Kinh tế trong nước tuần qua nóng lên với sự kiện giá vàng và USD đều leo thang mạnh. Diễn biến lãi suất sau 1 tuần Thông tư 13 chính thức có hiệu lực theo chiều hướng khá tích cực. Lũ lụt ở một số tỉnh Miền trung cũng là một sự kiện đáng chú ý trong tuần.
Giá vàng trong tuần tiếp tục tăng mạnh so với tuần trước. Trên thế giới giá vàng đã tăng vọt lên 1,364 USD/oz vào ngày 07/10 từ mức 1,315 vào cuối tuần trước. Dù vậy, giá vàng đã hạ nhiệt xuống còn 1,330 USD/oz vào ngày cuối tuần khi đồng USD lên giá. Việc tăng mạnh này là do nhà đầu tư có quan ngại về việc ngân hàng trung ương các nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong nước giá vàng tăng vọt lên 33 triệu đồng/lượng vào ngày thứ 5 nhưng sau đó giảm nhẹ cùng với giá thế giới. Giá vàng trong nước tăng lên mạnh mẽ nhưng hoạt động mua bán không diễn ra sôi động như những đợt tăng giá trước đây. Tuy vậy, trước áp lực giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, NHNN buộc phải cấp phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng trở lại để giảm bớt áp lực.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do cũng tăng mạnh. So với cuối tuần trước, tỷ giá trên thị trường tự do tăng thêm 200 VND/USD lên mức 19,900 VND/USD. Trên thị trường chính thức các ngân hàng vẫn mua bán với mức tỷ giá trần 19,500 VND/USD. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của đợt biến động tỷ giá mạnh trong tuần là do hoạt động gom USD để nhập khẩu vàng khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới. Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng đã tác động mạnh đến sự biến động tỷ giá. Thêm vào đó, không ít người lo ngại NHNN buộc phải tiếp túc điều chỉnh tỷ giá trước áp lực lớn của thâm hụt thương mại.
Trái với những căng thẳng tỷ giá ở thị trường chợ đen, theo thông tin từ NHNN vào sáng ngày 08/10 cho biết là trong quý 3/2010, NHNN tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng để tăng dự trữ. Tuy nhiên, số tiền cụ thể NHNN không tiết lộ.
Như các nhận định trước đây của chúng tôi cho rằng tỷ giá đang chịu sức ép mạnh bởi các yếu tố tâm lý. Trong những tháng còn lại năm 2010 áp lực tỷ giá vẫn còn khá mạnh khi chu kỳ nhập khẩu cuối năm thường tăng cao. Ngoài ra, áp lực trả nợ nước ngoài và trả nợ bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước cũng khiến cho tỷ giá chịu thêm sức ép.
Trong những tháng cuối năm hệ thống tài chính tiếp tục chịu nhiều sức ép khi không ít ngân hàng phải chật vật với việc tăng vốn, không những vậy áp lực từ Thông tư 13 cũng sẽ làm tăng thêm chi phí vốn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tiếp tục kỳ vọng lãi suất có thể giảm hoặc ít ra là không tăng cao hơn so với thời điểm hiện nay.
Tín dụng tháng 9 tăng 2.78%, cung tiền M2 cũng tăng gần 3%, điều này cho thấy NHNN và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực cung ứng tiền ra thị trường để giảm lãi suất cho vay. Thực tế lãi suất trên thị trường vẫn giảm không đáng kể, lãi suất cho vay phổ biến ở mức khá cao so với lạm phát và so với những năm trước đó.
Tính trong 9 tháng tăng trưởng tín dụng đạt 19.5%, như vậy ”room” tín dụng theo mục tiêu của NHNN còn lại hơn 5% cho 3 tháng. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ của NHNN trong những tháng tới vẫn hướng vào ổn định kinh tế vĩ mô hơn là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Điều này càng có cơ sở khi mà áp lực lạm phát tăng khá mạnh trong những tháng cuối năm
Nguyên nhân của việc lãi suất và lạm phát luôn ở mức cao là do nền kinh tế sử dụng đồng vốn kém hiệu quả. Trong 9 tháng đầu tư trong nền kinh tế tương đương 44.19% GDP, tuy nhiên tăng trưởng GDP chỉ là 6.52%. Thêm vào đó, trong 9 tháng đầu năm Chính phủ cũng đã huy động 27 nghìn tỷ thông qua phát hành trái phiếu trên thị trường. Những đợt phát hành này đã ”hút” một phần tín dụng khá lớn của nền kinh tế gây áp lực lên lãi suất.
Như vậy, thị trường tiền tệ không những chịu sức ép bởi một số quy định mới đối với ngân hàng mà còn xuất phát từ chính cấu trúc nội tại của nền kinh tế. Lãi suất trong những tháng cuối năm khó giảm mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ giảm nhẹ khi các yếu tố khác vĩ mô dần ổn định.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com