Khoản hoàn nhập dự phòng phải coi là một khoản thu nhập khác nên phải chịu mức thuế suất phổ thông là 25%. Ảnh: Đức Thanh |
Các khoản dự phòng thông thường bao gồm: (i) dự phòng giảm giá hàng tồn kho; (ii) tổn thất các khoản đầu tư tài chính; (iii) nợ khó đòi; (iv) bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp tại doanh nghiệp.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), các chi phí liên quan tới việc trích lập và sử dụng các khoản dự phòng trên, nếu tuân theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, sẽ được ghi nhận là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Việc thiếu quy định rõ ràng về vấn đề trích lập và sử dụng các khoản dự phòng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi xác định các chi phí được trừ cho mục đích tính thuế TNDN phải nộp hàng năm, cũng như khó khăn cho nhà đầu tư khi xem xét lợi nhuận của doanh nghiệp trước khi đưa ra một quyết định đầu tư cụ thể.
Kể từ ngày 1/4/2006, chế độ trích lập các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp tại doanh nghiệp được quy định tại Thông tư số 13/2006/TT-BTC ngày 27/2/2006.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển theo hướng ngày càng đa dạng hóa của nền kinh tế quốc dân, cũng như việc đưa ra nhiều chính sách mới trong lĩnh vực thuế và kế toán, thông tư này vẫn còn những điểm bất cập và thiếu nhất quán với các quy định hiện hành. Điều này đã dẫn đến không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định trong lĩnh vực thuế và kế toán, bao gồm cả việc xác đinh các chi phí được trừ khi tính thuế.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009, thay thế Thông tư 13 về việc trích lập và sử dụng các khoản dự phòng trên. Thông tư 228 có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho việc trích lập các khoản dự phòng của doanh nghiệp từ năm 2009.
So với Thông tư 13, đối tượng áp dụng trong Thông tư 228 không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, mà được mở rộng ra tất cả các tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thông tư 228 cũng quy định rõ việc trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng. Việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán của các tổ chức đăng ký hoạt động kinh doanh chứng khoán sẽ tuân theo hướng dẫn riêng.
Đối với các hạng mục chứng khoán đầu tư, Thông tư 13 không đưa ra những quy định chi tiết trong việc xác định giá thị trường của các khoản mục này. Điều này dẫn tới việc thiếu tính nhất quán trong việc lập dự phòng giảm giá tương ứng và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp điều chỉnh khoản dự phòng này theo hướng có lợi cho mình.
Không những gây ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận cũng như giá trị thuần của khoản chứng khoán đầu tư cho mục đích kế toán, việc thiếu cơ sở pháp lý trong nghiệp vụ này còn đem lại không ít khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như cơ quan thuế khi xác định khoản chi phí dự phòng được trừ cho mục đính tính thuế TNDN.
Để khắc phục vấn đề này, Thông tư 228 đã đưa ra quy định chi tiết về việc xác định giá thị trường của các chứng khoán này, cụ thể như sau:
- Với chứng khoán đã niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) là giá giao dịch bình quân tại ngày trích lập dự phòng; với chứng khoán niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) là giá đóng cửa tại ngày trích lập dự phòng;
- Với chứng khoán chưa niêm yết, đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) là giá giao dịch bình quân trên hệ thống tại ngày trích lập dự phòng;
- Với chứng khoán chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM thì giá chứng khoán được xác định là giá trung bình trên cơ sở giá giao dịch được cung cấp bởi 3 công ty chứng khoán tại thời điểm lập dự phòng.
Đối với khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi, Thông tư 228 quy định trích lập đối với các khoản nợ quá hạn từ 6 tháng trở lên (3 tháng theo Thông tư 13) và cho phép trích lập 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên, thay cho việc coi đây là nợ không có khả năng thu hồi và phải có biên bản xử lý của Hội đồng xử lý nợ của doanh nghiệp như quy định tại Thông tư 13. Thông tư 228 quy định việc theo dõi các khoản nợ phải thu đã có quyết định xử lý trong thời hạn từ 10 - 15 năm, thay cho khoảng thời gian tối thiểu là 5 năm tại Thông tư 13.
Thông tư 228 cũng tách biệt giữa bảo hành sản phẩm, hàng hóa và công trình xây lắp, theo đó doanh nghiệp không được trích lập quá 5% trên tổng doanh thu tiêu thụ đối với sản phẩm, hàng hóa hay 5% tổng giá trị công trình đối với công trình xây lắp. Khoản dự phòng được hạch toán vào chi phí bán hàng (đối với dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa) hoặc sản xuất chung (đối với dự phòng bảo hành công trình xây lắp).
Một trong những điểm khác biệt chính giữa Thông tư 228 và Thông tư 13 là khoản hoàn nhập dự phòng được chuyển từ hạch toán vào thu nhập khác sang việc ghi giảm các khoản mục chi phí chịu ảnh hưởng bởi bút toán trích lập dự phòng đối với các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm hàng hóa.
Việc ghi giảm các chi phí tương ứng khi thực hiện hoàn nhập dự phòng này cho phép doanh nghiệp thể hiện trên báo cáo tài chính của mình thu nhập “thực”, mà không bao gồm thu nhập ghi nhận từ bút toán hoàn nhập, thường được thực hiện trong kỳ kế toán ngay tiếp theo kỳ kế toán thực hiện trích lập khoản dự phòng tương ứng.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn hiện hành, khoản hoàn nhập dự phòng phải coi là một khoản thu nhập khác. Như vậy, có rủi ro rằng, khoản hoàn nhập dự phòng sẽ không được áp dụng mức thuế suất ưu đãi của doanh nghiệp (nếu có), mà sẽ phải chịu mức thuế suất phổ thông là 25%.
(Theo Kiều Hoài Nam // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com