Các ngân hàng tiếp tục điều tăng chỉnh lãi suất tiền gửi VND, kèm theo các chương trình khuyến mãi.
VietBank vừa tăng lãi suất thêm 0,35 - 0,8%/năm đối với kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng (Ảnh: Hoài Nam) |
Tại SCB, với sản phẩm “kỳ hạn vàng, lãi suất vàng”, được triển khai kể từ ngày 24/8 đến hết ngày 7/9 dành cho khách hàng gửi kỳ hạn 3 và 6 tháng, khách hàng sẽ được nhận ngay coupon tặng thêm lãi suất lên đến 0,4%/năm cho lần gửi tiền khác của chính họ hoặc người nắm giữ coupon và được tặng thêm lãi suất 0,3%/năm, nếu gửi lại ở kỳ hạn 3 tháng sau khi hợp đồng cũ đáo hạn...
Ngày 24/8, VPBank cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn, theo đó, sẽ điều chỉnh tăng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn huy động hiện có, với mức điều chỉnh tăng thấp nhất là 0,05%/năm và cao nhất là 0,7%/năm.
Cùng ngày 24/8, VietBank đã tăng lãi suất thêm 0,35 - 0,8%/năm dành cho các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng và tăng từ 0,15 - 0,8%/năm cho các kỳ hạn ngắn ngày từ 1 tuần đến 12 tháng. So với số liệu tuần trước đó, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần qua cũng có xu hướng tăng đối với các kỳ hạn ngắn (dưới 3 tháng), nhưng giảm đối với các kỳ hạn dài hơn.
Tuy nhiên, mức biến động lãi suất không cao (dưới 0,3%/năm). Lãi suất bình quân qua đêm là 7,38%/năm (tăng 0,18%/năm so với số liệu tuần trước), lãi suất các kỳ hạn còn lại dao động trong khoảng từ 8,32%/năm đến 9,36%/năm. Trong khi đó, theo báo cáo của các NHTM, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng VND tính đến ngày 20/8 đạt trên 396.000 tỷ đồng, chỉ tăng 0,25% so với một tuần trước đó.
Đáng chú ý, dư nợ theo cho vay hỗ trợ lãi suất của nhóm NHTM nhà nước và Quỹ Tín dụng nhân dân trung ương giảm 595,74 tỷ đồng (tương đương giảm 0,21%) so với một tuần trước đó và đạt trên 273.663 tỷ đồng.
Nếu như 6 tháng đầu năm 2009, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng luôn tăng trưởng cao hơn huy động vốn, thì theo thống kê của NHNN, trong tháng 7, dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm hơn tổng vốn huy động. Cụ thể, số dư tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng trong tháng 7/2009 vừa được NHNN đưa ra ước tăng 2,75% so với cuối tháng trước và tăng 20,92% so với cuối năm trước. Trong khi đó, tín dụng đầu tư cho nền kinh tế của toàn ngành tháng 7/2009 chỉ ước tăng 2,15% so với cuối tháng trước đó.
Việc tín dụng tăng trưởng chậm lại được các nhà điều hành ngân hàng lý giải là phải điều chỉnh để đáp ứng theo chủ trương hạ mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng từ 30% xuống 27% của NHNN. Như vậy, việc này mâu thuẫn với động thái tiếp tục tăng lãi suất đầu vào của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia tài chính thì thực tế, số dư nợ tín dụng cao hơn mức công bố, nên cung - cầu vốn tại các ngân hàng có sự mất cân đối.
Mặt khác, trong bối cảnh thị trường đang có những khó khăn hiện nay, các ngân hàng phải tranh thủ kiếm lợi nhuận từ mảng kinh doanh nào mà họ cảm thấy hiệu quả nhất. Trong đó, với tín dụng cá nhân, dù chính sách của NHNN đưa ra là phải kiểm soát chặt để hạn chế rủi ro cũng như “ngăn” luồng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản, song với các ngân hàng, nếu cảm thấy có lợi và rủi ro được kiểm soát ở mức chấp nhận được, thì vẫn triển khai và không loại trừ việc đẩy mạnh cho vay cầm cố chứng khoán khi giá cổ phiếu tăng trở lại.
Đồng thời, việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn ở tỷ lệ cao là thực tế còn tồn tại. Thực tế trên đã chứng minh điều đó và các ngân hàng tiếp tục với cuộc đua điều chỉnh lãi suất tiền gửi đầu vào.
Thế nhưng, qua trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc OCB cho rằng, với chủ trương kiểm soát chặt tín dụng, các ngân hàng phải thận trọng hơn trong cho vay, song điều đó không có nghĩa là các ngân hàng sẽ hạn chế, mà tùy thuộc vào mức độ tăng trưởng dư nợ của mình. Nếu ngân hàng nào có dư nợ còn thấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi chưa thể dừng.
(Theo Thùy Vinh // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com