Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế - Đầu tư: Cẩn trọng các lợi ích

Những động thái mới trong hoạt động quản lý khoáng sản của Việt Nam, cũng như khả năng thay đổi thuế tài nguyên khiến giới đầu tư cân nhắc hơn khi lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng.
 

Các doanh nghiệp khai khoáng hiện tại chủ yếu tập trung xuất khẩu quặng thô - Ảnh: Đức Thanh

Lo ngại từ giới đầu tư

Tính từ đầu năm 2009 đến nay, theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chưa có thêm một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nào trong lĩnh vực khai khoáng được cấp phép, tuy vẫn có những mối quan tâm nhất định của giới đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Vào cuối tháng 1 vừa qua, 6 vị đại sứ của các nước Anh, Mỹ, Canada, Chilê, Australia và NewZealand đã ký cùng một văn bản đề nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc lại những thay đổi liên quan đến thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu khoáng sản, cũng như những thay đổi mới trong quá trình sửa đổi Luật Khoáng sản. Lo ngại lớn của các vị đại sứ chính là đề xuất tăng thuế tài nguyên sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp (DN) FDI đang hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng của Việt Nam.

Phải nhắc lại rằng, đây là một trong những nội dung làm “nóng” Hội thảo lấy ý kiến DN về sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên, quy định biểu khung thuế suất thuế tài nguyên, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hồi cuối năm ngoái. Khi đó, khá nhiều ý kiến từ DN cho rằng, những thay đổi này vượt qua những dự liệu ban đầu của họ khi tiến hành các thủ tục đầu tư tại Việt Nam, rất có thể đẩy họ vào tình trạng thua lỗ, thậm chí phá sản.

Bà Trần Ngọc Ánh, đại diện Công ty liên doanh khai thác khoáng sản Nikel Bản Phúc than phiền, DN khó có cách nào đảm bảo được hiệu quả của dự án khi mức thuế suất với nikel chỉ là 3% vào thời điểm bắt đầu tiến hành xây dựng dự án so với mức thuế suất tăng vọt tới 30% theo các đề xuất sửa đổi. Đó là chưa kể tới chi phí đầu tư ban đầu cho một dự án khai thác khoáng sản thường rất lớn, và gặp rủi ro cao.

Thua lỗ do... chậm?

Nếu như nhìn nhận một cách thấu đáo hơn, có lẽ những thiệt hại mà DN tính toán không hẳn do sự thay đổi về chính sách thuế của Việt Nam đưa tới. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này đã đặt câu hỏi theo chiều hướng ngược lại rằng, nếu như các DN FDI này triển khai thực hiện dự án ngay khi được cấp giấy phép đầu tư, thì lợi nhuận họ có được là rất lớn.

Trong trường hợp của Công ty liên doanh khai thác khoáng sản Nikel Bản Phúc, nếu mọi hoạt động được triển khai kịp thời từ thời điểm được cấp giấy phép vào năm 1993, với các điều kiện về chính sách, đầu tư không đổi trong thời gian dài, DN này chắc chắn sẽ có sự phát triển và thu lợi nhuận vững chắc. Và vì vậy, việc thích ứng với những thay đổi chính sách trong điều kiện kinh tế của Việt Nam thay đổi, sẽ không làm các DN chịu quá nhiều áp lực.

Cũng tương tự như vậy, việc Công ty TNHH liên doanh khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Núi Pháo - VICA) tiếp tục để chậm tiến độ, lùi lại thời gian khai thác so với cam kết của chính nhà đầu tư cũng như các quy định tại giấy phép đầu tư, thì khả năng bị ảnh hưởng do những thay đổi về điều kiện đầu tư, chính sách thuế... là không nhỏ.

Núi Pháo -VICA được cấp giấy phép đầu tư vào ngày 3/2/2004, có quyền thăm dò, khai thác và chế biến wolfram, fluorite, bitmut, quặng đồng và vàng trong thời gian 30 năm và có thể được gia hạn nếu phát hiện thêm trữ lượng quặng. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án này đang được các bên trong liên doanh dự định nâng lên mức 450 triệu USD thay vì mức 147 triệu USD như tại giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, việc hoàn thành phần vốn góp của các bên liên doanh vẫn chưa đạt được. Đã có ý kiến cho rằng, nên cân nhắc lựa chọn lại nhà đầu tư của dự án này nhằm đảm bảo được hiệu quả nhiều mặt của dự án.

Áp lực chính sách
Một nguyên tắc được giới chuyên gia nhấn mạnh: khai khoáng là lĩnh vực đầu tư có điều kiện, nên những chính sách kêu gọi đầu tư, lựa chọn đối tác đầu tư trong lĩnh vực này cần phải đảm bảo nguyên tắc chặt chẽ, đúng đối tượng và hiệu quả, bên cạnh yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường, chống thất thoát và bảo vệ nguồn tài nguyên không tái tạo.

Hơn thế, điều kiện kinh tế của Việt Nam đã thay đổi sau nhiều năm, mục tiêu khuyến khích chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp khai khoáng được đặt lên hàng đầu. Đây là lý do để Chính phủ Việt Nam tiến hành những điều chỉnh theo hướng chặt chẽ, hợp lý hơn trong quản lý khai thác khoáng sản tại Việt Nam.

Trong khi đó, các dự án khai khoáng đã được cấp phép từ trước, phần lớn với mục tiêu chính là xuất khẩu quặng thô, không có chế biến sâu. Nhờ đó, lợi nhuận thu được của các DN này rất lớn.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với các DN FDI trong lĩnh vực khai khoáng đã có phát hiện rất đáng quan tâm. Đó là do ưu đãi thuế thu nhập DN, tổng số tiền mà các DN FDI này “tiết kiệm” được so với mức thuế thu nhập DN phải nộp chiếm tới 0,5 - 0,7% tổng doanh thu công nghiệp của toàn ngành khai khoáng. Các DN FDI đóng góp cho ngân sách thấp hơn so với các DN trong nước cùng lĩnh vực. Trung bình, các DN FDI trong lĩnh vực này nộp ngân sách khoảng 9 - 10% tổng lợi nhuận trước thuế, so với mức 15 - 20% của các DN trong nước.

Hơn thế, cho dù lĩnh vực khai khoáng không thuộc diện khuyến khích đầu tư, song các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này lại nhận được khá nhiều ưu đãi từ các nội dung khác, như đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn đặc biệt khó khăn, sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, sử dụng nhiều lao động…
Rõ ràng, áp lực đang đè nặng lên vai các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh các nhóm lợi ích đang đòi hỏi khác nhau.

Giới phân tích cho rằng, nguyên tắc hiệu quả và không hồi tố cần được xem xét cân bằng trong những thay đổi tới đây đối với chính sách thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực khai khoáng

 

 

( Theo báo Đầu tư )

  • Đầu tư kiểu... nhanh chân
  • Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài
  • Tiền Giang: 2 dự án FDI xin rút lui
  • Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Việt Nam tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp nước ngoài
  • Kết quả đầu tư năm 2008 ở Hà Nội
  • Ứng trước 4.500 tỷ đồng cho một số dự án cấp bách
  • Giải ngân 70% mức kế hoạch vốn ODA năm 2008
  • Ai còn đứng trong... “bóng tối”?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!