Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vốn đầu tư nước ngoài chảy đúng “luồng”

Kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) năm nay: khoảng 20 tỷ USD vốn mới đăng ký, giải ngân 9 tỷ USD. Một mục tiêu không dễ thực hiện trong bối cảnh suy giảm kinh tế và đầu tư toàn cầu. Nhưng đến thời điểm này, số liệu tổng hợp về ĐTNN đã cho thấy những dấu hiệu khả quan.

 Những điểm nhấn "độc đáo"

 Theo Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng đầu năm nay, các nhà ĐTNN đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 10,453 tỷ USD, trong đó có 504 dự án mới với tổng vốn đăng ký 5,625 tỷ USD, bằng 10,8% so với cùng kỳ năm 2008. Điểm sáng nhất là kết quả giải ngân vốn ĐTNN với 6,5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ, trong đó, vốn từ đối tác nước ngoài khoảng 5,5 tỷ USD. Đây là kết quả có tính đột phá, vốn mới giải ngân chiếm tới 60% của tổng vốn đăng ký 6,5 tỷ USD/10,453 tỷ USD. Tỷ lệ này của cùng kỳ năm trước chỉ đạt khoảng 20-30%. Cục ĐTNN nhận định, thực tế đó thể hiện niềm tin của cộng đồng nhà ĐTNN vào khả năng hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Sự tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước của các ngành sản xuất công nghiệp, sự phục hồi từng bước của xuất khẩu cũng như tổng mức đầu tư xã hội, tín dụng và ngân hàng đã cho thấy những triển vọng tốt. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục ĐTNN nhận định, mục tiêu giải ngân 9 tỷ USD trong năm nay chắc chắn sẽ đạt được, bởi những tháng cuối năm, các địa phương và doanh nghiệp (DN) thường đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

 Bên cạnh đó, lượng vốn tăng thêm của các dự án đã đầu tư giai đoạn trước tăng hơn so với cùng kỳ năm 2008 đã tạo một điểm nhấn rất độc đáo trong bối cảnh suy giảm đầu tư toàn cầu. 8 tháng, có 149 dự án ĐTNN đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 4,828 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Đây lại là một diễn biến "ngược" bởi thông thường, khi kinh tế suy giảm, phần lớn nhà đầu tư đều e ngại sẽ gặp rủi ro khi tăng vốn đầu tư. Tuy nhiên, những dự báo về khả năng tăng trưởng trong thời gian tới của nền kinh tế Việt Nam đã thuyết phục được họ tiếp tục bỏ vốn vào các dự án.

 Đúng định hướng cơ cấu

 Nhiều tổ chức và các nhà kinh tế nổi tiếng thế giới đã đưa ra khuyến nghị: Việt Nam nên phát triển theo hướng lấy dịch vụ tổng hợp, nhất là du lịch và ẩm thực làm đòn bẩy lâu dài. Thực tế 8 tháng qua cho thấy, dịch vụ lưu trú và ăn uống đang là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của giới ĐTNN, với  4,566 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm. Trong  đó, vốn cấp mới có 20 dự án với tổng vốn đăng ký 755 triệu USD. Có 3 dự án đề nghị tăng vốn và số vốn tăng thêm đã đạt 3,811 tỷ USD, chiếm 83,3% tổng vốn đăng ký của lĩnh vực này. Như vậy, lượng vốn mới thu hút cũng được "thu gom" để "chảy" đúng theo định hướng về cơ cấu kinh tế: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Hơn nữa, việc các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ nói chung được cấp phép còn có tác dụng vừa khẳng định định hướng phát triển vừa góp phần "giữ đất" và giảm thiểu cơ hội xuất hiện của các dự án thuộc nhóm công nghiệp không đáng khuyến khích, như sản xuất hóa chất, xi măng, khai thác quặng thuần túy. Tiếp theo, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã vượt lĩnh vực kinh doanh bất động sản để đạt quy mô vốn đăng ký lớn thứ hai. Riêng dự án mới được cấp phép là dự án sản xuất thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu của Tập đoàn China Steel Corp (Đài Loan) và Sumitomo Metal (Nhật Bản) đã có quy mô vốn đăng ký 1,148 tỷ USD. Lĩnh vực bất động sản đứng thứ ba với 1,875 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

 Một sự đúng hướng nữa là, trong 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam đã xác lập một "trật tự" mới, lần lượt gồm Hoa Kỳ (3,956 tỷ USD); Đài Loan (1,353 tỷ USD)… Điều đó cho thấy, nguồn vốn ĐTNN vào Việt Nam ngày càng đa dạng về xuất xứ, nhất là đến từ các nền kinh tế có nhiều kinh nghiệm về quản lý, trình độ kỹ thuật, công nghệ cao, hứa hẹn sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị cạnh tranh.

 Trật tự mới, giá trị mới

 Tuy không tăng trưởng mạnh như cùng kỳ những năm trước, nhưng 8 tháng qua, khối DN ĐTNN vẫn tăng trưởng và đạt hiệu quả cao nhất so với nhiều thành phần kinh tế khác. Cục ĐTNN xác nhận, khối DN ĐTNN có đóng góp lớn trong việc hạn chế nhập siêu của Việt Nam bởi đã xuất siêu 3,49 tỷ USD trong khi cả nền kinh tế đã nhập siêu trên 5,1 tỷ USD trong 8 tháng.

 Việc DN ĐTNN tiếp tục đứng vững trên thị trường Việt Nam trong bối cảnh suy giảm kinh tế quốc tế là một minh chứng cho giá trị và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nói chung. Đó sẽ là một cách tiếp thị tốt nhất, như một thông điệp gửi tới những DN quốc tế đang có mục tiêu đầu tư ra nước ngoài. Điều này cũng được khẳng định qua kết quả những cuộc thăm dò mới đây cho thấy, hơn 70% DN được hỏi thuộc Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đều mong muốn đầu tư vào Việt Nam hoặc sẽ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam…

(Theo Hồng Sơn // Hanoimoi Online)

  • Hơn 90 tỉ đồng vốn đăng ký đầu tư vào Gia Lai
  • Đầu tư ra nước ngoài: Cần sự hậu thuẫn hơn nữa
  • Đầu tư vào Lào còn nhiều tiềm năng
  • Nhật sẽ viện trợ cho Việt Nam mức ODA lớn nhất từ trước tới nay
  • Đầu tư thép vẫn tiếp tục tràn lan
  • Việt Nam đầu tư sang Lào đạt hiệu quả cao
  • 7 "ngưỡng" phải vượt qua để được đầu tư thép
  • Tăng chất cho dòng vốn FDI
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!