Trong vòng 2 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản từ mức 14%/năm xuống còn 10%/năm. Theo đó, mức lãi suất trần hiện nay giảm xuống còn 15%. Tuy thế, nhiều DN vẫn cho rằng, mức lãi suất này còn quá cao so với các nước trong khu vực, sẽ làm cho sản xuất công nghiệp Việt Nam kém tính cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Nên giảm lãi suất trần còn 8%-10%
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết doanh nghiệp (DN) đều cho rằng, nhìn chung việc áp dụng mức lãi suất cơ bản 10%/năm kể từ ngày 5-12 là một trong những dấu hiệu tích cực đối với các DN. Tuy vậy, theo ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Sadaco, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) thì “Vẫn chưa ăn thua gì! Cần phải giảm lãi suất cơ bản xuống mạnh hơn nữa để kéo lãi suất trần giảm xuống chỉ còn khoảng 8%-10% là vừa”.
Ông Mạnh phân tích, hiện nay lợi nhuận thực của ngành chế biến gỗ chỉ ở mức dưới 10%, trong khi lãi suất lên tới 15% thì dù các DN có vay được vốn cũng không thể nào “nuôi” nổi ngân hàng! Ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) cũng cho rằng, với những DN sản xuất công nghiệp thì đây là mức lãi quá cao.
Theo tính toán của ông: “Lãi suất trần cần phải được kéo xuống dưới 10%! Đặt giả thiết, mức lãi còn 10% thì vẫn đang cao gấp đôi so với Thái Lan và Malaysia và cao hơn gấp nhiều lần so với Mỹ… Chịu mức lãi suất cao cũng đồng nghĩa, các DN phải nâng giá thành sản phẩm và dĩ nhiên các sản phẩm xuất khẩu của VN giảm tính cạnh tranh so với các nước”.
Đại diện một DN ngành viễn thông cho biết, vào thời điểm lãi suất cơ bản hạ xuống còn 14% và lãi suất trần từ 21% xuống còn 19% thì DN này buộc phải vay vốn để hoàn thiện việc xây dựng trụ sở công ty. Trên thực tế, khi làm thủ tục xong, nhân viên thông báo lãi suất mà công ty này phải trả cho ngân hàng đến 20,5%/năm (lãi suất 19% + 1,5% phí quản lý tài sản thế chấp).
“Biết rõ là bị bắt chẹt nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận! Do vậy, lần này lãi suất giảm còn 15% (dù vẫn còn rất cao) nhưng tôi không hy vọng có thể vay được vì các ngân hàng có đủ lý do để tận thu DN!” – giám đốc DN này nói.
Tiếp tục cắt giảm sản xuất, đầu tư
Ông Lê Văn Trí cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của Casumina vẫn tăng 30% so với cùng kỳ năm 2007, nhưng đến 9 tháng giảm xuống chỉ còn 15% và những tháng gần đây bị âm! Theo dự kiến, doanh thu năm 2008 sẽ tăng hơn 10% nhưng nếu trừ vào khoản tăng giá sản phẩm (do giá nguyên liệu thế giới tăng vọt vào đầu năm) thì doanh thu năm nay không tăng.
Theo ông Trí, vấn đề chính không phải là công ty không ký kết được hợp đồng, cũng không phải vì không vay được vốn mà cái chính là vay vốn với lãi suất quá cao thì dù DN có giỏi tính toán cỡ nào cũng chào thua! Để duy trì hoạt động, không còn cách nào khác, Casumina phải liên tục điều chỉnh tốc độ tăng trưởng thông qua việc cắt giảm sản xuất. Đối với các hợp đồng đã ký kết, Casumina cũng đề nghị các đối tác phải thanh toán sớm để có thể quay vòng đồng vốn nhanh hơn.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Saigon Co.op (SCID) cũng cho rằng, thời điểm VN mở cửa thị trường bán lẻ đã rất gần kề nên vấn đề trọng tâm đặt ra hiện nay là phải chạy đua, phát triển mạnh về số lượng siêu thị. Thế nhưng, điều này không có nghĩa SCID sẽ đầu tư xây dựng bằng mọi giá. Nếu không cân đối và huy động các nguồn vốn bằng nhiều cách mà đi vay ngân hàng để đầu tư thì chắc chắn kinh doanh sẽ không thể có lãi.
Chỉ còn 1 tháng nữa là bước vào cao điểm mua sắm cuối năm nhưng hầu hết siêu thị vẫn chưa làm xong kế hoạch dự trữ hàng tết. Điều này đi ngược với thông lệ, đó là kế hoạch tết thường được gút vào đầu quý 4. “Chúng tôi không thể chuẩn bị lượng hàng dự trữ trong điều kiện lãi suất ngân hàng đang cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ các nhà cung cấp chiết khấu cho nhà phân phối” – đại diện một hệ thống siêu thị cho biết.
Ông Trần Quốc Mạnh lo lắng, số hội viên của Hawa đang đứng trước bờ vực phá sản ngày càng tăng. Để cứu vãn tình hình, nhiều DN chấp nhận vay vốn lãi suất cao nhưng điều này vẫn ngoài tầm với của họ. Lý do chính, để vay được vốn, các ngân hàng đòi hỏi DN phải thực hiện thế chấp. “Các DN có điều kiện và tài sản để thế chấp nghĩa là họ vẫn còn có thể “sống” tốt.
Còn với những DN đang kiệt quệ thì họ lấy đâu ra tài sản để thế chấp. Vì vậy, biện pháp khả thi nhất là các ngân hàng nên thông qua các hiệp hội ngành hàng từ đó cho DN vay vốn theo dạng tín chấp. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển nên đứng ra để làm việc này. Theo đó, Nhà nước nên sớm thành lập quỹ trợ vốn cho DN nhỏ và vừa” – ông Mạnh đề xuất.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành cũng đề xuất, các DN nhỏ và vừa là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Do vậy, Chính phủ cần tính đến việc hỗ trợ vốn lãi suất thấp nhất (cũng có thể bằng 0%), điều kiện cho vay dễ dàng và thông thoáng hơn.
(Theo báo Sài gòn giải phóng )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com