Trước mắt, Trung Quốc cần thoát khỏi “vũng lầy” của đồng USD, song không làm NDT lên giá.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao tính chuyển đổi của VND và khắc phục hiện tượng đô la hóa trong nền kinh tế. |
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 30/6/2009, trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ đồng USD trong dự trữ ngoại hối của thế giới đã tăng lên mức 65%, tương đương 2.600 tỷ USD – mức cao nhất kể từ năm 2007. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới quá lệ thuộc vào đồng USD, giới ngân hàng – tài chính rất quan tâm tới việc Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh quốc tế hoá đồng NDT, nhằm đưa đồng tiền này trở thành đồng tiền thanh toán thương mại quốc tế.
Từ đầu tháng 7/2009, Trung Quốc đã thực hiện thí điểm thanh toán thương mại xuyên quốc gia bằng đồng NDT tại TP. Thượng Hải, đánh dấu vị thế quốc tế của đồng tiền này. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ký “Hiệp định thanh toán tài khoản thương mại xuyên quốc gia bằng đồng NDT” với 11 ngân hàng; tính đến nay, đã có 19 ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán bằng đồng NDT với Ngân hàng Giao thông Trung Quốc...
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cho phép các công ty có mức tín nhiệm tốt ở Thượng Hải và 4 thành phố ở tỉnh Quảng Đông được sử dụng đồng NDT trong giao dịch với các đối tác ở Hongkong, Ma Cao và các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bước đầu, ba doanh nghiệp của TP. Thượng Hải đã ký hợp đồng tổng trị giá 14 triệu NDT (tương đương 2 triệu USD) với các khách hàng ở Hongkong và Indonesia, được một ngân hàng Trung Quốc cấp vốn cho các giao dịch này.
Trung Quốc còn ký các hiệp định hoán đổi tiền tệ với một số quốc gia, cho phép hai bên sử dụng đồng tiền của mình để thanh toán mậu dịch (như với Brazil). Việc các công ty của Trung Quốc bắt đầu sử dụng đồng NDT trong giao dịch xuất nhập khẩu và Chính phủ Trung Quốc bán trái phiếu bằng đồng NDT ở nước ngoài thời gian qua cũng là nhằm tăng sức hấp dẫn nắm giữ đồng tiền này đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Có thể nói, những nỗ lực cụ thể đó của Trung Quốc cho thấy tham vọng của nước này trong việc nâng cao vị thế của đồng NDT, tiến tới mục tiêu biến đồng NDT thành đồng tiền chuyển đổi và dự trữ toàn cầu.
Bà Lê Thị Tuấn Nghĩa, Phó chủ nhiệm Khoa Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho rằng, dựa trên thực lực kinh tế và phạm vi hoạt động thương mại rộng lớn, mục tiêu (và cũng là mong muốn) đó của Trung Quốc là có cơ sở. Về lộ trình và thời gian, sự thay đổi cục diện và cơ cấu nền tài chính quốc tế sẽ ảnh hưởng đến việc Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu đó trong 3 năm, 5 năm hay lâu hơn.
Theo ông Phí Đăng Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), bài toán của Trung Quốc phải giải quyết hiện nay vẫn là bằng cách nào để thoát khỏi “vũng lầy” của đồng USD, mà không làm tăng giá đồng NDT.
Theo số liệu của Ngân hàng Standard Chartered, đến cuối năm 2008, Trung quốc đã nắm tới 1.450 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Nếu đồng USD tiếp tục mất giá, thiệt hại của Trung quốc có thể lên tới 20 - 30% giá trị đầu tư. Biện pháp nhanh nhất là Trung Quốc có thể dừng mua trái phiếu kho bạc Mỹ, song việc này không dễ thực hiện, vì sẽ càng làm cho đồng USD mất giá, đồng thời đồng NDT lên giá sẽ gây khó khăn, hạn chế đối với xuất khẩu của Trung Quốc.
Về mong muốn của Trung Quốc đưa đồng NDT trở thành đồng tiền chuyển đổi, ông Minh cho rằng, điều này phụ thuộc nhiều yếu tố, từ việc bản thân đồng NDT hiện chưa phải là đồng tiền chuyển đổi, đến việc quốc tế có chấp nhận hay không, chấp nhận bằng cách nào... Song nhìn chung, đó là một con đường dài và Trung Quốc có thể cần thêm ít nhất 5 năm, hoặc nhiều hơn để hiện thực hoá mục tiêu này.
Điều đó một lần nữa cho thấy, khả năng để đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ và thanh toán quốc tế còn khá xa. Và cũng như những thị trường mới nổi khác (chẳng hạn Ấn Độ), dù lo ngại sâu sắc về vai trò của đồng USD và nỗ lực đa dạng hoá dự trữ ngoại hối thay vì tập trung nắm giữ đồng USD, song họ vẫn đang phụ thuộc vào đồng tiền này.
Tại Việt Nam, cách đây hơn 2 năm, ngày 4/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 98/2007/QĐ - TTg phê duyệt Đề án Nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục hiện tượng đô la hoá trong nền kinh tế - hai vấn đề quan trọng liên quan đến tăng trưởng kinh tế bền vững. Về nội dung này, Báo Đầu tư sẽ có bài phản ánh trong các số báo tiếp theo.
(Theo Bá Kiên // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com