Cuối tháng 9, Trạm nghiền xi-măng của Công ty TNHH một thành viên xi-măng Luks ở xã Công Hải, huyện Thuận Bắc đang khẩn trương chuẩn bị cho lễ khánh thành sẽ diễn ra vào ngày 17-10 sắp tới. Ðây là dự án 100% vốn nước ngoài với tổng vốn đầu tư (đã bổ sung) 240 tỷ đồng, quy mô công suất 750 nghìn tấn/năm. Từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến khi đưa dự án vào hoạt động chỉ trong vòng tám tháng.
Nhưng đó chỉ là một vài điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh đầu tư chung ở tỉnh Ninh Thuận trong nhiều năm qua. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, đến nay, Tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 96 dự án và chấp thuận chủ trương đầu tư cho 24 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 53 nghìn tỷ đồng trên địa bàn. Thế nhưng, mới có 33 dự án đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng và 20 dự án đang triển khai với số vốn 1.300 tỷ đồng. Còn lại 43 dự án chỉ dừng lại ở khâu làm thủ tục hoặc chưa "động tĩnh" gì. Số đi vào hoạt động, chủ yếu là các dự án quy mô nhỏ, thuộc lĩnh vực đầu tư thu hồi vốn nhanh như sản xuất tôm giống, khai thác, chế biến khoáng sản... Còn các "đại dự án" có quy mô đầu tư lớn, sử dụng nhiều diện tích đất như trồng rừng, điện gió, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp... phần lớn có tiến độ triển khai rất chậm hoặc "giẫm chân tại chỗ". Việc thực hiện chậm tiến độ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) chung ở địa phương, trực tiếp là người dân trong vùng dự án. Khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất của nhiều bà con để giao cho các nhà đầu tư, trong các buổi tiếp xúc cũng như trong dự án, các chủ đầu tư luôn hứa hẹn tạo việc làm mới cho người dân, nhưng đến nay, hàng nghìn lao động không còn đất sản xuất vẫn đang mòn mỏi trông chờ việc làm trong cảnh thất nghiệp kéo dài.
Không khó để chỉ ra những dự án chậm tiến độ như thế. Ðã hơn 66 tháng được chấp thuận đầu tư, hơn 64 tháng bàn giao đất tại thực địa, nhưng đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Ðài Úc vẫn chưa thực hiện dự án chuyển giao công nghệ giống cây trồng, vật nuôi tại hai xã Nhị Hà, Phước Hà (huyện Ninh Phước) như nội dung, tiến độ đã cam kết. Dự án nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây neem (xoan chịu hạn) tại xã Phước Nam (Ninh Phước) của Công ty TNHH Kawa (Nhật Bản) cũng thực hiện không đúng tiến độ, dù đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hơn 54 tháng và hơn 49 tháng được giao đất tại thực địa. Rầm rộ hơn cả là dự án đầu tư Khu liên hợp thép Cà Ná do liên doanh giữa Tập đoàn Vinashin và Tập đoàn Lion (Malaysia) làm chủ đầu tư, hiện tại, cũng gần như "đứng bánh". Tổng vốn đăng ký đầu tư của dự án này lên đến 9,8 tỷ USD. Cuối tháng 11-2008, chủ đầu tư đã tổ chức lễ động thổ, nhưng đến nay, chỉ mới hoàn thành công tác rà phá bom mìn, lập quy hoạch tái định cư và tạm ứng chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được hơn 84 tỷ đồng trong tổng số 148 tỷ đồng.
Trong số các dự án chậm tiến độ, một số do gặp vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng; một số do bị ảnh hưởng chung của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nhưng chủ yếu là do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, không quyết tâm đầu tư. Cá biệt, một số chủ đầu tư lợi dụng sự thông thoáng của Luật Ðầu tư và chính sách ưu đãi của địa phương đã đăng ký dự án để "xí phần" hoặc chuyển nhượng dự án để kiếm lời. Về mặt chủ quan, có thể nói, các cơ quan chuyên môn liên quan ở địa phương còn buông lỏng công tác quản lý, thiếu sự giám sát, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án...
Mở hướng phát triển về phía biển
Qua rà soát, xem xét các dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có quan điểm rõ ràng, dứt khoát trong việc xử lý đối với những dự án "rùa". Theo đó, đối với loại dự án mới có chủ trương đầu tư hoặc đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, không quyết tâm đầu tư, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi giấy phép. Ðối với các dự án cần gia hạn thêm thời gian, yêu cầu nhà đầu tư phải có cam kết về tiến độ, ký quỹ và ấn định mốc thời gian cụ thể nhằm ràng buộc nhà đầu tư quyết tâm thực hiện dự án theo các nội dung đã cam kết. Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục, giải phóng mặt bằng, đối với những dự án mà chủ đầu tư có quyết tâm triển khai thực hiện.
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có các quyết định hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với 10 dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với hai dự án; mà chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết: chưa hoàn tất thủ tục thành lập doanh nghiệp; chưa hoàn tất việc lập hồ sơ đăng ký đầu tư dự án theo quy định; vi phạm tiến độ triển khai... Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp trước mắt. Về lâu dài, để địa phương phát triển một cách căn cơ, nhanh và bền vững, Ninh Thuận bắt đầu lại từ "gốc", đó là xây dựng quy hoạch về chiến lược phát triển. Từ Tờ trình của UBND tỉnh Ninh Thuận và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý cho UBND tỉnh Ninh Thuận thuê tư vấn nước ngoài giúp tỉnh lập Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH địa phương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch dải ven biển của tỉnh và Quy hoạch chung xây dựng TP Phan Rang-Tháp Chàm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến, việc lập các quy hoạch này sẽ hoàn thành và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong quý I năm 2010 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH địa phương trong năm năm 2011-2015 trình Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 12 sắp tới.
Theo quy hoạch phát triển KT-XH dải ven biển miền trung đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, Ninh Thuận được chọn là nơi xây dựng một số công trình trọng điểm của quốc gia, trong đó có Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta. Tỉnh Ninh Thuận cũng xác định phát triển kinh tế biển là khâu đột phá của địa phương. Ðể mở hướng phát triển về phía biển, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của Ninh Thuận là tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho dải ven biển của tỉnh, trong đó, giao thông phải đi trước một bước. Có như vậy mới phục vụ ngay cho việc triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân; khai thác toàn bộ quỹ đất dọc theo 106 km bờ biển, đồng thời tiến hành sắp xếp lại dân cư, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng ở tuyến ven biển. Ðó là tiền đề quan trọng để Ninh Thuận thật sự là nơi hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với vùng đất đầy nắng gió này để triển khai thực hiện những dự án quy mô lớn theo ý định của tỉnh.
Tiếp tục mời gọi đầu tư
Theo kế hoạch, vào ngày 17-10 tới, tại TP Phan Rang-Tháp Chàm, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận và Tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư của Nhật Bản (JETRO) sẽ phối hợp chủ trì hội nghị "Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2009". Ðây là hội nghị cấp quốc gia, tạo điều kiện cho Ninh Thuận giới thiệu về chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các quy hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lãnh thổ của tỉnh; giới thiệu những tiềm năng, lợi thế, cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư của địa phương, đồng thời cung cấp thông tin về các dự án trọng điểm mà Ninh Thuận mời gọi đầu tư. Ðây cũng là diễn đàn để các tổ chức, nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, đối thoại, hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Nhiều tháng nay, toàn tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chuẩn bị mọi điều kiện vì sự thành công của hội nghị quan trọng này, nhất là việc chuẩn bị các dự án mời gọi đầu tư. Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Ðầu tư Ninh Thuận, có tổng cộng 54 dự án sẽ được giới thiệu, trong đó có 31 dự án cụ thể và 23 dự án mong muốn, liên quan đến chín lĩnh vực KT-XH ở địa phương.
Hãy còn quá sớm để nói về thành công của hội nghị sắp tới, nhưng chắc chắn đó sẽ là "cú huých" giúp tỉnh khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế, tạo thêm động lực để phát triển KT-XH địa phương, từ đó vươn lên, thu hẹp khoảng cách với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Chí Dũng: Tranh thủ thời cơ, huy động các nguồn lực, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hình thành cơ cấu kinh tế phù hợp, nâng cao trình độ dân trí và phúc lợi xã hội... là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đang quyết tâm thực hiện để quê hương phát triển nhanh và bền vững hơn.