Tăng khả năng tiếp cận vốn là nhu cầu bức thiết của cả doanh nghiệp (DN) có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh và DN đang đối mặt với nguy cơ phá sản.
Theo khảo sát, đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chính sách thắt chặt tiền tệ đang được triển khai ảnh hưởng không lớn đến các tập đoàn, tổng công ty hoặc DN nhỏ và vừa nhưng có cơ cấu vốn hợp lý. Họ vẫn duy trì khá tốt việc sản xuất - kinh doanh, mặc dù có giảm lợi nhuận so với trước đây.
Trong khi đó, các DN chủ yếu vay vốn từ ngân hàng, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa ở khu vực nông thôn, đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Trường hợp có “cửa” tiếp cận nguồn vốn này, thì DN cũng khó chịu nổi, bởi mức lãi suất cao như hiện nay sẽ đẩy cao chi phí đầu vào.
Kết quả điều tra của VCCI (thực hiện vào tháng 7/2008) cho thấy, vẫn có 41,3% số DN Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới. Còn theo báo cáo của Hiệp hội DN nhỏ và vừa, hiện có 70% DN nhỏ và vừa “có vấn đề” trong sản xuất - kinh doanh, trong đó 20% rất khó khăn, có nguy cơ sáp nhập hoặc phá sản.
Những thông số trên cho thấy, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho các DN đang là nhu cầu vô cùng bức thiết, cả với DN có kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh, cũng như các DN đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Vấn đề là, trong bối cảnh kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và chính sách thắt chặt tiền tệ được duy trì ở mức độ nhất định, có thể mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho DN bằng cách nào?
Trước hết, chính các DN cần chủ động đa dạng hoá cơ cấu vốn của mình. Với các DN có quy mô tương đối lớn, giải pháp cổ phần hoá để tăng cường vốn chủ sở hữu là một lựa chọn. Với một số DN nhỏ và vừa, khả năng huy động vốn của anh em, bạn bè, người thân là có thể.
Tuy nhiên, với phần lớn các DN vay vốn ngân hàng, ngoài việc hỗ trợ DN nâng cao năng lực xây dựng phương án kinh doanh để các dự án đủ sức thuyết phục ngân hàng cho vay vốn, cần phải mở rộng xây dựng các quỹ hộ trợ bảo lãnh tín dụng, đồng thời tăng cường nguồn vốn của chính các ngân hàng.
“Cộng đồng DN đồng thuận với chủ trương thắt chặt tín dụng và linh hoạt trong điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, từ thực tế chuyển biến tích cực của chỉ số giá tiêu dùng, cộng đồng DN đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động nới lỏng các điều kiện cho phép hệ thống ngân hàng thương mại tăng cung tín dụng, hạ thấp lãi suất cho vay hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN tiếp cận vốn ngân hàng”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói.
Theo ông Lộc, một số DN đã tiếp cận được vốn của ngân hàng sau khi NHNN có một số điều chỉnh về chính sách lãi suất. Tuy nhiên, chỉ rất ít DN được vay vốn với lãi suất thấp, còn hầu hết DN nhỏ và vừa chưa “với” tới được nguồn vốn ưu đãi này.
Hơn nữa, theo tính toán, mức lãi suất này vẫn cao hơn so với hiệu quả sản xuất - kinh doanh có thể đạt được của DN. Vì thế, căn cứ vào động thái giảm áp lực lạm phát trong thời gian tới, NHNN có thể tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi bắt buộc và giảm lãi suất chiết khấu trái phiếu ở mức hợp lý, để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ thấp hơn nữa lãi suất cho vay.
Ở một khía cạnh khác, ông Lộc cho rằng, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác chiến lược là các tổ chức tài chính nước ngoài có uy tín được tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của ngân hàng trong nước lên mức tối đa 20%, nhằm nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng thương mại trong nước thông qua việc tăng năng lực vốn, công nghệ và trình độ quản trị.
Thêm vào đó, trong điều kiện lạm phát, NHNN có thể khuyến khích các ngân hàng thương mại chủ động giảm lợi nhuận, giảm lãi suất cho vay bằng việc điều chỉnh lại tiêu chí xếp hạng ngân hàng, giúp các ngân hàng không bị ảnh hưởng đến thứ hạng và tín nhiệm.
Về chính sách tài khoá, Chính phủ cần thực hiện nghiêm kế hoạch cắt giảm đầu tư công và chi tiêu công đã đề ra, giành một phần nguồn lực tiết kiệm đó tăng cường hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa. Chính sách tiền tệ nhờ vậy cũng sẽ giảm thiểu được gánh nặng trong công cuộc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; hệ thống ngân hàng cũng sẽ giảm được căng thẳng và “cởi mở” hơn với DN.
( Cổng thông tin kinh tế )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com