Nhiều ngân hàng đang có dấu hiệu thừa vốn nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn khó vay, các khoản vay của khách hàng cá nhân tiếp tục bị siết chặt.
Không ít ngân hàng lớn sẽ xem xét kỹ các khoản vay và chỉ áp dụng đối với những khách hàng quen… Giờ đây nhiều ngân hàng đang đứng trước lựa chọn: An hoàn hay lợi nhuận?
Tổng Giám đốc ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình khẳng định tiêu chí hàng đầu của ngân hàng ông hiện nay là an toàn hơn là lợi nhuận.
Hàng loạt ngân hàng khác như ACB, Sacombank, Techcombank, VPBank… cũng đang xem an toàn là mục tiêu cao nhất trong 6 tháng cuối năm.
Cùng với rào cản tăng trưởng tín dụng 30% mà nhiều ngân hàng đã đạt ngưỡng, lo ngại nợ xấu trong thời gian sắp tới thì lý do an toàn là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng thận trọng trong hoạt động tín dụng.
Ông Lê Đắc Sơn, Tổng Giám đốc VPBank nói với báo giới: Bây giờ chúng tôi không chạy đua theo lợi nhuận bằng mọi giá mà lấy an toàn là mục tiêu cao nhất nên chấp nhận không phát triển tín dụng”.
Giám đốc một ngân hàng khác thì cho rằng việc nhiều ngân hàng thương mại vẫn hạn chế cho vay không phải do đã chạm ngưỡng tăng trưởng 30% mà lo ngại nhiều khoản nợ xấu sẽ xuất hiện trong những tháng cuối năm do các khoản nợ vay bất động sản, tiêu dùng và chứng khoán đáo hạn.
Tổng Giám đốc ngân hàng ACB Lý Xuân Hải nhận định: “Dư nợ cho vay đã tăng 30% nên ngân hàng rất hạn chế triển khai tín dụng cho khách hàng mới, chỉ duy trì với những khách hàng cũ, nhằm đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không quá 30% theo yêu cầu của NHNN trong năm 2008”.
Ngoài lý do các ngân hàng “ngại” cho khách hàng mới vay thì không ít DN cũng đang cân nhắc lại việc có nên vay vốn với lãi suất cao trong tình hình hiện nay hay không.
Phó Tổng Giám đốc kinh doanh một Cty lớn phân tích: “Nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất nhưng thật ra 1-2%/năm không đáng kể và chỉ có một số đối tượng mới được hưởng trong khi nhiều chi phí tăng cao nên doanh nghiệp không mặn mà vay vốn ngân hàng”.
Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp một ngân hàng cũng thừa nhận các khách hàng đủ điều kiện thì họ đã có nguồn vốn khác rẻ hơn lãi suất ngân hàng, còn nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn thì khả năng trả nợ có vấn đề.
Ông Kiều Đức Tuấn, Phó Giám đốc Cty nhựa Hải Minh (TPHCM) cho hay, Cty ông được vay ngân hàng với lãi suất 19,5%/năm nhưng cộng các chi phí khác cùng lãi ngân hàng lên tới gần 30% nên Cty tìm nguồn vốn khác để đảm bảo an toàn. Trước tình hình trên thì nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng nên chú trọng vào dịch vụ để tìm nguồn bù đắp.
Trong thời gian qua, dù tình hình kinh tế chưa thuận lợi lắm nhưng nhiều ngân hàng vẫn mở rộng chi nhánh hay đưa ra nhiều dịch vụ mới như An Bình, EAB, Eximbank, ACB, Sacombank…
Tuy nhiên đây được xem là chiến lược dài hạn hơn là “bù” vào tốc độ tăng trưởng tín dụng đang chậm lại. Một số ngân hàng đã công bố việc điều chỉnh lợi nhuận năm 2008 với chiều hướng giảm, có ngân hàng giảm trên 500 tỷ đồng so với công bố đầu năm.
( Theo Hà Phan - Báo TP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com