*Miễn phí cấp visa cho khách du lịch nước ngoài
Khách nước ngoài tới Việt Nam theo chương trình kích cầu của Tổng cục Du lịch trong thời gian từ nay đến cuối năm sẽ được xem xét miễn lệ phí cấp visa.
Chương trình này vừa được Tổng cục Du lịch công bố theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Đối tượng áp dụng miễn lệ phí là công dân tất cả các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam theo các tour du lịch, không giới hạn số lượng người mỗi tour.
Việc miễn lệ phí thị thực nhập cảnh (visa) cũng được áp dụng cho các tour vào Việt Nam bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tự lái. Thời gian áp dụng đối với tất cả các loại hình nêu trên là từ tháng 10 đến hết tháng 12 năm nay.
Để tham gia chương trình này, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải đảm bảo 2 điều kiện: có đăng ký với Tổng cục du lịch và được công bố tên trên website chương trình du lịch kích cầu “Việt Nam - Điểm đến của bạn” do Tổng cục tổ chức.
*Phiên giao dịch ngày 12/10/2010: Vn-Index giảm 5 điểm xuống 454,32 điểm
Đầu ngày, Vn-Index vẫn dao động quanh mức 460 điểm. Tuy nhiên, từ 9h15 đến 10h, chỉ số bắt đầu giảm dần đều về mức 454 điểm. Sau đó, chỉ số dao động nhẹ quanh mức này cho đến khi đóng cửa.
Vn-Index chốt ngày tại 454,32 điểm, giảm 5 điểm (-1,09%) so với ngày 11/10.
Tại thời điểm đóng cửa, toàn thị trường có 30 mã tăng, 184 mã giảm và 52 mã đứng giá.
Trong bối cảnh thị trường không rõ xu hướng, việc nắm tiền mặt chờ có hội có nhiều ưu thế hơn việc nắm giữ cổ phiếu. Chính vì vậy mà sau nhiều phiên lình xình, bên bán đã có phần “nóng ruột” muốn bán ra để cơ cấu. Còn bên mua cũng chỉ mua thăm dò.
Tại sàn Hà Nội, HNX Index cũng có những biến động tương tự như Vn-Index.
Chỉ số chốt ngày tại 119,81 điểm, giảm 1,45 điểm (-1,2%) so với hôm 11/10.
Tại thời điểm đóng cửa, toàn thị trường có 238 mã giảm, 51 mã tăng và 55 mã đứng giá.
*Hà Nội: Năm 2010 thu nhập bình quân tăng 10 - 13% so với năm 2009
Sau 10 năm, mức thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội đã tăng 332%, và hiện cao hơn 64,8% so với mức trung bình cả nước.
Đây là một trong nhiều con số so sánh được đưa ra tại hội thảo “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, diễn ra tại Hà Nội mới đây.
Theo đó, nếu như năm 2000, GDP của Hà Nội mới đạt 39.944 tỷ đồng (chiếm 9,04 tổng GDP của cả nước) thì đến năm 2009 đã là 205.890 tỷ đồng (chiếm 12,41%).
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong “top” đầu cả nước, tốc độ tăng GDP dự báo cả năm 2010 đạt khoảng 8 - 8,5%, đưa tốc độ tăng trưởng trung bình thời kỳ 2006 - 2010 đạt khoảng 9,85% (cả nước 6,96%).
Giá trị công nghiệp vừa tăng tuyệt đối (từ 14.570 tỷ đồng lên 82.297 tỷ đồng), vừa tăng tương đối (từ 36,5% lên 41,3%). Ngành dịch vụ, tuy tỷ trọng có giảm nhẹ từ 53,1% năm 2000 xuống còn 52,4% năm 2009, nhưng giá trị tuyệt đối vẫn tăng lên 5 lần, từ 21.220 tỷ đồng lên 107.590 tỷ đồng.
*Việt - Nga hướng tới kim ngạch 10 tỷ USD
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga- Belarus- Kazakhstan được ký kết sẽ sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga chạm mốc 10 tỷ USD.
Hiện nay, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam là Nga còn rất hạn chế so với tiềm năng và mong muốn của hai nước. Theo dự báo con số này vào năm 2011 mới chỉ là 3 tỷ USD.
*Sản lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng trong tháng 9/2010đạt 352.000 tấn (tháng có mức đạt sản lượng cao nhất từ đầu năm đến nay), trong đó sản lượng hàng container đạt 7.225 teus. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm nay, cảng Đà Nẵng đã thực hiện sản lượng hàng thông qua cảng được 2,5 triệu tấn (tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó sản lượng container lũy kế 9 tháng đạt 62.859 teus (tăng 28,46% so với cùng kỳ năm 2009). Trong năm nay, cảng Đà Nẵng phấn đấu đạt mục tiêu tổng sản lượng thông qua 3,4 triệu tấn hàng hóa (trong đó, sản lượng hàng container là mặt hàng chiến lược đạt 85.000 teus).
*Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết lượng thép tiêu thụ của các doanhnghiệp sản xuất trong nửa đầu tháng 10-2010 tiếp tục ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 283.000 tấn, giảm đến 200.000 tấn so với tháng trước. Ông Nghi cho biết thêm lượng phôi thép chuẩn bị cho sản xuất xấp xỉ 600.000 tấn, đủ đáp ứng nhu cầu trong hai tháng tới với lượng thép tồn kho ước khoảng 320.000 tấn.
*Tỉnh Bình Thuận có ngư trường thuận lợigiàu nguồn lợi thủy sản nhất nước ta, cho phép khai thác hải sản các loại ở vùng biển từ độ sâu 50 m trở vào bờ có thể đạt hơn 120 tấn/năm. Hầu hết các loại thuyền có công suất 20 cv trở lên đều được trang bị máy thông tin vô tuyến với tầm hoạt động từ 30-40 hải lý và có 1.228 tàu cá được trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa. Sản lượng hải sản khai thác của tỉnh trong năm 2010 ước đạt 170.000 tấn.
*Đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu
12 mặt hàng trọng yếu sẽ được đảm bảo cân đối cung cầu trong những tháng cuối năm là lương thực, thực phẩm, thép xây dựng, đường, phân bón, thức ăn chăn nuôi , xăng dầu, giấy, than, thuốc chữa bệnh, riêng hai mặt hàng là xi măng và muối ăn đang trong tình trạng dư thừa.
Các tháng cuối năm là thời điểm thị trường hàng hóa có nhiều biến động với các nhân tố ảnh hưởng như: kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng, tiêu thụ hàng hóa có xu hướng tăng cao trong quý IV, tình hình thời tiết dịch bệnh diễn biến phức tạp…Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, tại nhiều địa phương nguồn cung hàng hóa đã và đang được chuẩn bị tốt, một số thành phố lớn đang tích cực triển khai các chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, cung cầu vật tư nguyên liệu cho sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu tiếp tục được đảm bảo.
*Miễn tiền thuê đất xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô
Kể từ ngày 10/11/2010, sẽ miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất thực hiện dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô; xây dựng kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ càphê theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có sản lượng thóc đạt gần 20 triệu tấn/năm, chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu, nhưng tổng công suất kho chứa hiện có của khu vực này chỉ khoảng 1,5 triệu tấn, chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu dự trữ thóc.
* 121 tấn hóa chất hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh thủy sản
Bộ NN&PTNT đang xuất cấp (không thu tiền) 121 tấn hóa chất Chlorine thuộc hàng dự trữ quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ 8 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Cà Mau và Vĩnh Long phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Theo Bộ NN&PTNT, do thời tiết có nhiều biến động, môi trường nuôi chưa bảo đảm, việc kiểm soát chất lượng con giống chưa chặt chẽ và người nuôi chưa có thói quen thông báo dịch bệnh cho cơ quan chức năng nên từ đầu năm tới nay, ở nhiều địa phương, dịch bệnh diễn biến khá phức tạp khiến cá và các loài thủy sản khác chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com