Trong khi các ngân hàng nội chạy theo cuộc đua tăng lãi suất để giữ chân khách hàng và bảo toàn vị trí, thì các ngân hàng nước ngoài lại âm thầm triển khai các kế hoạch “bành trướng” để giành thêm thị phần tại thị trường Việt Nam, được đánh giá là nhiều tiềm năng.
Sự kiện Ngân hàng Hồng Công-Thượng Hải (HSBC) khai trương chi nhánh lớn nhất tại Hà Nội hồi giữa tháng 6 là sự cụ thể hóa chiến lược đầu tư dài hạn của HSBC tại Việt Nam. “Chi nhánh Hà Nội là sự khẳng định cam kết phát triển của HSBC tại Việt Nam, cả về quan hệ nội tại và hợp tác chiến lược”, ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc HSBC tại Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Tobin, với số người sở hữu tài khoản ngân hàng mới chiếm 10% trong tổng số 85 triệu dân, Việt Nam là thị trường tài chính nhiều tiềm năng. Việc thành lập chi nhánh này là điều kiện để HSBC tham gia trực tiếp và sâu rộng hơn vào thị trường tài chính Việt Nam.
Sự kiện HSBC mở chi nhánh 100% vốn tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế trong nước đang gặp khó khăn còn cho thấy sự tin tưởng của HSBC về khả năng cải thiện tình hình của nền kinh tế Việt Nam. Trong một báo cáo mới đây về tình hình kinh tế Việt Nam, HSBC đã đưa ra dự báo khá lạc quan rằng lạm phát và thâm hụt thương mại sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Nối gót HSBC, đầu tháng 7, Standard Chartered đã chính thức khai trương ngân hàng bán lẻ tại Hà Nội - chi nhánh thứ hai của Standard Chartered tại Việt Nam, sau chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Namital Lal, Giám đốc phụ trách ngân hàng bán lẻ của Standard Chartered, cho biết ngân hàng vẫn duy trì kế hoạch mở rộng hoạt động, vì tin tưởng rằng các bước điều chỉnh của Chính phủ Việt Nam sẽ đem lại kết quả khả quan trong thời gian tới.
Theo bà Namita Lal, hiện tăng trưởng của Việt Nam có thể giảm, nhưng “mức tăng trưởng khoảng 7% vẫn là cao so với các nền kinh tế khác trong khu vực”. Khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, thì các ngân hàng có thể kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng tín dụng. Standard Chartered hiện có 2.000 khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và đang phấn đấu đạt 5.000 - 10.000 khách hàng tại Hà Nội vào năm 2009.
Không chịu thua kém, Ngân hàng DBS của Singapore - một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất châu Á - đã nhanh chân khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội hồi đầu tháng 7. Còn Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản cũng vừa hoàn tất việc mua 15% cổ phần của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này.
Theo số liệu của Vụ Quản lý các ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện có 44 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
(Theo TTXVN )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com