Ký hợp đồng với khách hàng tại Công ty Bảo hiểm Prudential.Ảnh: Nguyệt Ánh |
Với dân số hơn 85 triệu người, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ (BHNT) khoảng 5-6%, vì thế Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá là một thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của Bộ Tài chính, có 47% số người được hỏi chưa quan tâm và chưa tin vào các sản phẩm BHNT. Do đó, đưa ra các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và năng lực tài chính của khách hàng sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp (DN) BHNT "mở cửa" thị trường này.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ: Vẫn giàu tiềm năng
Mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhiều nhà đầu tư thu hẹp kinh doanh, song thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn. Trong tháng 3-2009, hai công ty BHNT lớn của nước ngoài là MSIG (Nhật Bản), Korea Life (Hàn Quốc) đã vào hoạt động tại Việt Nam. Về phía các DN Việt Nam, sau một thời gian dài chỉ có Bảo Việt nhân thọ "độc chiếm" thị trường BHNT, đến tháng 6-2009, liên doanh bảo hiểm Vietcombank - Cardif (VCLI) đã chính thức hoạt động. Trong tổng số 600 tỷ đồng vốn điều lệ của VCLI, Vietcombank chiếm 45% vốn góp; 43% vốn của Cardif (Công ty bảo hiểm thuộc Tập đoàn Ngân hàng BNP Paribas - một trong những tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại khu vực châu Âu); 12% vốn góp còn lại thuộc về SeAbank.
Đại diện Công ty Korea Life nhận xét, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất thế giới, hơn 54% trong độ tuổi dưới 30, đây là điểm hấp dẫn với Korea Life... Tuy nhiên, một khảo sát do Bộ Tài chính phối hợp với Công ty BHNT New York thực hiện cho thấy, hơn 47% người được hỏi cho biết, họ chưa tin tưởng hoặc không có thời gian tìm hiểu để tham gia BHNT; 20,77% cho biết, họ chưa tham gia BHNT vì thu nhập thấp, không đủ khả năng tài chính; 11,87% cho biết, đang tham gia các hình thức tiết kiệm khác; 19,47% không hiểu hoặc ít hiểu biết về BHNT.
Tìm hướng đi hiệu quả
Các DN BHNT đang hướng vào 2 dòng sản phẩm chính là bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đầu tư. Với sản phẩm liên kết đầu tư, người mua vừa được bảo hiểm rủi ro, vừa trở thành nhà đầu tư qua hình thức liên kết với DN bảo hiểm đầu tư vào các quỹ liên kết với đơn vị đó. Với sản phẩm liên kết chung, phí bảo hiểm mà khách hàng đóng được tách thành hai phần: bảo hiểm dành cho rủi ro và phần dành cho đầu tư. Quyền lợi bảo hiểm cũng được tách thành quyền lợi bảo hiểm rủi ro. Hai hình thức này tuy mới, mang lại nhiều quyền lợi cho khách hàng, nhưng trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm, sức hấp dẫn của những sản phẩm này cũng giảm theo.
Để tìm hướng đi mới tại thị trường BHNT, VCLI - Liên doanh BHNT mới ra đời đã có những thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận và phát triển thị trường. Bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị VCLI cho biết, liên doanh này sẽ xây dựng mô hình DN gọn nhẹ, không đi theo cách truyền thống của các DN khác. Việc bán hàng sẽ thông qua mạng lưới của các ngân hàng (trước mắt là Vietcombank và SeABank), công ty tài chính, không xây dựng đại lý như nhiều công ty BHNT hiện nay.
Đại diện Tổng Công ty Bảo Việt nhân thọ cho biết, với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược là HSBC Insurance (một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về tài chính - bảo hiểm), tổng công ty đang xây dựng mô hình kinh doanh theo công nghệ quản lý hiện đại và liên tục đưa ra thị trường những dòng sản phẩm mới nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. 6 tháng đầu năm nay, tổng công ty đã khai thác được khoảng 78.500 hợp đồng với tổng doanh thu khai thác mới hơn 300 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái). Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt gần 19.000 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2008.
Với lợi thế "sân nhà", hiểu tâm lý khách hàng, nếu các DN BHNT Việt Nam linh hoạt thiết kế sản phẩm tiện ích, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, họ sẽ có cơ hội chiếm được ưu thế tại thị trường BHNT vốn còn nhiều tiềm năng.
(Theo Hương Ly // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com