Việt Nam có thể có thêm 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ để kích thích tăng trưởng kinh tế
Các bước đàm phán về khoản vay 500 triệu USD hỗ trợ khắc phục tác động khủng hoảng (CSF) từ Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) tới thời điểm này đã hoàn tất. Nếu không có gì thay đổi, tháng 10 tới, hai bên sẽ chính thức ký kết hiệp định vay vốn và sau đó 1 tháng, khoản tiền này sẽ được giải ngân. Khi đó, Việt Nam sẽ có thêm một nguồn lực quan trọng để kích thích kinh tế.
Mặc dù tới thời điểm này, các kế hoạch giải ngân cụ thể chưa được tiết lộ, song theo Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhiều khả năng, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngân khoản này sẽ được tập trung cho vay các dự án hạ tầng giao thông có khả năng thu hồi một phần vốn, như đường cao tốc, cảng biển, sân bay... và cho doanh nghiệp vay lại đầu tư các dự án.
Cũng theo nguồn tin nói trên, ngay sau khi những thông tin ban đầu về khoản vay này được công bố, liên tiếp các đơn đề nghị vay vốn từ các ngân hàng thương mại, các địa phương đã được gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Và cho tới thời điểm này, theo thống kê chưa đầy đủ, chưa tính nhu cầu vay vốn của các ngân hàng thương mại, đã có khoảng 150 dự án bày tỏ mong muốn được vay vốn từ khoản hỗ trợ này.
Nhu cầu vay vốn là rất lớn, nhưng dự kiến chỉ khoảng 20 dự án được lựa chọn, với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD, trong đó, khoảng 50% là các dự án giao thông. Tuy nhiên, các kế hoạch giải ngân cụ thể còn phải chờ quyết định chính thức.
Liên quan tới vấn đề trên, vào cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi, thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vay lại khoản vay này, để cho vay đối với các dự án phù hợp, bảo đảm trả được nợ đúng hạn.
Thủ tướng cũng yêu cầu, để khai thác tốt nguồn vốn vay này, cũng như bảo đảm nguồn trả nợ ADB theo đúng cam kết, các cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao đàm phán, bố trí sử dụng nguồn vốn vay phải chủ động phối hợp và thực hiện các giải pháp phù hợp, để giải ngân nhanh, sử dụng hiệu quả số tiền vay này.
Đây là khoản vay ngắn hạn (thời hạn 5 năm, thêm 3 năm ân hạn) và mục đích chính cũng là hỗ trợ các nước thành viên ADB hỗ trợ khắc phục tác động khủng hoảng thông qua hỗ trợ ngân sách bổ sung cho giai đoạn 2009-2010, do vậy, giải ngân nhanh là mục tiêu hàng đầu.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh nguồn thu của Chính phủ giảm do khối lượng thương mại sụt giảm, nguồn vốn nước ngoài có dấu hiệu tăng chậm lại và tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với thời gian trước, để duy trì mức tăng trưởng tiềm năng, việc tiếp cận nguồn vốn CSF của ADB là rất cần thiết. “Nguồn vốn vay chương trình CSF sẽ hỗ trợ vốn cho gói giải pháp toàn diện của Chính phủ nhằm đối phó khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giúp giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách trong thực hiện gói kích thích kinh tế”, ông Bình khẳng định.
Đồng quan điểm này, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về việc Việt Nam sẽ vay ADB 500 triệu USD để khắc phục tác động của khủng hoảng, ông Bùi Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là việc làm rất có ý nghĩa. “Trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế, chúng ta cần tận dụng sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ”, ông Tuấn nói.
Đứng trên phương diện này, có thể nói, việc Việt Nam đang trong quá trình hoàn tất đàm phán khoản viện trợ trị giá 350 triệu USD của Ngân hàng Thế giới (WB) theo hình thức hỗ trợ ngân sách PRSC 8 cũng rất quan trọng. Tương tự như vậy, theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, nhiều khả năng, Nhật Bản cũng sẽ cho Việt Nam vay 150-200 triệu USD để hỗ trợ gói kích thích kinh tế.
Tuy quá trình đàm phán vẫn chưa có kết quả cuối cùng, song rất có thể, khoản vay này cũng sẽ được ký kết vào cuối năm nay.
Như vậy, nếu mọi kế hoạch đều suôn sẻ, Việt Nam sẽ có thêm trên 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế.
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com