Suy giảm kinh tế không đồng nghĩa với việc dừng lại các nỗ lực cải cách cơ cấu kinh tế. Ngược lại, đây chính là cơ hội đẩy mạnh cải cách vì tình hình khó khăn càng làm bộc lộ rõ những yếu kém cần giải quyết. Chỉ thị 854 của Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai kết luận của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nằm trong nỗ lực đó.
Đáng chú ý nhất là yêu cầu tất cả các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đến thời điểm 1-7-2010 đều phải chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.
Tuy nhiên, nếu xem kỹ những phần việc giao cho các bộ, ngành, có thể thấy lẽ ra chúng phải được thực hiện từ lâu vì đã được nêu lên nhiều lần trước đó trong nhiều hội thảo, hội nghị; chẳng hạn, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh dự thảo nghị định về thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế hay xây dựng đề án tách chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan. Phần việc thứ hai thật ra đã được đề cập từ hơn 10 năm trước với biết bao nhiêu ý kiến đóng góp dựa vào cả lý thuyết lẫn thực tiễn kinh doanh.
Đầu năm ngoái, mọi người đã nhìn ra những rủi ro khi các tập đoàn kinh tế đầu tư tràn lan ra ngoài ngành nghề chính cũng như việc các tập đoàn này sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức. Nay Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xác định tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tỷ lệ đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính và phương án chấn chỉnh các tập đoàn nào “đã lỡ” đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Lẽ ra không cần đến quí 3-2009 như chỉ thị cho phép mà Bộ Tài chính đã phải nghiên cứu và đưa ra những đề xuất cho Chính phủ ban hành ngay từ thời điểm này năm ngoái.
Ngoài ra Bộ Tài chính còn được giao những nhiệm vụ khác như “xây dựng quy định pháp luật về quản lý đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa”; “nghiên cứu đề án kiện toàn tổ chức Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước”; “khẩn trương tiến hành đánh giá lại giá trị vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước”...
Rõ ràng đây là những nhiệm vụ rất bình thường của Bộ Tài chính mà theo chức năng lẽ ra phải tiến hành từ lâu. Chẳng hạn, việc cổ phần các doanh nghiệp nhà nước được tiến hành đã lâu, quản lý phần vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp này như thế nào, ứng xử ra sao khi cổ phần của các doanh nghiệp như thế được niêm yết trên sàn chứng khoán, thoái vốn hay đầu tư thêm trong trường hợp nào... tất cả lẽ ra phải được hoàn thiện từ lâu.
Các bộ, ngành, ngoài những phần việc quản lý nhà nước mang tính thường xuyên, phải luôn chủ động nghiên cứu các vấn đề mới do thực tiễn đề ra để phục vụ cho công tác quản lý của mình. Có như thế, người đứng đầu các bộ, ngành sẽ đáp ứng được ngay yêu cầu của Chỉ thị 854, góp phần thúc đẩy tốc độ cải cách kinh tế trong tình hình mới.
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com