Cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 1.687 ý kiến, kiến nghị. |
9h sáng nay (20/10) kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa 12 chính thức khai mạc tại Hội trường Bộ Quốc phòng.
Trước kỳ họp, 1.687 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp gửi đến Quốc hội.
Tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, khó tiếp cận chính sách kích cầu, thất nghiệp gia tăng, an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức… là những vấn đề khiến cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng.
Khó tiếp cận chính sách kích cầu
Đứng thứ nhất trong 5 nội dung lớn được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm là tình hình thực hiện các nhóm giải pháp kích cầu của Chính phủ. Cử tri ở nhiều địa phương phản ánh, do có nhiều quy định chưa thật sự phù hợp nên các hộ nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác vẫn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ cụ thể. Bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất mua máy móc thiết bị.
Theo phản ánh của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam thì chỉ có dưới 10% các hội viên, tổ chức thành viên của các tổ chức này có nhu cầu đã được vay từ các nguồn vốn kích cầu.
Nhu cầu của phần lớn các hộ nông dân muốn được hỗ trợ để có vốn lưu động sản suất, trong khi quy định phải trả hết nợ cũ mới được vay mới, do đó nhiều người không đủ điều kiện để được vay nguồn vốn ưu đãi này, cử tri bày tỏ.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng cải tiến hơn nữa các quy định nhằm đơn giản các thủ tục vay vốn nhất là đối với khu vực nông thôn và kéo dài thời hạn cho vay ưu đãi đến hết năm 2010. Đồng thời cần tiếp tục có những cơ chế khuyến khích phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp mới thực hiện các dự án có hiệu quả, tạo nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, khu vực các huyện nghèo nhất nước.
Liên quan đến nguồn vốn kích cầu, tại kỳ họp trước, cử tri cũng đã kiến nghị Chính phủ nên mở rộng hơn nữa đối tượng được vay, tăng thời hạn được hỗ trợ lãi suất để có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chống tham nhũnghiệu quả chưa cao
Một trong những lo lắng của cử tri là các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao, nhất là các lĩnh vực đầu tư từ ngân sách, từ nguồn vốn nước ngoài thủ tục còn rườm rà dễ phát sinh tham nhũng. Đông đảo cử tri cho rằng, một số quy định về quản lý, sử dụng đất đai, về chi tiêu ngân sách, mua sắm tài sản công... chưa sát hợp với thực tế và yêu cầu phòng ngừa tham nhũng. Cạnh đó, một số vụ tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân nhưng chậm được giải quyết, chưa phát huy được sức mạnh toàn dân trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Kiến nghị của cử tri ở lĩnh vực này là Quốc hội và Chính phủ cần ban hành các quy định chặt chẽ và có tính minh bạch cao đối với một số lĩnh vực như đầu tư, xây dựng cơ bản, quy hoạch sử dụng đất, đấu thầu, chi tiêu ngân sách, thuế... để phòng ngừa tham nhũng.
Cũng như ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến của cử tri đề nghị Chính phủ nên trình bày báo cáo về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại các kỳ họp Quốc hội; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ án tham nhũng lớn và đưa tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân theo dõi, giám sát.
Bức xúc ô nhiễm môi trường
Luôn là vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội, song theo đánh giá của cử tri, việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường rất chậm trễ. Nhiều cử tri băn khoăn, lo lắng về sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng đối với sông Tiền, sông Hậu do có quá nhiều bè nuôi cá trên sông và các cơ sở sản xuất vẫn hàng ngày xả chất thải chưa qua xử lý xuống các dòng sông. Hay việc một số địa phương ở miền Trung khai thác cát trắng, quặng titan ảnh hưởng đến rừng phòng hộ ven biển; việc đề xuất khai thác than tại khu vực đồng bằng Hồng...
“Chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức” là nhận xét của cử tri về quản lý thị trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn bày bán công khai gây hậu quả xấu cho người tiêu dùng.
Vấn đề lao động, việc làm cũng khiến cử tri lo lắng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hồi đất nông nghiệp, lâm nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf nhiều nơi chưa hợp lý; quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; việc đền bù, tái định cư chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đó người nông dân bị thu hồi đất phần lớn chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo nhưng rất hình thức, chất lượng tay nghề không cao nên rất khó kiếm được việc làm dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh những vấn đề trên, tình trạng nhiều cơ quan, doanh nghiệp của Nhà nước quản lý và sử dụng đất đai, nhà xưởng, kho bãi không đúng mục đích gây lãng phí nghiêm trọng tại các đô thị, nhất là tại Tp.HCM và Hà Nội cũng gây nhiều bức xúc cho nhân dân.
Cùng với những vấn đề nêu trên, cử tri và nhân dân tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm chỉ đạo giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm kiến nghị tại các kỳ họp trước như trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; trong việc tổ chức thu mua lúa đảm bảo cho người nông dân không bị thiệt thòi; về chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong, cán bộ các hợp tác xã trước đây; chế độ đối với cán bộ ở cơ sở; cải cách thủ tục hành chính và nâng cao ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.
(Theo Nguyễn Lê // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com