Những lý do chính mà nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng khó tiếp cận vốn ngân hàng (NH) là lãi suất cao và NH chỉ chú trọng đến những khách hàng lớn. Với lãi suất cho vay chỉ còn 14-15% như hiện nay, hàng loạt NH đã “nới lỏng” tín dụng nhưng vẫn “thừa vốn”!
Giờ đây, không phải DN mà lại là NH đang loay hoay tìm khách hàng và đầu ra cho đồng vốn của mình...
NH rộng cửa đón DN
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN) Nguyễn Đồng Tiến chứng minh hệ thống NH đã giải quyết đến 85% số hồ sơ vay vốn của DN nhỏ và vừa (DNNVV) chứ không “ép” khối DN này như nhiều ý kiến trước đây.
Vụ Tín dụng NHNN cũng đưa ra thông tin doanh số cho vay của các NH thương mại đối với DNNVV là 289.100 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm 2008. Theo báo cáo của NHNN VN thì có đến 163.673 DNNVV có quan hệ tín dụng đối với NH.
NH Vietinbank đã cho DNNVV vay 45.000 tỷ, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) cho vay hàng chục ngàn tỷ, nhiều NH lớn khác như ACB, Đông Á, Techcombank, Sacombank… cũng cho khối DN này vay tổng cộng hàng chục ngàn tỷ đồng.
Gần đây nhiều NH cũng đã đưa lượng vốn lớn vào cho DNNVV vay theo đề nghị của NHNN. Tuy nhiên nhiều DNNVV vẫn “kêu” khó tiếp cận vốn NH. Lãnh đạo các NH thì cho rằng phần lớn các DN không vay được là do hồ sơ chưa đầy đủ, tài chính DN không minh bạch, rõ ràng, kế hoạch sản xuất, trả nợ không khả thi.
Tổng GĐ NH Đông Á Trần Phương Bình khẳng định: “NH không phân biệt khách hàng lớn hay nhỏ. DN nào đủ điều kiện, hai bên tìm được tiếng nói chung là Đông Á sẵn sàng cho vay. DNNVV là khối khách hàng rất quan trọng nên chúng tôi luôn coi trọng”.
Ông Lê Văn Mạnh, GĐ Cty may mặc Mạnh Quân (Q. Tân Bình TPHCM) nói: “Nhiều DN tôi biết không vay vốn chủ yếu do đơn đặt hàng không có, sản xuất đang thu hẹp chứ không phải khó vay”.
Tương tự với khối DNVVN, các dự án bất động sản tại TPHCM ngưng trệ do thiếu vốn không hẳn do NH siết chặt mảng vay này. NHNN VN chi nhánh TPHCM cho biết các NH đã giải ngân được 9.500 tỷ đồng/14.500 tỷ đã cam kết cho hơn 150 dự án vay.
Mới đây, NHNH cũng đã cho phép các NH tiếp tục cho các dự án bất động sản vay và được sử dụng tối đa 40% vốn NH để cho vay trung- dài hạn với các dự án trên.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó GĐ Cty địa ốc Đất Lành thừa nhận, vay NH không khó nhưng trả nợ rất nan giải. Với khoản vay khoảng 50 tỷ cho một dự án cỡ trung bình, DN phải trả lãi khoảng 800 triệu/tháng trong tình hình giao dịch ngưng trệ như hiện nay thì ít DN nào dám liều.
Không chỉ hai khối DN trên mà các DN làm hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng, sản xuất nguyên vật liệu… cũng ngán vay vốn NH dù lãi suất đã giảm mạnh chủ yếu do đầu ra của họ khó khăn. GĐ một Cty chuyên doanh thực phẩm cho hay hàng xuất vào EU, Mỹ của Cty ông giảm gần 40% so với cùng kỳ 2007, giá lại bị ép giảm do nhu cầu sụt mạnh nên “vay NH làm không đủ trả lãi”.
Ông Huỳnh Song Hào, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh TPHCM cho hay các doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất và không muốn vay nhiều từ NH nên dư nợ của NH vẫn chưa tăng nhiều dù lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh.
Khách hàng chờ lãi hấp dẫn hơn
Bên cạnh lý do sản xuất khó khăn, đầu ra chựng lại thì nhiều DN cũng đang chờ lãi suất giảm tiếp, NH đưa ra nhiều ưu đãi hơn. GĐ một DN nhựa so sánh: “Nếu tôi vội vay 20 ngày trước thì đã phải chịu lãi 15,5%/năm, ngày 27/11 có NH chào cho vay 2 tỷ với lãi chỉ còn 14,7%/năm nhưng kế toán đề xuất chờ vì có thể vay tiền đồng bằng lãi suất USD chỉ khoảng 7% hoặc NH sẽ giảm lãi thêm vì thừa vốn”.
Nhiều DN còn e ngại vay vốn thời điểm này đã gần Tết khó xoay xở kịp, nhập hay xuất gì đều đang khó khăn nên chờ sau Tết mới tính vay vốn NH hay không. Cho DN vay không dễ, nhiều NH đã quay trở lại với khách hàng cá nhân.
Nhiều NH lớn như ACB, Techcombank, Sacombank, Đông Á…đã “nới tay” hơn với các chương trình cho vay tín chấp, mua hay sửa nhà, tiêu dùng… Từ tháng 11/2008, ACB bắt đầu chương trình cho vay 2.000 tỷ để hỗ trợ vốn kinh doanh, mua nhà và tiêu dùng, Đông Á, Sacombank đẩy mạnh chương trình thẻ tín dụng “mua trước trả sau không lãi”, Eximbank hiện vẫn duy trì cho cá nhân vay tiêu dùng, mua nhà...
Bên cạnh đó thì nhiều NH cũng không ngần ngại cho vay cầm cố và repo chứng khoán. CTCK BETA (BSI) vừa phối hợp NamA Bank dành 100 tỷ đồng hỗ trợ NĐT kinh doanh chứng khoán thông qua repo, Sacombank dành 300 tỷ cho vay cầm cố và repo chứng khoán, Eximbank cho NĐT vay từ 50 triệu trở lên cũng với hình thức trên...
Chủ tịch HĐQT Sacombank Đặng Văn Thành khẳng định với nguồn vốn dồi dào hiện nay thì các NH đang cần khách hàng chứ không có chuyện làm “khó dễ”. Thực tế cũng đang cho thấy “gió xoay chiều” khi khách hàng vay vốn ngày càng dễ dàng hơn, có điều họ có muốn vay và vay để làm gì mà thôi.
(Theo báo Tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com