Việc đánh thuế giá trị gia tăng 10% đối với ngoại tệ nhập khẩu chỉ là nhầm lẫn về từ ngữ trong văn bản hướng dẫn.
Ngày 17/1, một số ngân hàng thương mại đã có phản ánh về việc nguồn ngoại tệ nhập về của họ, chủ yếu dùng chi trả kiều hối, bị xét đánh thuế giá trị gia tăng 10%.
Theo phản ánh từ phía ngân hàng, chính sách thuế trên được thực hiện theo Thông tư số 131/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.
Về trường hợp trên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại hoài nghi rằng đó là một chính sách lớn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động các ngân hàng thương mại và chính sách tỷ giá…
“Với chính sách đó, các ngân hàng sẽ phải là những người biết đến đầu tiên để chủ động thực hiện. Nhưng theo như phản ánh thì tôi thấy bất ngờ. Mặt khác, từ trước tới nay ngoại tệ nhập khẩu không bị đánh thuế giá trị gia tăng, nhất là với nguồn kiều hồi mà chúng ta đang khuyến khích”, lãnh đạo ngân hàng trên nói.
Trao đổi với VnEconomy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, sau khi có phản ánh trên, ông cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh. Nguyên do là cơ quan hải quan có đề nghị hướng dẫn thêm về một chi tiết có thể gây nhầm lẫn trong danh mục hàng hóa của Thông tư 131.
“Hiện chưa có trường hợp nào bị thu thuế liên quan đến vấn đề trên. Sự việc chỉ là hướng dẫn về chính sách thuế giữa giấy bạc với giấy để in bạc (tiền – PV) và phía Bộ Tài chính có thể sẽ điều chỉnh lại”, Thống đốc cho biết.
Cụ thể, trong Danh mục hàng hóa của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi chịu thuế giá trị gia tăng thuộc Thông tư số 131/2008/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 26/12/2008, có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 hướng dẫn nhóm hàng 49.07, gồm “các loại tem thư, tem thuế hoặc tem tương tự hiện hành hoặc mới phát hành, chưa sử dụng tại nước mà chúng có, hoặc sẽ có giá trị bề mặt được công nhận; giấy có dấu tem sẵn; các loại giấy bạc (tiền giấy); mẫu séc, chứng khoán, cổ phiếu, chứng chỉ trái phiếu và các loại tương tự”, có thuế suất là 10%.
Trong đó, mặt hàng “các loại giấy bạc (tiền giấy)” có thể gây hiểu nhầm từ phía cơ quan hải quan và các ngân hàng thương mại giữa giấy để in tiền và tiền.
Từ trường hợp trên có thể Bộ Tài chính cũng sẽ phải giải thích cụ thể hơn các mặt hàng có thể gây hiểu nhầm tương tự như “chứng khoán”, “cổ phiếu”, “chứng chỉ trái phiếu”.
Tuy nhiên, nếu đặt trong bố cục của Thông tư, theo các khoản mục thì có thể nhận thấy nhóm hàng trên được đặt trong mục hướng dẫn khá cụ thể với Chương 49: “Sách, báo, tranh ảnh và các sản phẩm khác của công nghiệp in; các loại bản thảo viết bằng tay, đánh máy và sơ đồ”.
Về chi tiết gây nhầm lẫn trên, ngày 17/1, Bộ Tài chính đã có công văn hỏa tốc gửi các đơn vị hải quan giải thích cụ thể và không có trường hợp nào bị đánh thuế.