Cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu với quy mô chưa từng thấy chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới VN. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là khu vực kinh tế như nhận định của nhóm cộng tác thị trường vốn.
Thị trường tài chính tuy không phải là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất, nhưng TTCK VN, trong ngắn hạn có khả năng sẽ gặp rủi ro và không còn là nơi được lựa chọn ưu tiên đầu tư.
CK VN: Chỉ khó khăn trong ngắn hạn
Đây là nhận định của Nhóm công tác thị trường vốn tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2008, hôm 1.12 vừa qua.
Lý do là quá trình giảm thiểu đòn bẩy tài chính đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, hoạt động bán các danh mục đầu tư, đặc biệt tại các thị trường mới nổi đang diễn ra, nguồn vốn được tập trung và quay trở lại các thị trường phát triển.
Ngoài ra, một yếu tố khác tác động tới TTCK VN trong thời gian tới là sự cạnh tranh từ các thị trường tài chính Châu Á khác. Hiện, thị trường một số nước đang được đánh giá là rẻ hơn thị trường VN.
Trong khi CP trên thị trường niêm yết đang bị bán ra thì thị trường trái phiếu (TP) VN hiện chưa hấp dẫn. Ông Terence Mahony và Dominic Scriven cho rằng, nguyên nhân là do VN có quá nhiều loại TP, tổng giá trị phát hành mỗi loại TP lại không cao. Do đó, tính thanh khoản của thị trường giảm sút. Tín phiếu kho bạc do đấu giá không rộng rãi, nên các NĐTNN mặc dù muốn tham gia nhưng khó tiếp cận.
Quá trình CPH và phát hành CP ra công chúng, theo hai chuyên gia này, hiện nay không phải thời điểm hấp dẫn. Thêm vào đó, ông Terence Mahony và Dominic Scriven cùng cho rằng, việc định giá các DN khi CPH chưa cạnh tranh được so với các thị trường mới nổi khác.
Tập trung ổn định và phát triển thị trường
Đây được coi là giải pháp nhằm phục hồi sự hấp dẫn của thị trường vốn VN. Tuy nhiên, một thị trường mới nổi như VN, việc này sẽ khó hơn so với các thị trường lâu năm, biểu hiện ở xu hướng thay đổi đột ngột và quá mức. Mặc dù vậy, với lợi thế đang phát triển, suy giảm đầu tư sẽ được bù đắp trong thời gian tới.
TTCK VN cũng có một lợi thế là có độ tương quan thấp so với các thị trường mới nổi và thị trường phát triển. Lợi thế này nằm ở chỗ TTCK VN dựa vào nguồn lực nội. Tuy nhiên, hoạt động niêm yết CK ra nước ngoài, ở khía cạnh tiêu cực sẽ làm giảm khối lượng giao dịch tiềm năng, dịch chuyển luồng vốn sang nước khác. Mà luồng vốn này, bản thân VN cũng đang rất cần. Các NĐTNN khi đầu tư vào VN đều mong muốn nguồn vốn nằm ở nước sở tại hơn là đầu tư gián tiếp qua một nước thứ ba.
Theo đề xuất của nhóm với thị trường TP, nếu hợp nhất một số loại TP, giảm phát hành TP mới. Thay vào đó, phát hành bổ sung TP cũ với cùng thời gian đáo hạn và mức lãi suất.
Về việc định giá DN để đẩy nhanh tiến trình CPH - theo gợi ý của ông Terence Mahony và Dominic Scriven - việc định giá cần có các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp. Trong đó, các NĐT chiến lược có thể góp phần đưa ra cơ sở giúp giá sát với thực tế. Sau khi thỏa thuận được hoàn tất, có thể thực hiện việc chào bán ra công chúng với một tỉ lệ nhất định, với cùng một mức giá.
Bao trùm lên các vấn đề trên là việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý. Hai chuyên gia đề xuất, khi ban hành văn bản pháp luật mới ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích hợp pháp của NĐT đang được hưởng, thì cần quy định rõ cách giải quyết.
(Theo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com