Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi công ty chứng khoán mở sàn giao dịch vàng


Rủi ro cao nhất đối với việc công ty chứng khoán mở sàn giao dịch vàng là những vấn đề về pháp lý, khi chưa có qui định cụ thể nào về nghiệp vụ này.
 
 
Trước tình trạng thị trường chứng khoán ảm đạm, thị trường bất động sản chưa hồi phục, trong khi thị trường vàng đang trở nên hấp dẫn, một số công ty chứng khoán đã tranh thủ mở sàn giao dịch vàng để có thêm nguồn thu.

Tuy nhiên, các hoạt động mở sàn này nếu không có những biện pháp quản lý sớm có thể gây ra những rủi ro không lường trước cho thị trường.

Theo ông Trần Quốc Cường, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh - Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC), việc một số các công ty chứng khoán mở sàn giao dịch vàng là do một số nguyên nhân như thị trường giao dịch cổ phiếu niêm yết trong thời gian vừa qua không còn sôi động như trước, dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư mới không tham gia thị trường và các nhà đầu tư cũ giao dịch cầm chừng, cộng với việc các công ty chứng khoán mới đua nhau thành lập và đi vào hoạt động, nên doanh thu môi giới không đủ bù đắp chi phí đầu tư ban đầu.

Thị trường chứng khoán ngày càng kém thanh khoản trên cả sàn niêm yết lẫn OTC. Cạnh tranh về môi giới chứng khoán ngày càng khốc liệt với mức phí của một số công ty chứng khoán mới gần như cho không.

Rủi ro pháp lý

Ông Cường cho rằng, một khi kinh doanh chứng khoán trì trệ, trong khi thị trường vàng có nhiều biến động thì việc kinh doanh vàng trở nên hấp dẫn hơn.

Do vậy, các công ty chứng khoán tận dụng các điều kiện cơ sở vật chất và nhân sự sẵn có, liên kết với các đơn vị có chức năng, mở sàn giao dịch để tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở sàn vàng ngày càng nhiều. Giao dịch vàng và giao dịch chứng khoán có tính tương đồng vì đều là những kênh đầu tư.

Chính vì vậy các công ty chứng khoán tin rằng khi mở sàn giao dịch vàng cũng là giúp cho các nhà đầu tư và như thế tiền không chạy đi đâu cả nếu người ta rút ra khỏi chứng khoán thì tiền cũng chảy vào vàng.

Hơn nữa, khi thị trường chứng khoán có những khó khăn thì nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư khác và vàng với người Việt Nam từ trước đến nay vẫn có yếu tố văn hóa giữ vàng.

Ngoài ra, về quy trình nghiệp vụ, giao dịch vàng và giao dịch chứng khoán cũng có những điểm tương đồng, các công ty chứng khoán có thể tận dụng được hạ tầng sẵn có của mình cùng với các phần mềm bổ sung và sự hợp tác với ngân hàng và các công ty kinh doanh vàng để tạo ra sân chơi.

Tuy nhiên, xét về góc độ pháp lý thì hoạt động này chưa có khuôn khổ pháp lý chi tiết giống chứng khoán để kiểm soát thị trường.

Theo ông Cường, tất cả các giao dịch mua bán đều phải qua sàn (chợ) thì tính minh bạch mới tốt, cũng như tránh các thiệt thòi cho nhà đầu tư và định giá đúng giá trị của hàng hóa. Tuy nhiên, tham gia vào các giao dịch mua bán không chỉ có người bán và người mua, mà còn có các môi giới OTC nên không thể tránh khỏi việc đổ bể nếu có cùng tập trung ở khâu này.

“Với cách thức giao dịch như trên, phía ngân hàng có thể gặp rủi ro khi không thể ngăn chặn và kiểm soát tình trạng môi giới tranh chấp với các nhà đầu tư hoặc gần đây cũng xảy ra tình huống lừa đảo giấy biên nhận hoặc làm giá giữa các môi giới với nhau”, ông nói.

Rủi ro cao nhất đối với việc công ty chứng khoán mở sàn giao dịch vàng là những vấn đề về pháp lý, khi chưa có qui định cụ thể nào về nghiệp vụ này.

“Vấn đề đặt ra là liệu quan hệ hợp tác giữa ngân hàng có giấy phép kinh doanh vàng và công ty chứng khoán có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra với các nhà đầu tư, liên quan đến các rủi ro trong quá trình giao dịch hay không”, ông Cường nói.

Việc các ngân hàng tham gia tạo thanh khoản cho cổ phiếu hay công ty chứng khoán mở sàn vàng, nhà nước cũng thu hút được phí, thêm việc làm cho xã hội. Nhưng theo ông Cường, việc phát triển nhanh quá mà chưa có các cơ sở pháp lý đi kèm, cũng như nhận thức của nhà đầu tư chưa hiểu rõ, cũng có thể gây không tốt cho thị trường.

Nhà đầu tư cần nghiên cứu đầy đủ, và tìm hiểu kỹ càng trước khi tham gia vào giao dịch.

Còn ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cảnh báo rằng, các hoạt động này nếu không có những quy định hướng dẫn cụ thể để quản lý chặt chẽ hơn và đưa dần lĩnh vực này quản lý theo khuôn khổ pháp lý có thể dẫn đến đổ bể.

Chưa xác định cơ quan quản lý

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, việc ban hành quy chế tạo khung pháp lý cho hoạt động của sàn vàng là cần thiết. Ngoài việc phải tham khảo kinh nghiệm ở một số nước và tình hình thực tiễn Việt Nam, quy chế mới sẽ giúp nhà đầu tư trong việc “chọn mặt gửi vàng”, và đưa các sàn hoạt động có hệ thống và chuyên nghiệp hơn.

Những quy định sẽ không quá chặt chẽ vì hiện tại đầu tư vào lĩnh vực này vốn được xem là cứu cánh khi thị trường chứng khoán sụt giảm. Vàng cũng là kênh thu hút và bảo toàn nguồn vốn gián tiếp có hiệu quả.

Cũng theo ông Khánh, với việc Trung tâm Giao dịch vàng Việt Nam (Sàn giao dịch vàng Vina VJC) của Công ty Cổ phần Vina VJC đi vào hoạt động tại Tp.HCM ngày 22/12, tính đến thời điểm này đã có 10 sàn giao dịch vàng đi vào hoạt động.

“Hoạt động của các sàn cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng, công ty tài chính vẫn ráo riết mở loại hình kinh doanh này”, ông nói.

Thế nhưng đến nay chiếu theo các quy định hiện hành thì chưa thể xác định cơ quan nào có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động của sàn vàng. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm về thị trường ngoại hối còn Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về thị trường hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện chưa có quy định cụ thể nên cơ quan cấp phép cho loại hình hoạt động này là các sở kế hoạch và đầu tư.

Tuy nhiên, ông Giàu cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định thành lập ban soạn thảo quy chế sàn giao dịch vàng. Cơ quan này sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị khác để sớm có khung pháp lý cho loại hình hoạt động kinh doanh sàn vàng.

(Theo báo vneconomy)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
  • Đối thoại chính sách thuế và hải quan với doanh nghiệp
  • Các doanh nghiệp mong muốn hạ lãi suất khoản vay
  • Giúp doanh nghiệp xử lý nợ đọng
  • “Cân đong” các nguồn vốn cho gói kích cầu
  • Tiếp nhận hơn 3,4 triệu USD từ các tổ chức phi chính phủ
  • Các khoản vay bị tác động do khủng hoảng kinh tế sẽ được "hoãn" trả nợ
  • Ngành bảo hiểm: “Năm 2009 không dễ dự báo”
  • Nguy cơ khó khăn của Ngân hàng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!