Một số ngân hàng nước ngoài đang lo ngại trước quy định mới trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: Lê Toàn |
Các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đang rất lo lắng trước việc dự thảo mới nhất của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đặt ra những yêu cầu khó khăn liên quan đến giới hạn tổng mức dư nợ cấp tín dụng và vốn tự có của ngân hàng.
Dự thảo luật mới này quy định: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng”.
Theo quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được duy trì tổng mức dư nợ tín dụng với một khách hàng cũng như là với người liên quan của khách hàng dựa trên mức vốn tự có của ngân hàng nước ngoài ở chính quốc.
Ông Akihiro Saito, Tổng giám đốc chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng Mizuho Corporate (Nhật Bản) tại hội nghị hôm 29-6 diễn ra ở Hà Nội đã góp ý: ”Hiện tôi rất lo lắng vì theo Điều 128 của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng thì tổng mức dư nợ cấp tín dụng của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một khách hàng sẽ bị thay đổi. Chúng tôi xin đề nghị nên duy trì quy định hiện nay”.
Ông Saito nói rằng, nếu luật mới có các quy định như trên thì các chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải đứng trước hai lựa chọn, hoặc giảm tổng mức dư nợ đã cấp tín dụng đối với khách hàng hoặc phải tăng thêm vốn tự có của chi nhánh để duy trì tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng như hiện tại.
“Trong trường hợp không thể tăng thêm vốn tự có chi nhánh ngân hàng nước ngài sẽ phải cắt giảm rất nhiều tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng, và sẽ rất khó khăn trong việc cung cấp hạn mức tín dụng mới cho khách hàng. Điều này cũng sẽ đưa đến những ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Saito phân tích.
Mặt khác, vị đại diện cho ngân hàng Mizuho cũng cho rằng trong bối cảnh bất ổn về tài chính toàn cầu như hiện nay thì các tổ chức tín dụng đều phải hết sức thận trọng, việc tăng vốn tự có của chi nhánh là một quyết định lớn mà trên thực tế có thể coi là không thực hiện được.
“Tôi cho rằng thay đổi điều khoản này trong luật sẽ đưa tới những ảnh hưởng tiêu cực cho kinh tế Việt Nam cũng như hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp”, ông Saito nói.
Đồng tình với ông Saito, bà Đô Thị Thanh Thủy, đại diện cho Ngân hàng Ngoại hối Hàn Quốc (Korea Exchange bank) - chi nhánh Hà Nội nói rằng hiện có ba ngân hàng Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn pháp định là 60 triệu đô la Mỹ. Trên thực tế, 15% của số vốn này không đủ giải ngân cho một khách hàng của họ, hiện đã được giải ngân tới 20 triệu đô la Mỹ vào một dự án ở Dung Quất.
“60% khách hàng của ngân hàng chúng tôi có dư nợ trên 4 triệu đô la Mỹ/khách. Do đó, điều khoản trên gần như không thể thực hiện”, bà Thủy nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.
Đại diện Nhóm công tác ngân hàng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, nơi tụ họp các ngân hàng nước ngoài lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam, cũng đem đến hội thảo một bản góp ý rất dài mà theo đó, họ vô cùng lo ngại về thay đổi này.
“Với nội dung của Điều 128 khoản 1 trong dự thảo thì chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam buộc phải thay cơ bản hoạt động tín dụng hiện nay. Việc bắt buộc giảm mức cho vay sẽ phải bằng cách thu hồi nợ trước hạn hoặc chuyển khoản vay hiện có cho chi nhánh tại quốc gia khác. Điều đó cho thấy chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ bị phân biệt đối xử so với các tổ chức tín dụng khác. Nó dường như là một phần của việc bảo hộ, bao cấp ưu đãi cho các tổ chức tín dụng trong nước, và chắc chắn sẽ không tạo thành một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hoạt động ngân hàng tại Việt Nam”, trích từ bản góp ý.
Nếu xét ở góc độ pháp lý, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có tư cách pháp nhân, song lại bị giới hạn mức cấp tín dụng trong phạm vi vốn được cấp, đồng thời lại phải có cam kết về bảo lãnh và bảo đảm trách nhiệm của ngân hàng mẹ tại chính quốc. Những điều đó gây ra mâu thuẫn về mặt pháp lý và khó lý giải đối với các nhà quản lý ngân hàng nước ngoài. Nó có thể góp phần nâng cao rủi ro pháp lý và không khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Các chuyên gia của nhóm công tác cũng cho rằng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có lợi thế hơn các tổ chức tín dụng khác về nguồn vốn ngoại tệ. Việc giảm bớt hạn mức cấp tín dụng của chi nhánh của ngân hàng nước ngoài nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc thiếu hụt về nguồn vốn ngoại tệ cho vay trên thị trường do việc các khách hàng hiện vay nợ ngoại tệ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tìm kiếm nguồn vay ngoại tệ khác từ các ngân hàng trong nước, làm tăng thêm căng thẳng cho nền kinh tế, gây ra các bất ổn không cần thiết.
Quy định mới này còn có khả năng làm tăng phần “nợ” đối với cán cân thanh toán của Việt Nam do việc chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ chuyển các khoản vay vượt hạn mức cho các chi nhánh khác ở nước ngoài. Các khoản vay nợ trong nước sẽ chuyển thành nợ nước ngoài. Điều này có thể khiến các quốc gia tài trợ hay các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại về tình hình tài chính của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh mà Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng nhanh.
Hiện tại các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp dư nợ tín dụng cho khách hàng đến 15% vốn tự có của ngân hàng mẹ theo Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19-4-2005. Nếu Điều 128 của dự thảo được áp dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc là sẽ vi phạm điều khoản này hoặc sẽ phải chấm dứt hợp đồng vay với hàng loạt khách hàng là các tổng công ty nhà nước hoặc nhà đầu tư của các dự án lớn, trọng điểm của Chính phủ.
(Theo Hồng Phúc // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com