Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần giảm giá sản phẩm để kích thích sức mua thay vì đẩy mạnh cho vay
Cuối năm, các ngân hàng (NH) đang chạy đua khuyến mãi cho vay tiêu dùng. Biện pháp này nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, giải quyết một phần “vốn ế” và góp phần kích cầu tiêu dùng như mục tiêu Chính phủ đặt ra.
Vay tiền còn được quà tặng!
Chỉ vài tháng trước, nhiều người phải từ bỏ giấc mơ mua nhà, mua xe vì năn nỉ không NH nào duyệt hồ sơ cho vay thì nay khách hàng lại có quyền “làm cao” với cán bộ tín dụng. Tại NH TMCP An Bình (ABBank), khách hàng vay tiền còn được tặng quà trong khi thông lệ xưa nay của các NH chỉ gửi tiền mới có khuyến mãi. Khách hàng từ 20 tuổi trở lên có thể vay mua nhà hoặc xây dựng, sửa chữa nhà cửa, thời gian cho vay tối đa 10 năm và được tặng bảo hiểm trong suốt thời gian vay.
Vay vốn sản xuất kinh doanh tối thiểu 300 triệu đồng hoặc vay tối thiểu 500 triệu đồng mua nhà, mua xe - cứ 100 triệu đồng, khách được lĩnh thưởng ngay 1 phân vàng, quy đổi thành tiền mặt. NH này cũng dành 2.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi từ nay đến 24-1-2009 cho doanh nghiệp. Khi giải ngân, khách hàng còn được tặng bảo hiểm rủi ro toàn diện, thẻ Visa Debitcard tài khoản 1 triệu đồng... Phó Tổng Giám đốc ABBank, ông Phạm Quốc Thanh, cho biết lãi suất cơ bản giảm dần, các NH có điều kiện bơm thêm vốn cho vay tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân.
NH Kỹ thương VN (Techcombank) cũng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cho vay thế chấp có trọng tâm. Trong đó, chương trình “Gia đình trẻ” có hạn mức cho vay tối đa đến 1,5 tỉ đồng đáp ứng nhu cầu trọn gói của cá nhân và gia đình về nhà ở, trang bị đồ dùng gia đình, ô tô và các sản phẩm dịch vụ về thẻ. Đến nay, cho vay cá nhân đóng góp khoảng 35% tổng dư nợ cho vay của Techcombank.
Lo ngại tăng cung tiền
Trước động thái “cởi mở” trong hoạt động cho vay tiêu dùng tại một số NH, các chuyên gia kinh tế lại tỏ ra lo ngại. TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, nhận định biện pháp này sẽ “đẻ” ra lạm phát vì thực chất là bơm tiền thẳng vào lưu thông. Dự báo tổng phương tiện thanh toán cả năm nay tăng khoảng 18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 24%, chỉ bằng 1/3 mức tăng trưởng năm 2007.
Tuy nhiên, tính chung cả hai năm liên tiếp thì khối lượng tiền và vốn tín dụng đã ở mức gấp 2 lần năm 2006, thời kỳ chưa nổ ra lạm phát. Kích thích tiêu dùng, vấn đề then chốt là giá cả. Sau lạm phát, mặt bằng giá đang ở mức cao, tách rời thu nhập thực tế của người dân. Cần phải có các biện pháp tín dụng, tài khóa tốt nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí, có điều kiện hạ giá sản phẩm xuống mức phù hợp với thu nhập của người dân để tạo sức cầu lớn.
Theo TS Vũ Đình Ánh, hiện nay người dân thắt chặt chi tiêu không phải vì không có tiền mà vì nhiều lý do: Giá cả quá cao, triển vọng thu nhập trong năm 2009 không mấy sáng sủa nên có mở rộng cửa, người dân cũng không nhắm mắt vay liều. Nếu không kiểm soát tốt, một nguồn vốn vay lớn sẽ được nhà đầu tư cá nhân chuyển sang chứng khoán và bất động sản, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng chỉ nên khôi phục tín dụng cho các dự án bất động sản hiệu quả, sắp hoàn thành, không nên tăng tín dụng tiêu dùng vì bài học khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ việc cho người dân vay vốn giá rẻ mua nhà của Mỹ vẫn còn ngay trước mắt.
(Theo báo Người lao động )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com