàn thành của các dự án này đang khó xác định bởi nhiều lý do như nguồn than, giá than lẫn khả năng tài chính của các chủ đầu tư với những dự án điện “tỷ USD”.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho hay, các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2009-2010 trên thực tế đều chậm từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí chậm 2 năm. Với thực tế này, thì câu chuyện thiếu điện vẫn còn dài dài. Có vẻ như trách nhiệm của chủ đầu tư trong câu chuyện dài kỳ này chưa rõ ràng.
Ngay ông Thái Phụng Nê, Phái viên của Thủ tướng về các dự án điện cũng từng nhận xét, nếu không “sờ” tới trách nhiệm của các doanh nghiệp thì khó lòng mà đẩy tiến độ các dự án điện lên.
Trên thực tế, các dự án điện trong TSĐ6 đều có chủ đầu tư lẫn thời gian vận hành. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn chưa có chế tài nào kiểm soát và quy trách nhiệm do chậm tiến độ xây dựng và chậm đưa vào vận hành nhà máy đối với chủ đầu tư. Hầu hết các nhà máy lớn do các tập đoàn nhà nước là chủ đầu tư, nhưng khi tiến độ chậm, chưa thấy chủ đầu tư nào bị “thổi còi”.
Bên cạnh đó, việc bổ sung nhanh và nhiều các nguồn điện mới vào Quy hoạch trong thời gian qua khi mà tiến độ các dự án có trong TSĐ6 vẫn khá ngổn ngang cũng khiến các chuyên gia e ngại về chuyện “xí chỗ” của nhiều doanh nghiệp. Không thể loại trừ chính nguyên nhân này cũng đang làm trầm trọng hơn tình trạng chậm trễ dù nhiều dự án đã được triển khai.
( Theo báo Đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com