Chỉ tiêu lạm phát trong năm 2009 không quá khó để đạt được, song vẫn rất cần sự thận trọng trong điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.
Có một sự đồng thuận khá lớn từ các chuyên gia về thị trường, giá cả, cho dù các chuyên gia này đang đứng về quan điểm nào - lo ngại tái lạm phát hay cho rằng chống suy giảm kinh tế mới là điều quan trọng - đó là không quá khó để kiềm chế lạm phát năm nay ở mức dưới 10%.
Thậm chí, theo quan điểm của ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc lạm phát năm 2009 ở mức một con số chính là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thoát khỏi suy thoái và khủng hoảng.
Cũng theo ông Ánh, quy luật của diễn biến giá cả đang quay trở lại, sau khi diễn biến khá bất thường trong năm 2008, khiến cả năm lạm phát tăng đột biến. Đó là giá cả có xu hướng tăng cao trong 2 tháng đầu năm do ảnh hưởng của tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán, sau đó giảm trong tháng 3 rồi đều đặn tăng đến tháng 7 trước khi tăng nhẹ hơn trong những tháng 8, 9, 10 và lại tăng cao trong 2 tháng cuối năm dưới áp lực cả chi tiêu dùng và đầu tư.
"Nếu tính quy luật được củng cố trong những tháng còn lại của 2009, thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm sẽ đứng ở mức giữa năm 2005 và 2006, ở mức 7% - đạt được mục tiêu lạm phát cả năm vừa được Quốc hội điều chỉnh", ông Ánh dự báo.
Trên thực tế, có một điều đáng mừng là, CPI trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,68% so với tháng 12/2008, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Bức tranh lạm phát trong 6 tháng đầu năm nay đã có một sự tương phản khá lớn so với mảng màu "nóng bỏng" của CPI 6 tháng đầu năm ngoái, với CPI tăng tới 18,44% so với tháng 12/2007.
Và đây chính là lý do khiến không ít chuyên gia cho rằng, năm 2009, lạm phát không phải là điều đáng lo, mà là sự suy giảm kinh tế.
Nhưng ngược lại, các yếu tố trong hiện tại cũng khiến không ít chuyên gia lo ngại về khả năng tái lạm phát. Diễn biến chỉ số CPI trong 6 tháng đầu năm cho thấy, ngoại trừ tháng 3, tốc độ tăng CPI của tháng sau luôn cao hơn tháng trước và có xu hướng tăng nhanh. CPI của cả nước so với tháng 12/2008 lần lượt trong 6 tháng qua tăng từ mức 0,32% lến 1,49%; 1,32%; 1,68%; 2,12% và 2,68%.
Bên cạnh đó, vì luôn có độ trễ nhất định, khoảng 3-6 tháng, nên điểm rơi của "vòng xoáy tăng giá" do thực hiện chính sách kích cầu, nới lỏng tiền tệ, cũng như việc tăng giá điện, nước, xăng dầu… có thể sẽ diễn ra trong quý III hoặc quý IV/2009. Hơn thế, không ít áp lực gây tăng giá trong những tháng cuối năm vẫn đang trong quá trình tích tụ.
Các áp lực gây tăng giá này, theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê), là do kinh tế thế giới đang dần phục hồi, kéo theo sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu; việc nới lỏng chính sách tiền tệ khiến tín dụng tăng trở lại; kim ngạch nhập khẩu bắt đầu tăng, đặc biệt là nhập khẩu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất, khiến nhập siêu có thể tăng trong những tháng cuối năm… Đây cũng là điều luôn được các chuyên gia nghiêng về quan điểm tái lạm phát nhắc tới trong thời gian qua.
Điều đáng quan tâm là, lạm phát trong năm nay có thể không quá khó để kiềm giữ ở mức dưới 10%, song câu trả lời cho năm 2010 lại không hề dễ dàng. Mối lo ngại cho sự bùng phát giá cả vào đầu năm tới là điều có thật, nếu không sớm có biện pháp đề phòng ngay từ bây giờ.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội cho rằng, nếu như năm ngoái, có cả 4 loại lạm phát được "hội tụ", thì năm nay gần như chỉ có lạm phát tiền tệ; lạm phát do cầu kéo hay chi phí đẩy là không đáng kể. Nếu đứng trên giác độ này, thì có thể khẳng định, chính sách tiền tệ chính là một trong những điểm trọng yếu cần quan tâm trong thời gian tới.
Có thể không cần thắt chặt mạnh mẽ như năm 2008, bởi mục tiêu hàng đầu trong điều hành kinh tế của Chính phủ trong năm nay vẫn là ngăn chặn suy giảm kinh tế, song vẫn rất cần sự thận trọng. Thận trọng và linh hoạt trong chính sách tiền tệ, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện gói kích cầu là yêu cầu hàng đầu trong bối cảnh hiện nay.
Trên một khía cạnh khác, cũng cần quan tâm vấn đề quản lý giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường. TS. Nguyễn Minh Phong đã rất có lý khi phát hiện ra không ít sự bất hợp lý của các động thái giá cả trên thị trường Việt Nam. Đó là nghịch lý giá sữa ngoại nhập, cơn sốt nóng trên thị trường chứng khoán và bất động sản, làn sóng tăng lãi suất ngân hàng…
Thậm chí, ngay cả việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian gần đây cũng được cho là thiếu sức thuyết phục. Nếu không kiểm soát tốt các thị trường này, nguy cơ tái lạm phát là điều không thể tránh.
Vấn đề là, một khi lạm phát quay trở lại, kể cả khi chỉ bùng phát vào đầu năm 2010, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới không chỉ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010, mà còn có thể ảnh hưởng cả tới mục tiêu cho các giai đoạn phát triển tiếp theo. Bởi một quy luật đã được chứng minh, đó là sau lạm phát cao, bao giờ cũng là sự suy giảm.
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com