Ông Thomas Tobin, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, thị trường thẻ tín dụng (credit card) tại Việt Nam “cực kỳ tiềm năng” do mới chỉ có 2% dân số Việt Nam sử dụng loại thẻ này.
Có lẽ đây cũng là lý do chính để các ngân hàng trong và ngoài nước cùng “chạy đua” mở rộng dịch vụ này trong thời gian vừa qua…
Cuộc đua ngày càng quyết liệt
Ngày 8/8, NH Đông Á (Dong A Bank) phát hành thẻ tín dụng quốc tế cùng tên thông qua Visa - tổ chức thẻ lớn nhất thế giới.
Với việc mời ca sĩ Quang Dũng là “đại sứ” quảng bá cho mình, Dong A Bank hy vọng dịch vụ này sẽ đem lại nguồn thu hấp dẫn cho mình trong vài năm tới.
Trước đó, HSBC cũng tung ra thực hiện chiến dịch quảng cáo khá rầm rộ với mục đích thu hút lượng khách hàng trung lưu ngày một đông tại Việt Nam.
Trước những động thái trên thì ANZ, ACB, Eximbank, Techcombank, VPBank…cũng không thể đứng ngoài cuộc với nhiều chương trình khuyến mãi vào loại lớn nhất từ trước đến nay đối với dịch vụ thẻ tín dụng.
Hiện nay, nhiều tiêu chuẩn khắt khe khi muốn mở thẻ tín dụng đang được đơn giản hóa. Dong A Bank chỉ còn yêu cầu thu nhập trên 4 triệu với hạn mức tín chấp 70 triệu đồng và lên tới 150 triệu đồng đối với thẻ vàng, mở thẻ tại HSBC chỉ cần thu nhập trên 5 triệu, Techcombank nâng hạn mức tín dụng cao nhất lên 150 triệu đồng…
Hàng loạt NH đang miễn hoặc giảm phí mở thẻ, phí thường niên cho khách hàng như Dong A Bank đang thực hiện hoặc liên kết với nhiều dịch vụ để giảm giá cho chủ thẻ như HSBC, ACB, VCB…
Bà Trương Minh Hà, Trưởng đại diện của Visa tại Việt Nam cho rằng, việc các NH ngày càng quan tâm tới dịch vụ thẻ tín dụng do thị trường này còn quá nhỏ bé và hiện rất ít người sử dụng.
Bà Hà dẫn chứng tại Malaysia với gần 25 triệu dân nhưng chỉ tính riêng Visa đã có 5 triệu thẻ với doanh số 8 tỷ USD năm 2007, Hồng Kông chỉ có 5 triệu dân nhưng có gần 9 triệu thẻ với doanh thu 26 tỷ USD; trong khi đó Việt Nam mới có 88.000 thẻ tín dụng Visa và tiêu xài cả năm 2007 chỉ khoảng 1,14 triệu USD.
Hiện, trong số khoảng 7 triệu thẻ do các NH phát hành hiện chỉ có gần 400.000 là thẻ tín dụng (credit card), trong đó có khoảng 180.000 thẻ thường xuyên có giao dịch và nguồn thu từ dịch vụ này chưa đáng kể với các NH.
Các tổ chức thẻ hàng đầu như Visa, Master Card, American Express…đang nhìn ra thị trường béo bở này và họ đang cùng các NH tại Việt Nam đua nhau mở rộng đối tượng khách hàng.
Ông Trần Phương Bình, Tổng GĐ Dong A Bank khẳng định NH mình chưa muộn khi “nhảy” vào dịch vụ này vì hiện vẫn chỉ có khoảng 10 NH ở Việt Nam phát hành thẻ tín dụng và Dong A Bank đang có lượng khách hàng tiềm năng từ 2 triệu thẻ đa năng.
Tuy nhiên trở ngại lớn nhất khiến khách hàng chưa ưa chuộng loại thẻ “tiêu xài trước trả nợ sau” này là hàng loạt “rào cản” do chính các NH phát hành thẻ cũng như các điểm chấp nhận thẻ dựng lên.
Lợi thì có lợi nhưng…
Sau khi bị khách hàng kêu ca vì phải ký quỹ bằng hoặc hơn với hạn mức tín dụng mới được cấp thẻ, hầu hết các NH đã bỏ quy định này nhưng khách hàng phải chứng minh thu nhập, “địa vị” xã hội bằng hàng loạt hồ sơ, giấy tờ.
Tại NH A. muốn cấp thẻ phải có xác nhận thu nhập, hợp đồng lao động, hộ khẩu, CMND, hóa đơn điện thoại, cam kết trả nợ… Ngay cả HSBC được xem là thuận tiện cũng phải có đủ ít nhất 4 loại giấy tờ.
Những quảng cáo như chỉ cần thu nhập 3 triệu, hạn mức tín dụng 100 triệu, không trả lãi trong vòng 45 ngày, dễ dàng mua sắm, giảm giá ở hàng chục ngàn điểm trên khắp thế giới… thường chỉ thực hiện trong điều kiện lý tưởng nhất mà thường chỉ có trên lý thuyết.
Tháng 6/2008, không ít khách hàng dùng thẻ của một NH đã “tái mặt” khi bị tính phí chênh lệch tỷ giá đến 12%.
Chị Phí Mỹ Dung (Q. 1 TPHCM) đang sử dụng 2 thẻ tín dụng của NH VCB và ACB than phiền “tiện vì không phải mang tiền mặt và khi kẹt có thể mua trước trả sau nhưng đi ra nước ngoài mua sắm rồi về Việt Nam bị tính phí chênh lệch tỷ giá cao, giá quy đổi bất lợi, còn ở trong nước thì thường chỉ các nơi sang trọng mới chấp nhận thẻ, chưa kể trừ phí có khi lên đến 2,5% nên đôi khi rất bực mình”.
Chưa kể những “nhầm lẫn” giữa NH, điểm chấp nhận thẻ và khách mà phần thiệt thòi trong nhiều trường hợp thuộc về chủ thẻ.
Sau khi khá nhiều nước và khu vực đi đầu trong thị trường thẻ tín dụng như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc nhu cầu gần như bão hòa và cuộc khủng hoảng nợ nần do tiêu xài quá mức bởi “cạm bẫy thẻ tín dụng” thì những thị trường mới như Việt Nam đang được xem là hấp dẫn.
Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có khoảng gần 10 NH sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ hay tạo ra các điều kiện để đẩy mạnh số lượng thẻ, hứa hẹn cuộc đua “bình dân hóa” thẻ tín dụng càng quyết liệt.
Tuy nhiên, trước khi “cà” thẻ, khách hàng đừng quên nợ trước hay sau thì cũng đều phải trả NH và lãi rút tiền mặt, lãi quá hạn hiện đang trên 21%/năm…
( Theo Hà Phan - Báo Tiền Phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com