Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bảy động lực đẩy giá vàng

Giá vàng thế giới đang tăng với tốc độ rất nhanh. Đến cuối tháng 9/2010 trên thị trường New York, giá vàng đã lên cao chưa từng có, ở mức 1.315 USD/ounce. Có thể giá vàng chưa dừng và còn lập những đỉnh cao mới.

Theo Money Morning, có tới 7 yếu tổ đẩy giá vàng

Giá vàng thế giới và trong nước mấy ngày gần đây liên tục biến động tăng cao với những kỷ lục chưa từng có. Diễn biến của giá vàng, nguyên nhân tác động tới giá vàng… là những thông tin cần thiết không chỉ cho các nhà đầu tư, người tiêu dùng mà còn có thể có ích cho những nhà hoạch định chính sách tài chính – tiền tệ. Xin cung cấp bài phân tích – dự báo để bạn đọc tham khảo.

Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội thị trường vàng London vừa qua, một cuộc thăm dò cho thấy dự báo giá vàng trung bình trong 1 năm sẽ là 1.450 USD/ounce, thậm chí có ý kiến còn cho rằng giá vàng có thể còn lên cao hơn. Còn tính từ đầu năm 2010 đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 15%.

Theo tờ Money Morning (tạp chí tài chính của Mỹ), giá vàng đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2001 nhưng đây mới chỉ là khởi đầu của xu thế lịch sử tăng giá vàng. Mặc dù các nền kinh tế thế giới lạm phát do các khoản tiền bảo lãnh phá sản và các gói kích thích kinh tế khổng lồ làm tăng mức cung tiền tệ toàn cầu lên hơn gấp đôi kể từ tháng 10/2009 và khi lạm phát tăng, các nhà đầu tư mua nhiều vàng hơn để bảo tồn nguồn vốn đầu tư. Tuy vậy, lạm phát  không phải là động lực đẩy giá vàng tăng vọt.

Money Morning cho rằng có 7 động lực quan trọng có thể đẩy giá vàng tăng cao.

Thứ nhất, sản xuất vàng ở các mỏ đang suy giảm mạnh. Kể từ năm 2001, sản xuất vàng toàn cầu đã giảm 9,3% hàng năm. Các nước sản xuất vàng không thể tăng sản lượng vàng vì các mỏ đã khai thác cạn kiệt và chất lượng các mỏ vàng cũng đang giảm mạnh. Khi phát hiện được mỏ vàng  phải cần từ 7-10 năm mới đi vào khai thác nên không thể đẩy nhanh sản xuất vàng.

Thứ hai, các mỏ vàng ngày càng khó phát hiện. Hiện nay, ngày càng ít mỏ vàng lớn được phát hiện và nếu được phát hiện, các mỏ này đều ở các khu vực hẻo lánh, không hấp dẫn về địa chính trị. Hơn nữa, do có nhiều hiểm hoạ chờ sẵn, các công ty khai mỏ không muốn khai thác các mỏ vàng nằm tại các khu vực có tầm nhạy cảm về chính trị và địa lý.

Thứ ba, nhu cầu đầu tư đối với vàng. Theo Hội đồng Vàng thế giới, các nhà đầu tư thể chế lớn cũng như các nhà đầu tư tư nhân đang đầu tư lớn vào vàng và các sản phẩm từ vàng đã tạo điều kiện và tăng cường quyền sở hữu vàng của các cá nhân.

Thứ tư, ngân hàng trung ương các nước tăng mua vàng làm nguồn dự trữ chiến lược. Hiệp định giữa các ngân hàng trung ương về vàng ký năm 2001 và mới được gia hạn gần đây thêm 5 năm nữa giới hạn lượng vàng mà các ngân hàng Trung ương châu Âu, bao gồm cả Quỹ Tiền tệ quốc tế, có thể bán ra thị trường thế giới 400 tấn vàng mỗi năm. Giới hạn này có nghĩa là nếu các chính phủ muốn bán số vàng dự trữ vượt quá giới hạn 400 tấn, họ cũng không thể bán được và như vậy góp phần làm căng thẳng hơn nữa nguồn cung vàng cho thị trường thế giới. Mỹ, nước giữ số lượng vàng lớn nhất thế giới cũng đang chất vàng trong kho.

Thứ năm, số đồng tiền được đảm bảo bằng vàng tăng thêm. Khi các nhà đầu tư thế giới mất lòng tin vào khả năng kiềm chế khủng hoảng kinh tế tài chính, họ yêu cầu các đồng tiền được đảm bảo bằng vàng giống như đồng USD trong thập kỷ 1970. Ngay cả nước nghèo nhất thế giới là Zimbabwe (châu Phi) với mức lạm phát lên tới 231 triệu%/năm, hiện cũng phải xem xét phát hành đồng đôla Zimbabwe được hậu thuẫn bằng vàng. Để đáp ứng nhu cầu đồng tiền được bảo đảm bằng vàng, các nước phải mua vào lượng vàng đủ để đảm bảo cho đồng tiền của họ, nên đã gây sức ép khổng lồ lên nguồn cung vàng trên thị trường vàng thế giới.

Thứ 6, nhu cầu của châu Á về vàng bùng nổ. Châu Á với hơn 2,5 tỷ dân có tác động rất lớn đến nhu cầu đầu tư. Người dân châu Á có truyền thống văn hoá lâu đời giữ vàng như là tài sản chứng tỏ sự giàu có. Ấn Độ hiện là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Người Trung Quốc hiện được quyền tiếp cận các tài khoản được đảm bảo bằng vàng sau hơn 50 năm bị cấm đoán. Vì vậy, nhu cầu vàng của Trung Quốc lục địa đã tăng gấp 3 chỉ trong vài năm gần đây.

Và cuối cùng, vàng hiện trở thành hàng hoá trong thị trường đầu cơ. Giá vàng tăng gấp 4 lần kể từ năm 2001 đã phát đi tín hiệu rõ ràng là thế giới đang ở trong thị trường đầu cơ hàng trăm năm mới có một lần đối với vàng. Thị trường này đã hiển hiện suốt 17 năm qua và nay đã đến lúc các nhà đầu tư bất chấp quy luật cung - cầu lao vào đầu tư vào vàng.

Dự báo của nhiều chuyên gia về giá vàng trong năm 2011 nhìn chung trùng với sự lạc quan của thị trường khi cho rằng giá vàng tiếp tục tăng trong năm 2011. Nguyên nhân có thể là cán cân cung- cầu mất cân bằng do nhu cầu vàng tăng vì dự báo về thiếu hụt vàng trên thị trường.

Tại Hội nghị các chuyên gia về kim loại quí trên thế giới nhóm họp ở Berlin (Đức) cuối tháng 9/2010 dự báo giá vàng sẽ dao động ở mức 1.406 USD/ounce vào thời điểm tháng 9/2011, cao hơn khoảng 100 USD/ounce so với hiện nay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cảnh báo rằng vẫn có nguy cơ giá vàng giảm, nếu những lo ngại về suy thoái toàn cầu kép trở thành hiện thực, khi đó các nhà đầu tư có thể phải bán ồ ạt vàng của mình để bù đắp cho các khoản thua lỗ khác.

Ngược lại, nếu tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, các nhà đầu tư cũng có thể cho rằng giá vàng đã đạt đỉnh và quyết định bán để chốt lời rồi đầu tư vào chỗ khác.

(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!